Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ tai nạn khiến New Zealand không thực hiện 'chuyến bay thưởng ngoạn'

Mặc dù Australia thành công với những “chuyến bay không điểm đến”, ngành hàng không New Zealand không hành động tương tự sau tai nạn thảm khốc năm 1979.

Ngày 17/9, chuyến bay không điểm đến của hãng hàng không Australia Qantas cháy vé chỉ sau 10 phút mở bán. Vé có giá dao động 575-2.765 USD. Hành khách sẽ được đi vòng quanh xứ sở chuột túi, bay qua Lãnh thổ phía Bắc, Queensland và New South Wales.

Gần đây, hãng này phối hợp với công ty du lịch Antarctica Flight để mở lại các chuyến bay thưởng ngoạn Nam Cực, cho phép du khách đi bộ xung quanh và có góc nhìn khác nhau về lục địa này. Không ít cư dân Australia bày tỏ mong muốn những chuyến đi như vậy tiếp tục được khai thác trong mùa dịch.

tai nan may bay New Zealand anh 1

Vụ tai nạn thảm khốc năm 1979 chấm dứt việc khai thác đường bay từ New Zealand và Australia đến Nam Cực. Ảnh: News Corp Australia.

“Chuyến bay thưởng ngoạn”, hay “chuyến bay không điểm đến”, là những chuyến bay có điểm khởi hành và điểm hạ cánh ở cùng một nơi. Chúng đang trở thành xu hướng mới của ngành du lịch trong mùa dịch Covid-19, được các hãng hàng không ở Brunei, Đài Loan và Nhật Bản đưa vào khai thác.

Tại thời điểm mà nhiều người không thể đi du lịch nước ngoài, thậm chí là cả trong nước, những chuyến bay không điểm đến là biện pháp tích cực nhất để ngăn sự suy tàn của ngành hàng không. Nhờ đó, các nhân viên sân bay và phi hành đoàn vẫn giữ được việc làm.

Đồng thời, chương trình đặc biệt này cũng giúp nhiều người nguôi ngoai cảm giác thèm đi du lịch sau một thời gian dài chôn chân ở nhà. Đối với họ, những "chuyến bay không điểm đến" đã cứu rỗi một năm bị hủy mọi kế hoạch du ngoạn.

Trong khi Australia thành công với chiến lược hàng không mới, quốc gia “hàng xóm” New Zealand dường như không có ý định triển khai kế hoạch tương tự, mặc dù xứ sở chim kiwi vốn là quốc gia đặt nền móng cho những chuyến bay thưởng ngoạn đặc biệt.

tai nan may bay New Zealand anh 2

Những mảnh vỡ của chiếc máy bay mang số hiệu TE901 vẫn có thể được tìm thấy ở Nam Cực. Ảnh: Antarctica New Zealand.

Hơn 40 năm trước, các chuyến bay dài 13 tiếng xuất phát từ Auckland (New Zealand) tới Nam Cực được Air New Zealand và Qantas đưa vào khai thác với giá vé khứ hồi khoảng 1.164 USD/người. Vé đã bao gồm những bữa ăn và hướng dẫn viên là các nhà thám hiểm Nam Cực giàu kinh nghiệm.

Bất chấp mức giá đắt đỏ, các chuyến bay vẫn cực kỳ nổi tiếng, thu hút nhiều hành khách Nhật Bản và Mỹ, bên cạnh người New Zealand. Chỉ trong 3 năm hoạt động, từ năm 1977 đến 1980, hai hãng hàng không lớn ở châu Đại Dương đã vận chuyển hơn 10.000 lượt khách trên hành trình vòng quanh lục địa băng giá.

Tuy nhiên, một tai nạn khủng khiếp xảy ra vào ngày 8/11/1979 đã làm thay đổi tất cả. Chuyến bay mang số hiệu TE901 của Air New Zealand đâm vào núi Erebus ở Nam Cực, khiến 237 hành khách cùng 17 phi hành đoàn thiệt mạng.

Ngay lập tức, hãng cho ngừng dịch vụ bay ngắm cảnh này. Qantas cũng chấm dứt đường bay khám phá Nam Cực sau đó 3 tháng.

Vào năm 1979, dân số xứ sở chim kiwi chỉ vào khoảng 3 triệu người. Do vậy, vụ tai nạn thảm khốc ở Nam Cực còn là nỗi đau của cả quốc gia ở thời điểm đó. Nhiều người có mối liên hệ với nạn nhân hoặc là thành viên lực lượng cứu hộ, hay tham gia vào cuộc chiến pháp lý liên quan đến vụ tai nạn.

tai nan may bay New Zealand anh 3

Người dân New Zealand vẫn chưa quên được ký ức kinh hoàng năm 1979. Ảnh: BBC.

Năm 2015, khi công ty du lịch Antarctica Flights thuộc Qantas có kế hoạch thuê máy bay của Air New Zealand và mở lại các chuyến bay tới Nam Cực, họ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Kế hoạch ngắm Nam Cực một lần nữa bị bỏ dở.

Hiện nay, trong thời điểm Covid-19, những chuyến bay thưởng ngoạn cực nam của thế giới đã được Qantas khai thác trở lại với giá vé từ 860-4.650 USD/người, khởi hành từ một số thành phố ở Australia như Sydney, Melbourne, Perth, Brisbane và Adelaide.

Với những du khách New Zealand muốn hưởng dịch vụ này, họ phải đợi đến khi biên giới hai nước mở cửa.

Những chuyến bay 'không điểm đến' cháy vé

Hành khách đổ xô mua vé cho các chuyến bay có cùng điểm đến và điểm khởi hành để thỏa mãn cảm giác được đi du lịch.

Hồng Chang (Theo Guardian, News.com.au)

Bạn có thể quan tâm