Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ xử ông Đinh La Thăng: Không có 'vùng cấm' khi cá nhân vi phạm

Chia sẻ góc nhìn của mình trước ngày xử, một giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng đây là minh chứng cho thấy không có vùng cấm trong việc xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật.

3 vụ án trong ngành dầu khí thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc liên quan đến 2 trong số 3 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí thời ông này làm Chủ tịch HĐTV.

Một ngày trước phiên xử, thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM có góc nhìn của mình về vụ án gửi đến Zing.vn:

Thời gian qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến sai phạm của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong quá trình quản lý, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của Nhà nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Vụ án 'tốc độ'

Việc cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của ông Đinh La Thăng và đồng phạm là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mang tính chất tham nhũng ở nước ta đã có bước chuyển biến rất quan trọng.

Đây chính là minh chứng cho thấy không có vùng cấm trong việc xử lý các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Dinh La Thang anh 1
Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: T.T. 

Theo đó, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và khi công dân có sai phạm họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật kể cả việc họ từng giữ những chức vụ, vị trí rất quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước.

Quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Đinh La Thăng diễn ra nhanh chóng. Ngày 8/12/2017, Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng. 

Chỉ sau đó 12 ngày, cơ quan này đã ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đến ngày 25/12/2017, VKSND Tối cao đã ban hành bản cáo trạng, quyết định truy tố ra trước tòa để xét xử các bị can Đinh La Thăng và đồng phạm. Cuối cùng, TAND Hà Nội quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 8/1/2018.

Như vậy, theo diễn biến vụ án, từ khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố đến lúc TAND Hà Nội đưa ra xét xử chỉ có 30 ngày, trong đó, thời gian ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can chỉ là 12 ngày kể từ thời điểm khởi tố. Có thể nói, đây là lần đầu trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, một vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với số lượng bị cáo đông lại có thời gian tiến hành tố tụng diễn ra nhanh chóng như vậy.

Nhanh nhưng hợp lý

Có một số ý kiến cho rằng tiến trình tố tụng vụ án diễn biến quá nhanh chóng như trên có thể vi phạm quy định pháp luật tố tụng hình sự, có thể không khách quan, bỏ sót chứng cứ hoặc bỏ lọt tội phạm…

Dinh La Thang anh 2
Ông Đinh La Thăng sẽ phải hầu tòa trong phiên xử ngày 8/1. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, căn cứ các điều khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam về thời hạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử thì thời gian tiến hành tố tụng trong vụ án trên vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật. Các bị can trong vụ án bị khởi tố theo Khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, thời hạn điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Thời hạn ra quyết định truy tố đối với loại tội phạm này là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra từ cơ quan điều tra. Và thời hạn ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với loại tội phạm này là không quá 3 tháng kể từ ngày tòa án nhận hồ sơ vụ án từ VKS.

Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam chỉ quy định mức tối đa của thời hạn tiến hành tố tụng chứ không quy định mức tối thiểu của thời hạn tiến hành tố tụng. Do đó, việc các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra có thể ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can sau 1 ngày, 5 ngày, 10 ngày… là đúng quy định pháp luật, miễn là không vượt quá mức tối đa của thời hạn điều tra.

Việc rút ngắn thời hạn điều tra, quyết định truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử là hoàn toàn hợp lý.

Khó khăn cho luật sư

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, do thời gian tiến hành tố tụng của vụ án này diễn ra quá nhanh chóng nên có thể sẽ gây những khó khăn nhất định đối với những người bào chữa cho các bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo được cấp giấy chứng nhận bào chữa vào ngày 14/12/2017 trong khi vụ án bắt đầu xét xử vào ngày 8/1/2017 nên thời gian để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ vụ án để thực hiện việc bào chữa chỉ diễn ra vỏn vẹn trong thời gian 25 ngày.

Do số lượng hồ sơ trong vụ án là rất nhiều nhưng thời gian nghiên cứu hồ sơ lại quá ngắn cùng với áp lực công việc và thời gian nên người bào chữa có thể không nghiên cứu một cách toàn diện và cụ thể về tất cả nội dung của hồ sơ vụ án. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng trong việc bào chữa của luật sư. 

Con số đáng chú ý trong phiên xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh Hơn 40 luật sư đã đăng ký bào chữa cho ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm. Riêng ông Thăng có 3 luật sư, ông Trịnh Xuân Thanh dự kiến có đến 6 luật sư tham gia.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 13 ngày (từ 8-21/1). Chủ tọa phiên tòa là Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán thứ 2 là ông Trương Việt Toàn, ngoài ra còn có 3 hội thẩm nhân dân.

Ông Đinh La Thăng và 11 người khác bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165, khoản 3 - Bộ luật hình sự năm 1999.

Có 8 bị cáo khác bị truy tố về tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 278, khoản 4. Riêng Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội trên.

Dự kiến có hơn 40 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo. Trong đó, ông Thăng có 3 luật sư, ông Thanh có 6 luật sư...

Chia sẻ với Zing.vn trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó chánh tòa Hình sự TAND Hà Nội) cho biết phiên xét xử sẽ diễn ra tại hội trường với sức chứa cả trăm người. Đây là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018).

"HĐXX sẽ áp dụng tất cả các quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử. Phiên tòa này cũng không vành móng ngựa", thẩm phán Toàn chia sẻ.

Dinh La Thang anh 3

Vì sao ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh phải hầu tòa?

Sau khi được ông Thăng cất nhắc đưa về Tổng công ty Xây lắp dầu khí, Trịnh Xuân Thanh đã để xảy ra nhiều sai phạm. Hành vi này chỉ bị lộ sau những lình xình từ vụ xe Lexus.

Ông Đinh La Thăng có sai phạm gì trong dự án 31.000 tỷ?

Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC ký gói thầu EPC, tạm ứng tiền trái quy định khi thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng.


Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm