Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ 'vây' ĐH Y dược: Cả trường và phụ huynh đều gặp khó

Chiều nay (15/8), khoảng 20 phụ huynh lại đến trường ĐH Y dược TP.HCM. Tuy nhiên, sau buổi làm việc căng thẳng, cả hai bên vẫn đang ở tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Vụ 'vây' ĐH Y dược: Cả trường và phụ huynh đều gặp khó

Chiều nay (15/8), khoảng 20 phụ huynh lại đến trường ĐH Y dược TP.HCM. Tuy nhiên, sau buổi làm việc căng thẳng, cả hai bên vẫn đang ở tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Không những phụ huynh gặp khó trong việc lựa chọn tương lai cho con em mình mà trường  cũng sẽ gặp khó trong vấn đề xử lý. Vụ việc phụ huynh "vây" trường Đại học Y dược sẽ khó mà giải quyết triệt để nếu không có một chủ trương rõ ràng từ phía cấp cao hơn.

Chiều 15/8, gần 20 phụ huynh lại tiếp tục kéo về Đại học Y dược TP.HCM để khiếu nại về những bất cập trong việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Cuộc gặp mặt lần thứ hai này đã khiến lãnh đạo nhà trường tỏ ra khó xử khi tình hình vẫn không được cải thiện. Hướng giải quyết vấn đề vẫn chưa được đôi bên thống nhất.

Phụ huynh tập trung trong sân trường ĐH Y dược TP.HCM chiều 15/8.

Đại học Y dược: Khó trong xử lý

Trong cuộc gặp với các phụ huynh, lãnh đạo trường ĐH Y dược TP.HCM đã tỏ ra gặp khó trong việc xử lý. Vấn đề của lãnh đạo nhà trường đưa ra là việc thực hiện các chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ (theo hợp đồng với địa phương) đều theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Nhà trường chỉ là đơn vị thực hiện, do đó, ngay cả việc hạ điểm chuẩn để lấy thêm chỉ tiêu cũng không thể do trường tự quyết được.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, trưởng phòng Công tác Chính trị - Học sinh, sinh viên trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết trường đang có kế hoạch xin thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo 100 chỉ tiêu đào tạo dạng hợp đồng với địa phương. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng biện pháp này không làm rộng hơn cánh cửa bước vào đại học của con em họ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy.

Theo các phụ huynh, kể cả việc Bộ chấp thuận cho thêm 100 chỉ tiêu này đi chăng nữa thì con số 100 chưa đủ thỏa mãn cho số thí sinh bị trượt do nhầm lẫn về chỉ tiêu tuyển sinh. Thêm nữa, muốn con em mình là một trong 100 chỉ tiêu này, phụ huynh sẽ phải thông qua địa phương nhưng chưa chắc địa phương đã có nhu cầu.

Phụ huynh Hồ Quang Minh lo lắng: “Kể cả tỉnh tôi có nhu cầu đi chăng nữa, nhưng nếu họ chỉ xét theo nhu cầu các xã huyện để chọn thí sinh, chứ không xét theo điểm số từ cao xuống thấp thì con em chúng tôi cũng không có cơ hội. Chưa kể đến việc khi chỉ tiêu này về đến các địa phương sẽ nảy sinh những vấn đề thiếu minh bạch”.

Cho rằng kế hoạch xin thêm 100 chỉ tiêu của trường ĐH Y dược là chưa triệt để, gia đình phụ huynh Phan Thị Nữ (Long Khánh, Đồng Nai) lặn lội lên TP.HCM khiếu nại, nhưng vẫn còn le lói hy vọng vì: “Nghe người ta mách nước, tôi lên phòng Đào tạo hỏi họ xem có thể xin phiếu báo điểm để mang về làm hồ sơ trình địa phương. Hy vọng UBND và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai sẽ có hướng giải quyết cho chúng tôi”.

Đó là việc “được người ta mách nước”, thực ra, gia đình bà Nữ cũng chưa được hướng dẫn để thực hiện việc này, vì tất cả mới chỉ là kế hoạch.

Những lý giải bằng văn bản của nhà trường không làm các phụ huynh hài lòng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, đợt tuyển sinh năm 2011, trường ĐH Y dược TP.HCM cũng đã lâm vào tình cảnh tương tự.

