Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ chạy thận 9 người chết: Truy vấn việc Hoàng Công Lương ra y lệnh

Phó trưởng Khoa Hồi sức Hoàng Công Tình khẳng định các bác sĩ ở Đơn nguyên thận đều có quyền ra y lệnh chạy máy, không riêng Hoàng Công Lương.

Vì sao Hoàng Công Lương phủ nhận cáo buộc của VKS? Bị cáo Lương nói anh ta không phạm tội như cáo trạng quy kết. Lỗi xảy ra sự cố chạy thận là do tồn dư hóa chất.

Sáng 18/1, phiên tòa xử 7 bị cáo vụ chạy thận ở Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 5.

Sau 2 ngày giữ quyền im lặng tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương được ngồi để nghe 6 bị cáo còn lại liên tiếp lên bục gỗ, trả lời câu hỏi của nhóm luật sư bào chữa và đại diện VKS.

Ký y lệnh chạy thận vì có tuổi nghề cao

Trả lời đại diện VKS về nhiệm vụ của Hoàng Công Lương tại Đơn nguyên lọc máu (thận nhân tạo), bác sĩ Hoàng Công Tình (chú ruột bị cáo Lương) - Phó trưởng Khoa Hồi sức, khẳng định Lương là bác sĩ điều trị bệnh nhân.

Hoang Cong Luong anh 1
Bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó trưởng Khoa Hồi sức đến tòa với tư cách người liên quan. Ảnh: Hoàng Lam.

Cũng như 2 bác sĩ Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh tại Khoa này, Hoàng Công Lương đều được giao và cùng được phép ra y lệnh chạy thận.

"Khi nào bác sĩ được ra y lệnh lọc máu?", ông Tình đáp, bác sĩ nếu có chứng chỉ hành nghề, học về điều trị nội khoa là được ra y lệnh. Bởi lẽ, chứng chỉ hành nghề ghi rõ bác sĩ đã được đào tạo về nội khoa và hồi sức tích cực thì được phép điều trị bệnh nhân và ra y lệnh.

Bác sĩ Tình cũng giải thích, theo Luật Khám chữa bệnh, bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề là được ra y lệnh mà không cần điều kiện nào khác.

3 bác sĩ đều có quyền ra y lệnh ngang nhau thì tại sao sáng 29/5/2017, bác sĩ Huyền phải trình Hoàng Công Lương ký y lệnh chạy thận hôm đó? Trả lời công tố viên, ông Tình cho rằng, do Lương có tuổi đời và tuổi nghề nhiều hơn một số bác sĩ khác.

"Trong ngành y, những ai có kinh nghiệm chuyên môn sâu hơn thì có thể chia sẻ kinh nghiệm đó với người có ít kinh nghiệm", ông Tình trình bày.

Khi nào bác sĩ được ra y lệnh?

VKS tiếp tục truy vấn về chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng viên trong Đơn nguyên lọc máu, bác sĩ Tình cho biết để tiến hành chạy thận cho bệnh nhân cần kết hợp nhiều bộ phận.

Trước hết, điều dưỡng viên khởi động hệ thống RO, quan sát đồng hồ để đo chỉ số an toàn. Khi các điều kiện về bệnh nhân được đảm bảo, máy móc ổn định thì bắt đầu quá trình kết nối máy với bệnh nhân. Lúc đó, bác sĩ ra y lệnh chung là bắt đầu chạy thận.

Hoang Cong Luong anh 2
Hoàng Công Lương (hàng trên), bị cáo Tuấn (đeo kính) và 3 cựu lãnh đạo bệnh viện tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam.

VKS cho hay, trong Khoa hồi sức, ngoài Hoàng Công Lương còn có 2 bác sĩ khác là Huyền và Linh. Tuy nhiên, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc bệnh viện) cho rằng 2 người này chưa được Sở Y tế phê duyệt chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Đáp lời, ông Tình lại khẳng định, tính đến ngày xảy ra sự cố (29/5/2017), 2 bác sĩ này đã được cấp chứng chỉ. Căn cứ Luật Khám chữa bệnh, họ có quyền ra y lệnh.

“Vậy 2 bác sĩ Huyền và Linh đã có chứng chỉ liên quan thận nhân tạo?”, ông Tình tái khẳng định, nếu là bác sĩ nội khoa hay bác sĩ hồi sức cấp cứu đều có thể ra y lệnh lọc thận.

VKS viện dẫn quy trình kỹ thuật chạy thận theo quy định, cho thấy bác sĩ phải được đào tạo chuyên môn về thận thì mới được ra y lệnh.

Ngay lập tức, ông Hoàng Công Tình cho rằng, căn cứ quy trình của Bộ Y tế ban hành năm 2014 và Quy định 52 hướng dẫn quy trình chạy thận được Bộ này ban hành năm 2018, bác sĩ chỉ cần có ít nhất 200 giờ làm việc tại đơn nguyên thận và được bác sĩ chuyên môn hướng dẫn là có thể thực hành.

"Hai bác sĩ Huyền và Linh đã làm việc gần 3 năm, nếu làm 8 giờ/ngày thì chỉ 2 tháng là có đủ thời gian về điều kiện để chạy thận nhân tạo", ông Tình nhấn mạnh.

Để đối chất lời khai ông Tình, công tố viên đề nghị hỏi 2 bác sĩ Huyền, Linh và điều dưỡng viên tại Khoa Hồi sức. Tuy nhiên, những người này vắng mặt tại phiên xử sáng 18/1.

Hoang Cong Luong anh 3
Công tố viên Đào Thị Hồng Điệp. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo cáo buộc, Hoàng Công Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo; có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

Lương là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Với trình độ và vai trò được giao, Hoàng Công Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng phải có xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc Trưởng khoa.

Tuy nhiên, ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên mà ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 9 người trong số này tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Vụ chạy thận 9 người chết: Hai bị cáo đổ trách nhiệm cho cấp dưới

Nghe luật sư hỏi về trách nhiệm đối với việc lọc máu chạy thận, bị cáo Trương Quý Dương và Hoàng Đình Khiếu đều né trách nhiệm, đổ lỗi cho các phòng ban.



Hoàng Lam - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm