Mới đây, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết tổng số tiền phải thi hành trong đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) là 12.000 tỷ đồng. Và với con số khủng hàng nghìn tỷ của đại án VNCB, tiền án phí lên đến hơn 5,6 tỷ đồng.
Vụ án hiện đã thu hồi được hơn 5.190 tỷ đồng (đạt 40%) từ việc xử lý 124 sổ tiết kiệm của ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) do nhóm bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh) đại diện. Tiền lãi phát sinh của những sổ tiết kiệm này là khoảng 2.000 tỷ đồng vẫn ở ngân hàng. Thi hành án sẽ đối chiếu, làm việc với các bên liên quan xác định số tiền lãi này của những ai để cấn trừ nghĩa vụ, đảm bảo thi hành án nếu có.
Sau khi xử lý số tiền từ các sổ tiết kiệm, cơ quan thi hành án sẽ tất toán tài sản cơ quan điều tra chuyển qua gồm hơn 600.000 USD và 269 triệu đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho ông Danh. Đối với các bất động sản, cơ quan thi hành án sẽ làm rõ nguồn gốc để thu hồi trong thời gian tiếp theo.
Phạm Công Danh sẽ phải tiếp tục ra tòa sau đại án 9.000 tỷ đồng. |
Sau đó, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ xử lý các tài sản tòa tuyên duy trì kê biên để đảm bảo thi hành án cho nghĩa vụ của Phạm Công Danh và vợ là bà Quách Kim Chi…
Riêng khoản tiền hơn 900 tỷ đồng phải thu hồi từ bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng TRUSTBank cho ông Danh) gặp khó khăn do bà Phấn chỉ còn duy nhất căn biệt thự. Theo xác minh ban đầu, giá trị căn biệt thự là không bao nhiêu so với con số phải thu hồi, chưa kể tài sản này có tranh chấp gì hay không.
Cạnh đó, thi hành án đang yêu cầu những người liên quan trong vụ án này tự nguyện nộp các khoản tiền như án phí cũng như những khoản gây tổn thất cho Nhà nước.
Đại án VNCB giai đoạn 1 với số thiệt hại "khủng" là 9.000 tỷ đồng trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng này. Phạm Công Danh lãnh án 30 năm tù cùng 35 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng. Tòa cũng tuyên tịch thu 124 sổ tiết kiệm của ông Thanh và 900 tỷ đồng ông Danh trả cho bà Hứa Thị Phấn vì đây là tiền "tang vật vụ án".
Và ở diễn biến mới nhất, cơ quan điều tra đang đề nghị truy tố ông Danh cùng 23 đồng phạm thực hiện hành vi sai phạm gây thất thoát 6.000 tỷ đồng (còn gọi là giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh).
Theo kết luận điều tra vừa hoàn tất, việc vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái xảy ra tại bốn ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).