Ngày 28/10, Công an tỉnh Long An cho biết đã có kết luận giám định ADN 28 người tại Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Từ kết quả này, cơ quan chức năng sẽ xem xét khởi tố một số người liên quan về tội Loạn luân.
Trước đó, công an nhận tố giác về việc nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai do bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) cầm đầu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Loạn luân. Nguồn tin báo cho rằng những đứa trẻ ở đây không phải là trẻ mồ côi như Lê Tùng Vân hay những người sinh sống tại đó thông tin và khẳng định những đứa trẻ này có mối quan hệ huyết thống với những người lớn đang sinh sống cùng tại đây.
Sau khi đã có kết quả ADN, vụ việc này có thể diễn biến ra sao?
Công an tỉnh Long An có mặt tại Tịnh thất bồng lai. Ảnh: Công an Long An. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trước đó, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo về 2 hành vi Loạn luân và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau khi đã có kết quả giám định ADN, cơ quan điều tra có thể ra quyết định phục hồi giải quyết tin báo về tội phạm theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nếu có căn cứ xác định ông Vân cùng những người trong Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu phạm tội Loạn luân.
Trường hợp này, vụ việc có thể xảy ra theo các hướng như sau:
Thứ nhất, nếu xác định có dấu hiệu của tội Loạn luân tại Tịnh thất Bồng Lai, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định phục hồi giải quyết tin báo về tội phạm, khởi tố vụ án hình sự Loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra, xử lý người vi phạm theo quy định.
Về Điều 184 Bộ luật này, luật sư Hậu cho biết người nào có hành vi giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì sẽ bị xử lý về tội Loạn luân. Mức phạt dành cho người phạm tội là 1-5 năm tù.
"Hành vi quan hệ tình dục giữa những người này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi họ biết rõ mối quan hệ giữa họ là có quan hệ huyết thống trực hệ, là anh chị em với nhau nhưng vẫn thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Tội danh này không đòi hỏi phải có hậu quả là sinh con hay trái ý muốn, chỉ cần có căn cứ cho thấy có hành vi quan hệ tình dục giữa những người cùng dòng máu về trực hệ mà họ biết rõ mối quan hệ ruột thịt nhưng vẫn thực hiện hành vi là có thể xử lý hình sự, không phụ thuộc vào việc có đơn tố giác tội phạm hay không", ông Hậu phân tích.
Nói thêm về tội danh này, luật sư cho biết đối với hành vi loạn luân có thể không có người bị hại nếu cả 2 bên đều biết rõ mối quan hệ là cùng dòng máu nhưng vẫn thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Nếu tình huống này xảy ra, cả 2 người tham gia mối quan hệ sai trái này đều có thể bị khởi tố, đều có thể trở thành bị can trong vụ án mà không có ai là bị hại.
Như vậy, nếu qua quá trình điều tra có căn cứ xác định có sự đồng thuận trong mối quan hệ sai trái giữa các thành viên trong gia đình ông Vân thì tất cả những người liên quan trực tiếp có thể bị khởi tố về tội Loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ hai, nếu không có hoặc không đủ căn cứ xác định có dấu hiệu phạm tội Loạn luân tại Tịnh thất Bồng Lai, Công an tỉnh Long An sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm hoặc không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án Loạn luân.
Nếu tình huống này xảy ra, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của những cá nhân trước đây đã có hành vi đăng tải, chia sẻ ông Vân loạn luân. Khi đó, đây là những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu tới danh dự, nhân phẩm cá nhân và sẽ bị áp dụng chế tài tương xứng.
Theo luật sư Hậu, Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định một trong các nhóm hành vi bị cấm là đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về chế tài xử phạt hành chính, trích dẫn khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020.NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho biết hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Trường hợp hành vi có dấu hiệu hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Tuỳ thuộc các tình tiết định khung, mức án cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 7 năm tù.