Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoàng Công Lương: Bị cáo không phạm tội vô ý làm chết người

Trước tòa, Hoàng Công Lương bày tỏ quan điểm không đồng ý cáo trạng của VKS. Bị cáo nói anh ta không vô ý làm chết người mà nguyên nhân sự cố do tồn dư hóa chất.

Vì sao Hoàng Công Lương phủ nhận cáo buộc của VKS? Bị cáo Lương nói anh ta không phạm tội như cáo trạng quy kết. Lỗi xảy ra sự cố chạy thận là do tồn dư hóa chất.

Chiều 15/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan vụ chạy thận nhân tạo làm chết 9 bệnh nhân, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình 2 năm trước.

Hoàng Công Lương phủ nhận trách nhiệm

Bắt đầu thẩm vấn Hoàng Công Lương, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh yêu cầu bị cáo bước đến bục gỗ. Nam bác sĩ đứng khom người, mặc áo khoác ấm, bên trong vẫn chiếc sơmi màu xanh như các phiên tòa trước.

"Bị cáo thấy sức khỏe ra sao". Lương đáp, anh ta cảm thấy mệt nhưng bản thân sẽ cố gắng trả lời. Tuy nhiên nếu hỏi lâu bị cáo sợ sẽ không đứng trả lời được.

Đề cập đến cáo trạng, Hoàng Công Lương phản đối những cáo buộc của VKSND TP Hòa Bình về tội Vô ý làm chết người.

Xet xu Hoang Cong Luong anh 1
Hoàng Công Lương rời tòa chiều 15/1. Ảnh: Quang Huy.

Bị cáo nói rằng, sau khi nhận cáo trạng, anh ta đã ghi vào biên bản và làm đơn khiếu nại việc không đồng ý những căn cứ buộc tội của cơ quan công tố.

Lương trình bày, nguyên nhân sự cố làm chết 9 người do tồn dư hóa chất nên không liên quan đến chuyên môn của anh ta. "Bị cáo không thể phạm tội vô ý làm chết người. VKS truy tố không theo một quy định nào của pháp luật”, bị cáo nói.

"Bị cáo được đào tạo kỹ thuật liên quan thận nhân tạo không". Trả lời câu hỏi của HĐXX, Hoàng Công Lương khẳng định có và giãi bày, cuối 2010, anh ta được học lớp kỹ thuật lọc máu cơ bản ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong 2 tháng liên tục. Sau đó, bị cáo được cấp chứng nhận.

Tại Bệnh viện Hòa Bình, Lương còn được cấp chứng chỉ hành nghề nội khoa và cứu chữa từ năm 2013. Ngoài ra, tại Đơn nguyên thận nhân tạo, bị cáo 33 tuổi còn là bác sĩ điều trị về chuyên môn.

Tiếp tục xét hỏi, chủ tọa truy bị cáo Lương về trách nhiệm liên quan đến quản lý chất lượng nước máy lọc RO. Bị cáo lập tức phủ nhận “không chịu trách nhiệm” về hạng mục này.

Giải thích với HĐXX, Lương nói theo cơ chế bệnh viện, chất lượng nước thuộc trách nhiệm của trưởng Khoa lọc máu. Tuy nhiên, bệnh viện tỉnh chưa có kỹ sư, nhân viên lọc máu nên nội dung đó thuộc trách nhiệm Phòng vật tư.

Kể lại diễn biến sự cố sáng 29/5/2017 làm chết 9 người, bị cáo Lương trình bày, hôm đó, điều dưỡng Điệp thông báo hệ thống lọc nước đã sử dụng bình thường sau khi Phòng vật tư bàn giao.

“Chị này thuộc Đơn nguyên lọc máu nên ai cũng tin tưởng”, Lương khai và khẳng định, việc sửa chữa hệ thống lọc nước vào chiều 28/5 ai cũng biết. Tuy nhiên, bị cáo không có trách nhiệm phải biết có quy trình nào mới sau sửa chữa hay không. Sau đó, anh ta ra y lệnh cho chạy máy lọc thận nhân tạo.

Nghe chủ tọa hỏi nhắc lại trách nhiệm đối với sự cố xảy ra, Hoàng Công Lương tiếp tục phủ nhận, cho rằng bản thân anh ta không vô ý làm chết người mà lỗi do máy tồn dư hóa chất.

Chắc chắn có sai sót

Đầu buổi chiều, HĐXX xét hỏi bị cáo Đỗ Anh Tuấn. Cựu Giám đốc Công ty Thiên Sơn vận áo vest bên ngoài áo sơ mi, đeo kính bước đến bục khai báo.

Xet xu Hoang Cong Luong anh 2
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo cáo buộc, ông Tuấn đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc ký hợp đồng số 315 với bệnh viện về hệ thống máy chạy lọc thận. Do đó, người này cũng có trách nhiệm đối với sự cố 9 người chết. Tuy nhiên, bị cáo Tuấn phản đối cáo trạng.

