Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ học sinh gãy chân: Hiệu trưởng bị tố báo cáo sai sự thật

Liên quan vụ việc học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị đâm gãy chân trong trường, một số giáo viên cho rằng hiệu trưởng báo cáo không đúng.

Vụ việc em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2, trường Tiểu học Nam Trung Yên bị gãy xương đùi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xem xét đình chỉ hiệu trưởng để điều tra, làm rõ.

Câu chuyện trở nên "nóng" hơn khi ngày 17/12, một số giáo viên tại trường trao đổi với báo chí về cách xử lý vụ việc của cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Theo những giáo viên này, thông tin từ vị hiệu trưởng không đúng sự thật.

Giáo viên lên tiếng

Theo một số giáo viên, bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” nhân danh tập thể cán bộ giáo viên nhà trường gửi báo chí và các cơ quan chức năng là không đúng. Thực tế, văn bản này chỉ có chữ ký của 3 người là hiệu trưởng, hiệu phó và chủ tịch công đoàn.

Cũng theo phản ánh của những người này, hiệu phó Nguyễn Thị Hương từng phát phiếu khảo sát và nói rằng phục vụ báo cáo về an toàn trường học và thanh tra của sở GD&ĐT. Đến khi bản báo cáo này đưa ra lại có sự việc cháu Kiên bị ngã, giáo viên có cảm giác như… bị lừa.

hoc sinh gay chan trong san truong anh 1
Cô Nhung (trái) và cô Tú trao đổi với PV về sự việc. Ảnh: H.N

Kết quả phiếu khảo sát cho thấy 100% cán bộ, giáo viên và bảo vệ khẳng định không có ôtô ra vào trường hôm em Kiên gặp nạn (1/12/2016). Giáo viên trực cũng nói không có ôtô đi từ ngoài sân trường vào.

Tuy nhiên, một số giáo viên tại trường cho biết họ không hề thực hiện phiếu khảo sát này nên không thể nói là 100% cán bộ, giáo viên. Cô Trần Thị Thu Nhung - chủ nhiệm lớp em Kiên - cũng không thực hiện phiếu khảo sát.

Cô Nhung cho biết: “Lúc đầu, khi trả lời phỏng vấn báo chí và báo cáo vụ việc, đại diện nhà trường không nhắc đến tôi. Không hiểu sao trong báo cáo mới nhất, nhà trường cho rằng việc lấy ý kiến khảo sát do tôi tư vấn. Nội dung bản báo cáo đó hoàn toàn sai sự thật”.

Cô Nhung khẳng định bản thân dám lấy danh dự ra khẳng định điều này. Nữ giáo viên tiết lộ thêm lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu cô ký văn bản có nội dung  gửi lãnh đạo cấp trên đề nghị giữ cô hiệu trưởng ở lại trường. Tuy nhiên, sau khi đọc nội dung, cô Nhung không ký vì lương tâm không cho phép.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tú, giáo viên lớp 5 A5, trường Tiểu học Nam Trung Yên, cũng nói dư luận cho rằng tập thể giáo viên bao che cho hiệu trưởng nhưng sự thật không phải vậy. Khi đọc ý kiến bình luận của độc giả, cô Tú thấy "rất chua chát".

Khi nhà trường bưng bít thông tin, lẩn tránh trách nhiệm

Việc trường bưng bít thông tin, xử lý chậm và những lời xin lỗi muộn màng từ các nhà giáo không thể bù đắp tổn thương mà học sinh phải chịu đựng hay xoa dịu phẫn nộ từ dư luận.

Phụ huynh nói gì?

Trước đó, bà Tạ Thị Bích Ngọc gửi “Bản báo cáo cần được xem xét” tới báo chí và cơ quan chức năng. Trong đó, bà khẳng định: “Tôi chưa bao giờ tự lái ôtô nên không có việc tôi tự đâm vào học sinh. Tôi không ngồi trong chiếc xe va vào em Trần Chí Kiên. Tôi không nhìn thấy ôtô nào đâm vào em".

Nữ hiệu trưởng cũng nêu do phải gây mê nội soi dạ dày, trực tràng, đại tràng và sinh thiết khi khám ở bệnh viện nên bà đi taxi vào trường. Đây là khu vực cổng sau, cấm học sinh vui chơi, các em được bố trí ở sân trước, rộng và an toàn. Trong quá trình ngồi xe, bà Ngọc khẳng định không va chạm với bất cứ học sinh nào, sau đó bà vào trường làm việc bình thường.

Tuy nhiên, anh Trần Chí Dũng (bố cháu Trần Chí Kiên) cho rằng lý do bà Ngọc đi taxi vào trường do gây mê là không thuyết phục. Nếu trường hợp người gây mê không đảm bảo sức khỏe, đơn vị y tế sẽ không cho phép rời cơ sở khám bệnh. Ngay sau đó, cô Ngọc còn gọi điện nói chuyện với vợ anh, giọng rất lưu loát, nghĩa là cô không hề mệt.

Cũng theo anh Dũng, cần xem lại quy định của nhà trường có cho phép ôtô vào trong không? Nếu không được phép, cô hiệu trưởng và hiệu phó đã vi phạm nội quy.

Anh Dũng phân tích: “Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên có báo cáo: 'Lúc cháu Kiên bị ngã, đã có cô giáo đỡ cháu và hỏi han xem có sao không. Điều đó chứng tỏ các cô rất quan tâm đến học sinh, không vô trách nhiệm như báo chí đăng tải'. Như vậy, hiệu trưởng nhà trường đã 'tiền hậu bất nhất'. Ban đầu, hai cô khẳng định không có mặt lúc ôtô va vào cháu Kiên nhưng sau đó lại nói có hỏi thăm".

Nam phụ huynh chia sẻ ngoài những điểm bất hợp lý trong bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” của cô Ngọc, anh thấy rất buồn khi nhiều giáo viên của trường dù cố tình hay bị ép buộc mà bao che cho sự sai trái.

Sự việc bắt đầu vào ngày 1/12/2016, em Trần Chí Kiên bị ngã gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Anh Dũng kể: “Vào lúc 10h30, ngày 1/12, gia đình tôi nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm năm lớp 1 của cháu báo rằng giờ ra chơi, con đang chạy chơi ở sân trường thì bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Theo lời của Kiên, khi chạy về lớp, em va chạm với ôtô màu xanh nước biển đang di chuyển trong sân trường. Cháu nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác. Cô hiệu trưởng đã phủ nhận điều này.

Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các bên liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Ngọc để chờ kết luận vụ việc.

Nữ hiệu trưởng dốc ngược đầu trẻ, dọa ném qua cửa sổ

Hình ảnh cô giáo mầm non cầm chân dốc ngược đầu học sinh, dọa ném qua cửa sổ khi xung quanh có nhiều trẻ đang ăn khiến dân mạng phẫn nộ.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm