Theo VCPMC, Luật sở hữu trí tuệ quy định rõ về hành vi xâm phạm quyền tác giả, nhưng không thể bảo vệ nhạc sĩ vì ý thức kém của các bên xâm phạm và hình phạt chưa đủ sức răn đe.
Mới đây, 40 nhạc sĩ tố cáo Sky Music vi phạm bản quyền và cho biết sẽ khởi kiện nếu doanh nghiệp này tiếp tục sai phạm. Trả lời Zing.vn, ông Hoàng Văn Bình, phó tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết Sky Music vi phạm bản quyền gần 2.000 tác phẩm của khoảng 200 nhạc sĩ do VCPMC đại diện.
Sky Music bị cho là vi phạm những điều luật nào?
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trưởng phòng pháp chế VCPMC, trung tâm này phát hiện hành vi xâm phạm tác quyền của Sky Music từ phản ánh của một số đơn vị sử dụng âm nhạc, đặc biệt là qua những kiến nghị bức xúc của hàng loạt các tác giả có tác phẩm bị Sky Music sử dụng mà không hề xin phép.
Qua quá trình khảo sát các hoạt động sử dụng nhạc của Sky Music, VCPMC xác định hành vi của doanh nghiệp này là "xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Khoản 3 thuộc Điều 20 và Khoản 10 thuộc Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ".
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là người đầu tiên gửi đơn đề nghị VCPMC áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền tác giả. Ảnh: FBNV. |
Cụ thể, Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền tài sản. Trong đó, Khoản 1 quy định quyền tài sản bao gồm các quyền sau: a) quyền làm tác phẩm phái sinh; b) quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) quyền sao chép tác phẩm; d) quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; đ) quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; e) quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Khoản 3 Điều 20 tiếp tục quy định về nghĩa vụ của người sử dụng như sau: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.
Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, bao gồm: "Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này".
Cụ thể hơn, Khoản 10 Điều 28 quy định: "Hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả".
Tình trạng vi phạm tác quyền ngày càng tinh vi
Nếu pháp luật đã có quy định, vì sao vẫn chưa thể bảo vệ nhạc sĩ trước tình trạng ăn cắp bản quyền?
Trả lời câu hỏi này, bà Ánh Tuyết cho biết: "Có 2 nguyên nhân chủ yếu. Một là vẫn còn rất nhiều đơn vị sử dụng nhạc chưa thực sự ý thức đầy đủ và nghiêm túc về nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về quyền tác giả, thậm chí chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp, thách thức, ngang nhiên thực hiện hành vi xâm phạm".
"Thứ hai, việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đồng bộ, hiệu quả. Công tác hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả còn chưa kịp thời, chưa triệt, chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe", bà Tuyết nói.
|
Only C là một trong những nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền nhiều nhất. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Từ trước đến nay, đã có nhiều vụ việc vi phạm bản quyền nhưng chưa có tiền lệ về một vụ kiện. Cách xử lý trong thực tế khiến cho “những người làm sai cũng không có gì phải sợ” như lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, một trong những nhạc sĩ bị vi phạm tác quyền.
Do đó, theo bà Tuyết, Luật sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, đến nay đã 13 năm, nhưng "tình trạng vi phạm về quyền tác giả vẫn diễn ra tràn lan, có chiều hướng ngày càng tinh vi hơn".
Cần biện pháp mạnh hơn, ngăn chặn thay vì xử lý
Cách xử lý hiện nay khiến "những người làm sai cũng không có gì phải sợ". Nhận định này của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được nhiều nhạc sĩ và VCPMC đồng tình. Bà Ánh Tuyết cho rằng câu nói này phản ánh đúng bản chất sự việc.
Theo nhận định của VCPMC, về mặt xử lý vi phạm hành chính thì trong suốt thời gian qua, thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Ngoài ra thanh tra, lực lượng kiểm tra liên ngành tại một số địa phương đã hoạt động rất tích cực, đặc biệt tại địa bàn TP.HCM.
Mặc dù vậy, trước tình trạng vi phạm tràn lan hiện nay, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc biểu diễn và sử dụng trong môi trường số, VCPMC đề xuất cần có các biện pháp mạnh và kịp thời hơn nữa mới đủ sức ngăn chặn hành vi xâm phạm.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố ngăn chặn vì đó là biện pháp tối ưu để tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp hay người sử dụng, hơn nữa để giảm thiểu những thiệt hại cho tác giả, cho các chủ sở hữu quyền nói chung", bà Tuyết phân tích.
|
Sky Music khẳng định muốn tạo lập thị trường âm nhạc tôn trọng bản quyền, nhưng bị hàng chục nhạc sĩ tố cáo xâm phạm bản quyền. |
"Vì giả sử có giải quyết tốt công tác hậu kiểm thì hành vi vi phạm cũng đã xảy ra, tài sản của tác giả cũng đã bị xâm phạm, tinh thần vốn rất nhạy cảm của người nghệ sĩ cũng đã bị tổn thương, đồng thời tạo nên hình ảnh của một thị trường âm nhạc chưa đẹp, chưa lành mạnh", bà nói.
Hôm 6/11, 40 nhạc sĩ cho biết muốn khởi kiện Sky Music. Nhưng thực chất, chưa có vụ kiện nào, mà là VCPMC đại diện theo ủy quyền của các nhạc sĩ để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, không phải 40 nhạc sĩ như ban đầu, mà theo xác định bước đầu từ VCPMC, số lượng bị xâm phạm lên tới con số 200 tác giả và gần 2.000 tác phẩm.