Sáng 16/1, đại diện VKS đầu xét hỏi 7 bị cáo vụ chạy thận nhân tạo làm chết 9 người xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình 2 năm trước.
Đầu buổi sáng, bị cáo Hoàng Công Lương gửi đơn đến HĐXX xin được sử dụng quyền im lặng tại tòa. Theo chủ tọa, cựu bác sĩ bệnh viện đa khoa Hòa Bình nói vì sức khỏe không đảm bảo nên xin được ngồi ghế.
Xin quyền im lặng vì mệt mỏi
Trong đơn, Hoàng Công Lương khẳng định sẽ cố gắng trả lời câu hỏi của đại diện VKS nếu có nội dung liên quan đến chuyên môn khám chữa bệnh. Câu hỏi ngoài phạm vi chuyên môn, Lương xin giữ quyền im lặng.
Hoàng Công Lương xin giữ quyền im lặng vì mệt mỏi. Ảnh: Hoàng Lam. |
Cũng trình bày trong đơn, bác sĩ Lương cho rằng anh ta đã khai đầy đủ trong phần xét hỏi một ngày trước.
Đối đáp tại tòa, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng tôn trọng quyền im lặng của bị cáo.
"Hơn nữa, lời khai bị cáo tại tòa không phải là chứng cứ buộc tội duy nhất", đại diện VKS nói và cho biết cơ quan công tố sẽ căn cứ những chứng cứ đã thẩm định công khai để xem xét.
Ngay sau đó, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh hỏi lại bị cáo Lương về vấn đề sức khỏe có đủ đảm bảo để trả lời câu hỏi. Người bị cáo buộc vô ý làm chết 9 bệnh nhân đáp: "Hiện bị cáo không thể trả lời được vì bị cáo cảm thấy mệt. Khi nào cảm thấy sức khoẻ đảm bảo, bị cáo sẽ trả lời”.
Hai ngày trước, tại phần thủ tục, HĐXX xác định bác sĩ Lương được điều trị tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình từ cuối tháng 12/2018 do rối loạn thích ứng với phản ứng trầm cảm. Bệnh nhân 33 tuổi mất ngủ dài ngày, sốc tâm lý.
Nhóm luật sư của Hoàng Công Lương cũng đề nghị HĐXX trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Việc giám định nhằm đảm bảo tính công tâm khách quan và tính chính xác trong lời khai của bị cáo Lương đối với vụ án. Tuy nhiên, tòa đã bác đề nghị này.
Nhiều bị cáo nhận lỗi
Tiếp tục xét hỏi, đại diện VKSND TP Hòa Bình truy bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) về quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO.
Theo cáo trạng, Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa hệ thống máy lọc RO. Khi thực hiện, Quốc đã sử dụng hóa chất chưa được Bộ Y tế cấp phép để rửa màng lọc, không sục xả hết hóa chất đã dùng gây tồn dư axit.
Sau khi bảo dưỡng, Quốc cũng không lấy mẫu nước đi xét nghiệm mà để mặc Đơn nguyên lọc máu vận hành máy, làm 18 bệnh nhân ngộ độc trong đó 9 người tử vong.
Trước tòa, bị cáo Quốc cho biết anh ta từng nhiều lần sửa và bảo dưỡng hệ thống RO số 2 tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Mỗi lần thực hiện, Quốc đều làm các thao tác giống nhau.
Trước hôm xảy ra sự cố y khoa, Quốc đã tiến hành vệ sinh và thay màng RO bằng phương pháp cơ học.
“Sau khi sự cố xảy ra, bản thân bị cáo là người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO số 2 nên tinh thần rất hoang mang, không để ý gì nữa", Quốc khai.
"Bị cáo nhận thức thế nào về sự cố xảy ra", đại diện VKS hỏi dồn dập. Suy nghĩ giây lát, bị cáo nói trong quá trình làm việc, sửa chữa máy lọc nước RO, anh ta chưa để xảy ra trường hợp đau lòng nào.
"Sự cố y khoa xảy ra đó là lỗi của bị cáo. Bị cáo có lỗi là không ngăn cản kịp thời nhưng bị cáo không đổ lỗi cho ai cả", Quốc nói và kết thúc phần xét hỏi.
Trần Văn Sơn (trái) và Bùi Mạnh Quốc đến tòa. Ảnh: Quang Huy. |
Tiếp đó, đại diện cơ quan công tố thẩm vấn Trần Văn Sơn. Cựu cán bộ Phòng vật tư bệnh viện chậm rãi bước lên bục khai báo. Tỏ sự mệt mỏi, Sơn nói bản thân công tác tại bệnh viện từ 2013. Hai năm sau, dù anh ta hết hợp đồng nhưng vẫn được ở lại làm việc tại Phòng vật tự, có nhiệm vụ quản lý máy móc, thiết bị y tế.
Nhắc đến lời khai của Hoàng Công Lương một ngày trước, cho rằng trách nhiệm của cán bộ vật tư là quản lý hệ thống nước, Sơn tỏ ra bất ngờ và phủ nhận lời khai đó.
“Bị cáo không có chuyên môn về quản lý nước nên không thể nói có trách nhiệm được, như thế là không thuyết phục", Sơn nói và khai tiếp, sau khi sự cố xảy ra, anh ta đã khóa cửa phòng xử lý nước RO số 2.
Trước câu hỏi của VKS về trách nhiệm, Sơn cho biết bản thân "cảm thấy rất có lỗi" và thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong công việc.