Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ chồng bị giam 10 ngày vì tạt axit vợ gây phẫn nộ ở Trung Quốc

Câu chuyện về người phụ nữ sống sót sau khi bị chồng tạt axit thu hút sự chú ý của dư luận. Sau vụ tấn công, người chồng chỉ bị giam 10 ngày và bị phạt 400 nhân dân tệ.

Người phụ nữ bị chồng tạt axit ở Trung Quốc.

Vụ việc xảy ra ở thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, vào ngày 14/1, khi người phụ nữ 31 tuổi tên Zhang tranh cãi với chồng mình, Xu Zhong, theo What's on Weibo.

Trong lúc cãi vã, Xu Zhong, kỹ sư hóa học 29 tuổi, đã tấn công vợ bằng cách hất chai axit sulfuric vào mặt cô. Người đàn ông đã chuẩn bị sẵn chai axit trước khi sự cố xảy ra.

"Tôi muốn tất cả các bạn nhìn thấy vết bỏng của mình", Zhang nói trong clip đăng tải lên mạng xã hội.

Cô chia sẻ đã phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật sau vụ tấn công. Thương tật ở hai tai khiến Zhang mất đi một phần thính lực.

Sau vụ việc, Xu Zhong chỉ bị giam giữ trong 10 ngày và bị phạt 400 nhân dân tệ (58 USD).

chong tat axit vo anh 1

Zhang nhiều lần bị chồng bạo hành nhưng không thể ly dị.

Trước vụ tấn công, Zhang cũng từng nhiều lần bị chồng bạo hành. Tháng 6/2022, Xu Zhong bắt đầu đề nghị vợ sinh con thứ hai. Khi Zhang không đồng ý, mối quan hệ của hai vợ chồng trở nên xấu đi.

Xu Zhong bắt đầu đánh đập vợ, sau đó Zhang muốn đệ đơn ly hôn.

Vì chồng không đồng ý ly hôn nên Zhang đã thuê luật sư và đâm đơn kiện. Nhưng cuối cùng, cô không thể chi trả các khoản phí pháp lý và phải hủy bỏ vụ kiện vào tháng 7/2022.

Tháng 1/2023, cặp vợ chồng ly thân gặp lại nhau để nói về chuyện ly hôn. Chính vào thời điểm này, Xu Zhong đã tạt axit vào người Zhang.

Vụ việc này gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội Weibo và Douyin. Từ khóa "Chồng tạt axit vợ, bị giam 10 ngày" đã nhận được hơn 82 triệu lượt xem.

Trước sự chú ý trực tuyến xung quanh vụ án, chính quyền địa phương đã đưa ra một tuyên bố hôm 18/2, giải thích rằng việc giam giữ 10 ngày và phạt tiền là do hành vi bạo lực của Xu. Vụ việc vẫn đang được điều tra và cơ quan chức năng sẽ buộc nghi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý sau khi đánh giá mức độ thương tích của Zhang.

Bạo hành gia đình bị xem nhẹ

Lạm dụng gia đình đã chính thức bị hình sự hóa với luật chống bạo lực gia đình đầu tiên của Trung Quốc được ban hành vào năm 2016. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề phổ biến, một phần là do sự thiếu nhận thức chung của công chúng và cảnh sát khi thường coi chuyện vợ chồng cãi vã, đánh đập là vấn đề "riêng tư của gia đình".

Các cuộc tranh luận tương tự đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc vào năm 2020, sau cái chết của vlogger Lhamu, người bị chồng cũ, Tang Lu, thiêu sống trên livestream.

Cái chết của Lhamu làm dấy lên nhiều lời kêu gọi chính quyền hành động hơn nữa để bảo vệ và trao quyền hợp pháp cho các nạn nhân bị bạo hành gia đình.

Tháng 7/2022, giới chức tỉnh Tứ Xuyên đã thi hành án tử hình đối với Tang Lu.

chong tat axit vo anh 2

Lhamu bị chồng cũ thiêu sống trên livestream.

Bên cạnh bản án nhẹ ban đầu dành cho Xu Zhong, nhiều người còn tức giận khi biết nỗ lực ly hôn không thành của Zhang vào giữa năm 2022.

Một đạo luật được ban hành vào năm 2020 đã quy định "thời gian trì hoãn" bắt buộc 30 ngày. Luật này được cho là nhằm khiến mọi người phải suy nghĩ kỹ trước khi hoàn tất thủ tục ly hôn, nhưng bị chỉ trích gây khó khăn trong trường hợp vợ/chồng bị lạm dụng.

Ở Trung Quốc, khoảng 1/4 phụ nữ được cho là từng bị bạo hành. Theo Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, cứ 7,4 giây lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, theo CNA.

Mỗi năm, khoảng 157.000 phụ nữ Trung Quốc tự tử. Trong một nghiên cứu năm 2016 của Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, 60% các trường hợp có liên quan đến bạo lực gia đình.

Theo Ma Sainan, luật sư chuyên xử lý các vụ án hôn nhân và gia đình tại công ty luật Jiali, Trung Quốc vẫn là xã hội truyền thống coi trọng sự hòa thuận trong gia đình, phát sinh từ chế độ phụ hệ của Nho giáo.

Ở một số vùng, đánh vợ còn được xem là biểu hiện của "quyền lực gia trưởng". Một số đàn ông không nghĩ đánh vợ là điều gì đó trái đạo đức và thậm chí còn có thể tự hào về nó.

"Khi nạn nhân chịu tổn thương nặng nề, thẩm phán vẫn tính đến 'mâu thuẫn gia đình' như một yếu tố giảm nhẹ để đưa ra bản án nhẹ hơn. Thật khó hiểu. Nếu bạn đánh ai đó trên đường phố, bạn có thể phải đối mặt với án tù 3-7 năm. Tuy nhiên, đối với bạo lực trong môi trường gia đình, án phạt thường là 3 năm, hiếm khi lên đến 7 năm", luật sư Ma cho biết.

Trung Quốc dẹp nạn hét giá cô dâu

Sính lễ đắt đỏ khiến các gia đình nợ nần sau đám cưới, nhiều chàng trai từ bỏ kết hôn. Nguyên nhân của nạn hét giá cô dâu là chênh lệch nam nữ, bất bình đẳng giới.

Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách

Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm