Jiang Wenhua, giảng viên tại Đại học Phúc Đán, một trong năm trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, bị cáo buộc giết sếp của mình là Wang Yongzhen, người đứng đầu khoa Khoa học Toán học, trong khuôn viên trường vào ngày 7/6, SCMP đưa tin.
Cảnh sát Thượng Hải cho biết các cuộc điều tra ban đầu cho thấy Jiang, người bị bắt tại hiện trường, có thù hằn công việc với nạn nhân.
"Tôi bị lừa nhiều lần và bị đối xử tàn tệ ở nơi làm việc", Jiang nói khi bị cảnh sát khống chế tại khuôn viên trường.
Thăng chức hoặc mất việc
Nhiều người đồn đoán rằng Jiang (39 tuổi), người đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Rutgers ở New Jersey, có mâu thuẫn với Wang sau khi trượt kỳ thi thăng tiến, có nguy cơ bị mất việc dù đã làm việc 5 năm.
Theo tuyên bố vào tuần trước của Đại học Phúc Đán, Jiang được tuyển dụng vào năm 2016 với tư cách là một nhà nghiên cứu. Ba năm sau, khi hợp đồng hết hạn, khoa Khoa học Toán học đánh giá anh không đủ tiêu chuẩn và quyết định không giữ lại. Nhưng nhà trường sau đó đã cho Jiang một hợp đồng có thời hạn một năm và gia hạn lại vào cuối năm ngoái.
Một số nhân chứng đã cáo buộc rằng vào ngày giết người, Jiang được Wang thông báo anh ta sẽ bị sa thải. Dù vậy, nhà trường phủ nhận thông tin này, nói rằng hợp đồng của Jiang vẫn chưa hết hạn và không có cuộc thảo luận nào giữa hai người đàn ông về chuyện đuổi việc.
Jiang Wenhua bị cáo buộc giết người tại Đại học Phúc Đán. Ảnh: 163.com. |
Cảnh sát vẫn đang điều tra vụ việc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hệ thống bổ nhiệm ở các trường đại học Trung Quốc chính là nguyên nhân sâu xa của vụ án mạng.
Theo hệ thống được gọi là "up or out", các nhà nghiên cứu trẻ làm việc trong khoảng thời gian 6-7 năm trước khi được xem xét cho một chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Những người không vượt qua cuộc đánh giá sẽ tự động bị sa thải thay vì đảm nhiệm vai trò khác như tại hầu hết trường đại học trên thế giới.
Vắt chanh bỏ vỏ
Giáo sư từ một trường đại học ở Thượng Hải, người muốn giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, cho biết: "Bản thân hệ thống là tốt và những thành tựu to lớn mà các trường đại học Mỹ đạt được một phần là nhờ vào hệ thống này. Tuy nhiên, nó đã bị lạm dụng bởi các trường đại học ở Trung Quốc".
Người này giải thích trong khi các trường ở Mỹ tuyển chọn và thuê rất ít nghiên cứu sinh, đại học của Trung Quốc thuê hàng chục ứng viên cho một vị trí. "Các ứng cử viên tự gọi mình là công nhân nhập cư học thuật và nói rằng họ không có bất kỳ nhân phẩm hoặc sự đảm bảo việc làm nào".
Theo vị giáo sư, các trường đại học Trung Quốc đang hưởng lợi từ hệ thống "up or out" bằng cách bóc lột sức lao động các ứng viên theo kiểu "vắt chanh bỏ vỏ".
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của National Governance Weekly với 3.000 giảng viên ở độ tuổi dưới 45, việc thăng chức và xuất bản các bài báo khoa học là điều khiến họ căng thẳng nhất.
Khoảng 57% cho biết đang phải tuân theo lịch trình 996, nghĩa là làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần. Khoảng 12% cho biết công việc của họ thậm chí còn mệt mỏi hơn 996.
Đại học Phúc Đán là một trong những trường hàng đầu ở Trung Quốc áp dụng hệ thống tuyển dụng "up or out". Ảnh: Shutterstock. |
John Gong, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế, cho biết hệ thống "up or out" là cần thiết tại các trường đại học của Trung Quốc song cần thay đổi để phù hợp hơn.
"Nếu không có sự sàng lọc nhân tài, chúng ta không thể xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới. Không phải ai cũng thích hợp làm công việc nghiên cứu. Chỉ những người sáng tạo và siêng năng nhất, yêu thích khám phá khoa học mới có thể ở lại", ông Gong nói.
Giáo sư cho biết tại trường đại học nơi ông làm việc, tỷ lệ đậu cho các giảng viên trẻ vào chức danh giáo sư là 70%.
"Tôi nghe nói ở một số trường đại học khác chỉ có 1/10 được ở lại. Tôi nghĩ nếu nhà trường không thể cung cấp đủ các vị trí tuyển dụng thì họ không nên tuyển nhiều ứng viên như vậy".
Giáo sư khác tại một trường đại học ở Tây An cho biết tỷ lệ đậu ở các trường phía đông nam và nam Trung Quốc còn thấp hơn nhiều vì những khu vực phát triển này thường thu hút nhiều học giả trẻ hơn.
Giáo sư, người yêu cầu được giấu tên, cho biết bà cảm thấy tốn thời gian khi phải giải quyết rất nhiều thủ tục giấy tờ không liên quan đến học thuật và đánh giá thành tích.
"Tôi tin rằng các giảng viên trẻ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn. Không có vấn đề gì với hệ thống đánh giá, nhưng chúng ta nên hỗ trợ nhiều hơn cho các ứng viên để họ thực hiện nghiên cứu học thuật của mình trong một môi trường thoải mái và tự do, nơi họ cảm thấy bản thân được coi trọng".