Sự việc cô gái tên Chang (23 tuổi, Thái Nguyên) bị một nam MC đám cưới quay lén 10-15 phút trên sóng livestream (phát trực tiếp) và nhận về nhiều bình luận khiếm nhã, tục tĩu về thân hình đang khiến dư luận bức xúc.
Trong thời đại hầu như mỗi người đều có smartphone, hoạt động livestream ngày càng trở nên phổ biến. Ai cũng có thể phát trực tiếp chỉ bằng một nút nhấn. Tuy nhiên, ít người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi thực hiện các video này.
Thực tế, để câu view, nhiều người nghĩ ra đủ nội dung giật gân để livestream, từ tự ý phát tán hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của người khác đến thực hiện hành động khiêu dâm, bạo lực.
Những hành vi như vậy không chỉ gây phản cảm và ảnh hưởng xấu tới người xem, mà có thể dẫn đến hình phạt ở nhiều nơi trên thế giới.
Câu hỏi được đặt ra là người dùng mạng xã hội nên sử dụng tính năng livestream như thế nào để không đi quá giới hạn đạo đức và pháp luật?
Hành động quay lén cô gái để phát trực tiếp trên mạng xã hội của nam MC đám cưới khiến nhiều người bức xúc. |
Livestream bất chấp
Theo The Next Web, vấn đề lớn nhất ở livestream là nội dung mà mọi người có thể chọn để phát trực tiếp.
Khi người dùng tải tệp tin lên một nền tảng, công nghệ có thể giúp kiểm tra nhằm đảm bảo file đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng (không chứa nội dung bạo lực, tình dục, hành vi phạm tội...) và gỡ xuống nếu vi phạm điều khoản. Thế nhưng, việc phát trực tiếp khó kiểm soát hơn nhiều.
Ngày càng nhiều hành vi phản cảm, thậm chí là tội ác được phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Vừa qua, streamer Hàn Quốc Shin Tae Il gây sốc khi tự châm lửa đốt vùng kín trên sóng livestream, xuất phát từ việc chiều theo ý fan khi chơi game thua. Kết quả cho hành động dại dột này là nam YouTuber bị bỏng cấp độ 2 và phải đến bệnh viện điều trị.
Cũng tại xứ sở kim chi, tận dụng quy định lỏng lẻo về nội dung người lớn trên mạng của cơ quan chức năng, nhiều người livestream có thể kiếm số tiền lớn từ việc cởi bỏ quần áo, khỏa thân trước màn hình.
Bên cạnh đó, các buổi livestream mang tên “đánh đập streamer” cũng là một vấn nạn khiến chính quyền Hàn Quốc đau đầu. Theo đó, trong các buổi livestream, streamer bị đánh bởi các vật dụng như dép, dây cao su hay chảo rán, tùy thuộc vào số tiền từ người xem “donate”.
Nghiêm trọng hơn, 4 người đàn ông ở Chicago (Mỹ) từng livestream cảnh hành hạ nạn nhân mà nhóm này bắt cóc bằng việc cắt quần áo, quăng tàn thuốc lá lên người, đạp và cắt tóc lẫn da đầu… trước khi bị cảnh sát bắt giữ năm 2017.
Nội dung livestream kinh hoàng hơn có thể kể tới vụ xả súng đẫm máu ở New Zealand năm 2019 được chính kẻ thủ ác phát trực tiếp trong 17 phút trên mạng xã hội.
Streamer Hàn Quốc bị chỉ trích liều lĩnh, dại dột khi châm lửa đốt vùng nhạy cảm để livestream. Ảnh: Allkpop. |
Cái chết cũng trở thành nội dung trong không ít đoạn livestream từng xuất hiện trên mạng.
Năm 2017, Katelyn Nicole Davis (12 tuổi, Mỹ) phát trực tiếp cảnh treo cổ tự tử ở nhà riêng sau thời gian bị người thân lạm dụng. Tương tự, một nam diễn viên 33 tuổi tự bắn mình trong ôtô trên đường phố Los Angeles. Hay một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ tự tử vì tình và nói với những người theo dõi livestream của mình: “Không ai tin khi tôi nói sẽ tự sát. Vì vậy, hãy xem điều này”.
Người dùng mạng không có quyền kiểm soát lập tức nội dung nào xuất hiện trong nguồn cấp dữ liệu của họ, điều này đồng nghĩa hàng triệu cá nhân có thể vô tình nhìn thấy những nội dung khủng khiếp kể trên, bao gồm cả trẻ em, theo The Next Web.
Khả năng bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân hoặc những người khác có liên quan cũng là con số 0. Trong trường hợp xấu nhất, người dùng có thể chứng kiến cái chết của người thân trên sóng livestream.
Tiếp đó là vấn đề bắt chước. Dù có ít bằng chứng cho thấy việc người tiếp xúc với nội dung bạo lực có khả năng cao thực hiện hành vi bạo lực trong cuộc sống của họ, nhiều cơ sở chỉ ra việc chứng kiến người khác tự tử có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp đau lòng tương tự.
Không dung thứ nội dung livestream phản cảm
Có thể thấy nhấn nút phát trực tiếp về một sự việc, hiện tượng thì dễ, nhưng hành động sao cho văn minh, đúng luật lại không đơn giản.
“Livestream thực chất là hoạt động quay phim, chụp ảnh. Hoạt động này được pháp luật quy định cụ thể từ lâu”, ông Phan Vũ Tuấn, giám đốc công ty luật Phan Law tại TP.HCM, nói với Zing.
Theo luật sư Vũ Tuấn, việc quay, chụp, livestream bất cứ ai đều phải có sự đồng ý của chủ thể. Việc tự ý quay và sử dụng hình ảnh không có sự đồng ý, mà xâm phạm nhân phẩm danh dự của người đó được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Huffington Post, tại Anh, người dùng mạng xã hội bị cấm livestream các sự kiện thể thao hay chương trình truyền hình vì luật bản quyền.
Họ có thể phát trực tiếp ở nơi công cộng như công viên, vỉa hè, trên xe buýt... song sẽ bị xử phạt nếu cố tình quấy rầy hoặc xâm phạm đời tư người khác theo “Luật Chống theo dõi”. Hành động cản trở giao thông để livestream, phát trực tiếp bên ngoài tòa án hay trường học cũng bị coi là phạm luật.
Bên cạnh đó, người livestream phải thông báo với một ai đó nếu sử dụng hình ảnh hoặc video về họ cho mục đích thương mại.
Ở Scotland, chụp ảnh hoặc ghi hình riêng tư của ai đó là bất hợp pháp. Vì vậy, việc phát trực tiếp video về họ trên mạng xã hội là vi phạm quyền riêng tư.
Ở Việt Nam, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của chủ thể. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc, các nội dung người lớn như “chứa cảnh khoe khoang hình ảnh bộ phận sinh dục của nam/nữ giới, lông mu, hậu môn hay mô tả các hành vi liên quan đến tình dục” bị cấm sóng và xử phạt.
Tuy nhiên, ngay cả khi những sai phạm đã được phát hiện, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn nhân sự giám sát, kiểm tra các buổi livestream quá ít ỏi so với số lượng khổng lồ những buổi phát sóng xuất hiện trên mạng mỗi ngày.
Hôm 10/8 vừa qua, SCMP đưa tin hơn 40 streamer bị các cơ quan chức năng Trung Quốc cấm đăng ký hoặc phát trực tiếp trong 5 năm vì “tham gia vào các hoạt động trái phép”. Các nhà chức trách nước này tăng cường kiểm soát Internet và ngành công nghiệp livestream, vốn đang bùng nổ giữa đại dịch Covid-19.
Với tôn chỉ “làm sạch Internet, duy trì sự phát triển có trật tự và lành mạnh của ngành”, chi nhánh quản lý mảng livestream thuộc Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc bắt đầu lập “danh sách đen” vào năm 2018. Đến nay, cơ quan này đã cấm hơn 200 người phát trực tiếp vì các hành vi sai trái.
“Chúng tôi kiên quyết ngăn chặn các chương trình phát trực tiếp bất hợp pháp trên mạng và sẽ không bao giờ dung thứ cho nội dung khiêu dâm, thô tục, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác”, cơ quan này khẳng định.
Họ cũng kêu gọi các nền tảng phát trực tiếp kiểm tra nội dung chặt chẽ hơn và khuyến khích người livestream sản xuất nội dung tích cực và chất lượng cao.
Năm ngoái, Australia cũng đưa ra các khoản phạt nặng, thậm chí bỏ tù đối với lãnh đạo các công ty truyền thông xã hội nếu không nhanh chóng xóa nội dung livestream bạo lực.
Nhiều quốc gia nỗ lực ngăn chặn nội dung livestream bẩn. Ảnh: Shutterstock. |
Một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về mạng xã hội từng chia sẻ với Zing, các streamer phải là người chủ động lựa chọn nội dung tốt, phù hợp, đảm bảo tính chính xác, trung thực để chia sẻ.
“Không thể biến mạng xã hội thành một cái nồi lẩu thập cẩm, ai muốn nói gì, làm gì, hành động ra sao cũng được. Đừng nhân danh ‘tự do ngôn luận’ để xúc phạm, bôi nhọ, làm tổn thương người khác”, người này nói.
“Trước khi phát trực tiếp, người livestream phải tự đánh giá vấn đề có phù hợp hoặc có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới người xem hay không. Đừng bắt người khác phải xem những nội dung chẳng đâu vào đâu. Người dùng mạng xã hội cũng có quyền báo cáo (report) các video phát trực tiếp nếu cảm thấy chúng phản cảm, thiếu văn hóa”, Nguyễn Phương Phương - quản lý một diễn đàn kiến thức trên Facebook - từng nói với Zing.
Về sự việc của cô gái tên Chang, sau khi bị nhiều dân mạng kéo vào bức xúc, phản đối trên trang cá nhân, nam MC đám cưới đã phải ẩn video livestream và liên lạc với nạn nhân để xin lỗi.
Rốt cuộc, nội dung phát trực tiếp có thể xóa, song sự bực bội, phiền phức hay vết thương lòng trót gây ra cho người khác từ hành động vô ý thức lại không dễ nào xoa dịu.