Tiến sĩ Thủy than thở: “Năm ngoái, cuối cùng, chúng tôi đã phải gánh hết các thí sinh ở KV3, KV2, KV2 NT; dù rằng trường chỉ tuyển sinh đào tạo dạng hợp đồng với khu vực 1”.

Vấn đề này còn liên quan đến chất lượng đào tạo, cơ quan thực tập và đầu ra nhân lực cho ngành y tế.

Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường còn cho biết, tổng số nợ học phí của sinh viên trường này lên tới 40 tỉ đồng, trong đó có nhiều trường hợp là sinh viên được đào tạo theo dạng hợp đồng với địa phương.

“Đến ngay cả tỉnh cử sinh viên đi học mà còn nợ trường, thì làm sao chúng tôi dám làm hợp đồng đào tạo với từng cá nhân. Trong khi đó, theo quy định, chúng tôi không thể đuổi học sinh viên nào vì họ thiếu học phí”.

Phụ huynh: Tiến thoái lưỡng nan

Phụ huynh cũng có lý giải của mình về việc họ phản ứng, ở mức độ căng thẳng, với nhà trường. Ngoài lý do không hài lòng vì cho rằng trường "mập mờ" trong thông tin tuyển sinh phụ huynh Nguyễn Thị Ngọc Thúy (TP.HCM) còn cho rằng, cửa nguyện vọng 2 của khối B rất hẹp. Theo gợi ý về việc nộp nguyện vọng 2 vào Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), bà Thúy phản ứng: “Con tôi thi 25 điểm, lẽ nào phải nộp học ngành lấy điểm chuẩn là 17-18. Thêm nữa, cháu đang ở Sài Gòn, sao lại phải xuống Hậu Giang để học?".

Theo các phụ huynh, nguyên nhân của vụ việc là do thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh của trường không rõ ràng.

Do đó, phụ huynh vừa sốt ruột chờ cách nhà trường và Bộ GD&ĐT, vừa băn khoăn về việc thực hiện nộp hồ sơ nguyện vọng 2. Nhiều phụ huynh và thí sinh lâm vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều phụ huynh tỏ ra quyết liệt, “sẽ theo khiếu nại tới cùng”, nhưng vẫn lo lắng và tỏ ra quan tâm đến các cơ hội nguyện vọng 2.

Cuộc sống của họ ít nhiều đảo lộn khi lặn lội từ các tỉnh xa, bỏ công ăn việc làm để chạy lên TP.HCM để khiếu nại. Nhà làm nghề buôn bán ở Biên Hòa, Đồng Nai, bà Phan Thị Thu Thủy: “Cứ mỗi lần nghe điện thoại của các phụ huynh khác, tôi lại bỏ quán để lật đật chạy lên Sài Gòn”.

Hay như trường hợp phụ huynh Hoàng Đức Minh, cũng ở Biên Hòa, Đồng Nai phân công lần lượt từng thành viên trong gia đình để đi lên các cơ quan gửi đơn khiếu nại. Thậm chí có phụ huynh còn bị tăng huyết áp, phải nằm nghỉ lại cơ quan gửi đơn khiếu nại.

Nhiều phụ huynh phải tạm bỏ công ăn việc làm để theo khiếu nại.

Liên tiếp trong hai mùa tuyển sinh 2011 và 2012, trường ĐH Y dược gặp rắc rối với cùng một vụ việc. Nguyên nhân, theo các phụ huynh, đều là từ những sơ suất.

Phụ huynh Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là bác sĩ, nhưng sau vụ việc này, tôi cũng băn khoăn về việc có nên cho con em thi vào ĐH Y dược TP.HCM để tiếp nối nghề nghiệp của tôi hay không".

Về vấn đề cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 có sai sót về chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH Y dược TP.HCM, phụ huynh Hoàng Đức Tạ cho biết, cuốn sách này con em ông không bị ép mua.

Tuy nhiên, thí sinh vẫn đặt mua tại trường. “Đợi cả tháng trời mới có sách. Nghe nói trường phải đặt từ trên Sở, trên Bộ về, có phải ra tiệm là mua được đâu. Bảo sao chúng tôi không tin cậy vào sách này được”?

Phụ huynh Lê Thị Trâm còn chia sẻ: “Ở những vùng sâu vùng xa, không thể tham khảo thông tin trên internet, thì khi thi vào trường, chúng tôi biết lấy thông tin ở đâu nếu không phải là quyển sách này”?

Hà Chi – Lăng Nhu

Theo Infonet

Hà Chi – Lăng Nhu

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm