Vụ giám thị ném phao: 'Đã nghĩ đến hậu quả khi tố cáo'
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người cung cấp clip giám thị ném phao thi cho biết đã lường trước hậu quả của sự việc. Ông cho rằng máy quay mini của thí sinh không thể thực hiện hành vi tiêu cực trong thi cử.
>> Người cung cấp clip giám thị ném phao từng nhiều lần tố nhà trường
>> Vụ clip giám thị ném phao: Đình chỉ chủ tịch hội đồng thi
>> Xuất hiện clip giám thị ném bài, thí sinh quay cóp
Hôm nay (6/6), sự việc tiêu cực trong thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) tiếp tục nóng với việc thí sinh và người cung cấp clip lên tiếng.
Nguyên nhân của việc quay clip đã được anh N. (người cung cấp clip cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa, sau đó chuyển đến các đơn vị truyền thông) cho biết, do bức xúc về những sai phạm của lãnh đạo trường THPT Dân lập Đồi Ngô.
Với sự việc này, dư luận quay trở lại với thầy giáo Đỗ Việt Khoa - người từng tố cáo tiêu cực trong thi cử vào năm 2006.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa. (Ảnh Internet) |
Về sự việc vừa xảy ra, thầy Đỗ Việt Khoa cho biết ông đã nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra đối với thí sinh thực hiện quay clip. Ông nói: "Tất nhiên là tôi đã nghĩ đến hậu quả. Tôi đã phân tích cho học sinh thấy, đó là sức ép từ dư luận, gia đình, hủy kết quả thi. Các em sẵn sàng chấp nhận".
Ngoài hình ghi lại cảnh giám thị ném phao thi, thí sinh quay cóp, clip còn chèn lời bình luận. |
Ngoài ra, theo ông thì thí sinh mang theo máy quay mini, thứ chỉ có thể quay, không có lỗ cắm tai nghe, không màn hình... không thể phục vụ cho tiêu cực thi cử thì tiêu cực điểm nào.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng khẳng định thêm: "Nếu đọc Quy chế tốt nghiệp mới, vào tháng 3 năm 2012 thì không thấy điều khoản, hình thức xử lý nào đối với việc này".
Một số điều khoản liên quan về tiêu cực trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, ban hành tháng 2/2012 của Bộ GD-ĐT:
Trường hợp đề thi bị lộ:( mục 2 điều 17) a) Chỉ có Ban Chỉ đạo thi Trung ương mới có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi. Khi đề thi chính thức bị lộ, Ban Chỉ đạo thi Trung ương quyết định đình chỉ môn thi bị lộ đề. Các môn thi khác vẫn tiếp tục bình thường theo lịch. Môn bị lộ đề sẽ được thi bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp, sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi; b) Ban Chỉ đạo thi Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, xác minh, kết luận nguyên nhân lộ đề thi, người làm lộ đề thi và những người liên quan, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. 3. Trường hợp thiên tai xảy ra bất thường trong những ngày thi: a) Nếu thiên tai xảy ra nghiêm trọng trên quy mô toàn quốc, Ban Chỉ đạo thi Trung ương báo cáo Bộ trưởng quyết định lùi buổi thi vào thời gian thích hợp; b) Nếu thiên tai xảy ra trong phạm vi hẹp ở một số địa phương, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của các địa phương có thiên tai phải huy động sự hỗ trợ của các lực lượng trên địa bàn dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương để thực hiện các phương án dự phòng, kể cả việc thay đổi địa điểm thi. Nếu xảy ra tình huống bất khả kháng, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo thi Trung ương cho phép lùi môn thi vào thời gian thích hợp sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi với đề thi dự bị; các môn còn lại vẫn thi theo lịch chung. 4. Các trường hợp bất thường khác đều phải được báo cáo và xử lý kịp thời theo phân cấp quản lý, chỉ đạo kỳ thi. Các vật dụng được mang vào phòng thi (điều 20) Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi: 1. Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; 2. Máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản; 3. Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu. Không được gian lận (điểm 4 điều 21) Không được trao đổi bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo giám thị. Khi được phép nói, thí sinh đứng báo cáo rõ với giám thị ý kiến của mình. Các hình thức xử lý vi phạm đối với thí sinh (điểm 2 điều 43)a) Cảnh cáo trước Hội đồng coi thi, nếu chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào; b) Đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: - Mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định tại Điều 20 của Quy chế này trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); - Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; - Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); - Chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; - Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau). c) Huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: - Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo; - Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; - Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.
|
Chia sẻ quan điểm của bạn về vấn đề này Tại đây
Thiên Trường - Thủy Nguyên
Theo Infonet