“Vì sao bị cáo phản đối cáo trạng?”, nghe chủ tọa truy vấn, ông Tuấn trình bày, bản thân không phải chủ thể của tội thiếu trách nhiệm. Trong vụ án này, ông ta chỉ là người đại diện pháp luật cho Công ty Thiên Sơn, không phải dưới danh nghĩa cá nhân.

Theo lời khai, từ tháng 12/2009, Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng với bệnh viện cho thuê 13 máy chạy thận. Ban đầu, khi bệnh viện khó khăn, 2 bên thỏa thuận mức thanh toán là 360.000 đồng/ca. Cuối 2011, do nhiều biến động, bệnh viện có nhu cầu đặt thêm máy nên 2 bên thỏa thuận hợp đồng thuê máy 7,7 USD/ca chạy thận.

Đỗ Anh Tuấn khai tiếp, về phân công trách nhiệm, theo thỏa thuận, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình tổ chức chạy thận cho bệnh nhân. Thiên Sơn chỉ cử kỹ sư đến lắp đặt máy và sửa chữa, bảo dưỡng máy khi có hỏng hóc.

“Gây ra hậu quả, sự cố như vậy chắc chắn có sai sót gì đó. Tuy nhiên, từ khi bị cáo Quốc làm cho đến khi xảy ra sự cố, Thiên Sơn chưa nhận được thông tin nào từ Quốc”, bị cáo Tuấn trình bày.

Chưa sửa xong đã vận hành máy lọc thận

Tiếp đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc bước đến bục trả lời. Cựu Giám đốc Công ty Trâm Anh chắp 2 tay phía trước, khẳng định ngày 28/5/2017, bị cáo không sục rửa màng RO mà chỉ vệ sinh vỏ màng. Còn việc sục rửa được anh ta thực hiện trước đó vào khoảng tháng 2-3.

Nói đến hợp đồng số 315 ký giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện tỉnh Hòa Bình về việc sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc thận, Quốc khai anh ta không hề biết. Bị cáo thừa nhận chỉ thực hiện các hạng mục như thay thế phụ tùng máy, tẩy rửa vệ sinh màng, tiệt trùng hệ thống đường ống,…

Quốc khai quá trình sửa chữa máy cho bệnh viện, không ai giám sát anh ta mà chỉ có người của bệnh viện mở cửa cho bị cáo vào thi công, cụ thể là Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư).

Nhắc đến sự cố y khoa sáng 29/5/2017 làm chết 9 người, Quốc trần tình sau khi sửa chữa vào chiều 28/5, bị cáo chưa bàn giao thiết bị nào cho bệnh viện do việc bảo dưỡng chưa thực hiện xong.

“Bởi vì còn một hạng mục là lấy mẫu nước xét nghiệm nên bị cáo chưa làm xong”, Quốc nói và trình bày, do quy trình lấy mẫu phải có sự chứng kiến của Trần Văn Sơn và một cán bộ Đơn nguyên thận. Một mình anh ta không thể thực hiện nên Quốc đã hẹn Sơn sẽ lấy mẫu nước vào sáng 29/5.

Xet xu Hoang Cong Luong anh 3
Trần Văn Sơn (trái) và Bùi Mạnh Quốc được cảnh sát áp giải đến tòa ngày 15/1. Ảnh: Quang Huy.

"Tại sao sáng 29/5 bị cáo không lấy mẫu nước?", đáp câu hỏi của chủ tọa, bị cáo Quốc khai, gần 8h ngày 29/5, anh ta đến lấy mẫu nước thì thấy hệ thống đã vận hành.

"Bị cáo hỏi chị Hằng là điều dưỡng viên, chị nói không thấy ai nói gì. Một lúc sau thì sự cố xảy ra”, Bùi Mạnh Quốc nói và thừa nhận bản thân có lỗi là đã không can ngăn khi thấy máy vận hành.

Được gọi lên đối đáp, điều dưỡng viên Bùi Thị Hằng khai, sáng 29/5, chị này gặp Bùi Mạnh Quốc tại bệnh viện. Tuy nhiên lúc đó, một vài bệnh nhân đã được chạy thận và đang trong tình trạng ổn định.

“Có ai cảnh báo không được sử dụng máy RO số 2 không?”, trả lời chủ tọa, nữ điều dưỡng nói không ai cảnh báo.

'Nỗi đau của bác sĩ Lương cũng là nỗi đau của bị cáo'

"Lương bị như vậy, bị cáo rất đau lòng. Nỗi đau của bác sĩ Lương cũng là nỗi đau của bị cáo”, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Trương Quý Dương nói.




Hoàng Lam - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm