Các nhà đồng sáng lập công ty thường xuyên gặp mẫu thuẫn, tranh cãi. Ảnh minh hoạ: Pexels/cottonbro. |
Hai nhà đồng sáng lập Will Kim và Eric Wei đã đưa doanh nghiệp tài chính công nghệ Karat vào hoạt động từ năm 2017. Họ thành công huy động 26 triệu USD tiền vốn vào năm 2019.
Khi ấy, cả 2 quyết định thực hiện trị liệu tâm lý. Sau các buổi tư vấn, Kim nhận ra việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh không còn là vấn đề đáng quan ngại.
Quá trình xây dựng và duy trì các mối quan hệ tình cảm mới khiến anh vướng mắc. Kim hiểu rằng anh và Eric Wei thường vô tình cản trở, né tránh nhau trong nhiều tình huống.
Bình đẳng về vai trò và quyền lợi trong việc điều hành công ty, Wei cho rằng những buổi trị liệu đôi cung cấp hành trang cho họ trên con đường lập nghiệp, theo Business Insider.
Will Kim (trái) và Eric Wei, hai nhà đồng sáng lập Karat, từng tham gia trị liệu tâm lý đôi. Việc tham gia tư vấn, trị liệu tâm lý giúp các nhà đồng khởi nghiệp hiểu nhau hơn. Ảnh minh hoạ: Pexels/Antoni Shkraba. |
Trị liệu tâm lý đôi không chỉ dành cho cặp vợ chồng
Will Kim và Eric Wei không phải trường hợp cá biệt. Theo Annie Wright, một nhà trị liệu ở Bay Area (San Francisco, Mỹ), phần lớn khách hàng của cô là những nhà đồng sáng lập, làm việc trong lĩnh vực công nghệ.
“Chúng tôi giúp họ cứu vớt mối quan hệ hợp tác trên bờ vực tan vỡ, đem đến cách giao tiếp lành mạnh, hiệu quả hơn, tránh tình trạng ngừng kinh doanh vì bất đồng”, Wright nói.
Theo Ken Clark, một nhà trị liệu đến từ California (Mỹ), việc tham gia các chương trình tư vấn tâm lý ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc, không khác gì việc đến phòng gym mỗi ngày. Các chương trình đào tạo lãnh đạo cũng bắt đầu bổ sung hoạt động tham vấn tâm lý.
Cặp vợ chồng Iba Masood (34 tuổi) và Syed Ahmed (36 tuổi) tham gia trị liệu đôi. Tuy nhiên, lý do tiến hành tham vấn của họ không phải cứu vớt cuộc hôn nhân trên bờ đổ vỡ, mà là củng cố hoạt động của công ty khởi nghiệp Tara.AI do cả 2 đồng sáng lập.
Cả 2 gặp nhau khi còn là sinh viên năm nhất, từng vận hành một doanh nghiệp giúp sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi ra trường tại Trung Đông. Thừa thắng xông lên, họ muốn phát triển một công ty với quy mô lớn hơn.
Sau khi chuyển từ Dubai đến San Francisco (Mỹ), Ahmed quyết định đăng ký một số buổi trị liệu tâm lý. Theo Masood, những ngày đầu khởi nghiệp có thể được ví như một cuộc marathon hay trò chơi tàu lượn siêu tốc.
Sau khi tham dự Leaders in Tech (LIT), một khóa tu kéo dài 4 ngày cho những nhà sáng lập thuộc lĩnh vực công nghệ tại California (Mỹ), Masood bắt đầu nhận thấy nhu cầu tham vấn tâm lý. Cô quyết định thực hiện trị liệu cùng chồng.
Hoạt động trị liệu tâm lý giúp quá trình điều hành của các nhà đồng sáng lập trở nên hiệu quả hơn. Ảnh: Pexels/Ketut Subiyanto. |
Kết quả xứng đáng
Theo Annie Wright, con người lựa chọn đối tác làm ăn như tìm bạn đời. Họ thường có mối quan hệ “trái dấu hút nhau”. Trong khi một người có tầm nhìn xa, yêu thích rủi ro, thường xuyên để trí tưởng tượng bay xa, người còn lại giỏi kỹ năng quản lý, biết hiện thực hóa những ý tưởng.
Ban đầu, sự đối lập này mang đến động lực làm việc, sức sáng tạo dồi dào cho cả hai. Tuy nhiên, sự khác biệt dần gây ra xung đột giữa 2 người. Họ dễ dàng tranh cãi khi đưa ra quyết định sa thải nhân sự hoặc phân chia trách nhiệm.
Sau 6 tháng tham gia trị liệu, Masood và Ahmed chấp nhận rằng cả 2 có cách giao tiếp khác biệt.
Trong khi đó, Kim và Wei lại học cách biến những cuộc tranh luận gay gắt thành buổi bày tỏ cảm xúc. Ngoài ra, họ cũng cần sự có mặt của một bên thứ 3 khi tranh cãi. Người này có thể đưa ra quan điểm trung lập, giúp họ thông cảm cho nhau hơn.
Những buổi tham vấn giúp Masood và Ahmed trở thành “bác sĩ tâm lý” tại công ty. Họ đến gần hơn với nhân viên, quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động.
Khi Ngân hàng Thung lũng Silicon đóng cửa, Masood vừa trấn an nhân sự rằng công ty vẫn trả lương đúng hạn, vừa phải đến ngân hàng để giải quyết tình huống cấp bách.
Kết quả của những cuộc trị liệu đối với các nhà đồng sáng lập có thể đong đếm bằng con số. Trong 5 năm tham vấn tâm lý, Kim và Wei thành công huy động thêm 70 triệu USD từ nguồn tài trợ mới.
Ahmed và Masood cũng thành công hợp tác với MongoDB, HubSpot và Prometric, đồng thời có cơ hội tham gia chương trình Google for Startups Accelerator.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.