Søren Solkær, nhiếp ảnh gia ở Copenhagen (Đan Mạch), là chủ nhân cuốn sách ảnh "Mặt trời đen". Cuốn sách tái hiện khung cảnh thời thơ ấu và tuổi trẻ của tác giả ở miền Nam Đan Mạch. Trong trí nhớ của Søren Solkær, hình ảnh hàng triệu con chim sáo bay lượn trên bầu trời đã để lại dấu ấn khó phai mờ. |
Những đám đen trên bầu trời được tạo thành bởi hàng triệu con sáo đá. Đây là hiện tượng thiên nhiên hiếm có, được biết đến với tên gọi "mặt trời đen". |
Cho tới nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải chính xác cho hiện tượng này. Việc số lượng lớn sáo đá bay lượn trên bầu trời cùng lúc được cho là một cơ chế bảo vệ của loài này. Các loài săn mồi như chim ưng, ó có thể sẽ sợ hãi khi đối mặt với đàn sáo đá khổng lồ trên trời. Tuy nhiên, những con ở bên trên có xu hướng bị tấn công nhiều hơn. |
Đôi khi, chúng tụ thành hình giống một con chim khổng lồ trên bầu trời. |
"Chim sáo đá di chuyển như một sinh vật thống nhất, mạnh mẽ. Dáng hình của chúng trên bầu trời tựa như nét cọ thư pháp. Đây là khoảnh khắc tôi đã cố để ghi lại", Søren Solkær nói. |
Với cách di chuyển linh hoạt này, mỗi con sáo đá phải bao quát hướng đi của 6-7 con khác trong đàn. Thông thường, vào mùa xuân, chúng thường tách đàn theo đôi để xây "tổ ấm". Sau đó, đến mùa thu, đàn sáo lại tụ với nhau. |
Hình dạng kỳ lạ như một mặt trời đen do bầy sáo đá tạo ra. Hiện tượng mặt trời đen xuất hiện ở một số nơi chim sáo đá đi qua nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Đan Mạch. |
Chim sáo đá là một loài xâm lấn, thường giết chết nhiều loại chim bản địa. Các nhà sinh thái học và người dân vùng khác đôi khi không có thiện cảm với loài này. |
Thời điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng này là từ tháng 2-4 (di cư mùa xuân) và tháng 8-12 (di cư mùa thu). |