Jeepney vốn được mệnh danh là “vua đường phố” tại Philippines. Ảnh: Reuters. |
Những chiếc xe jeepney đã biến mất khỏi các con phố của Philippines trong khoảng thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Giờ đây, phương tiện này đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn khi chính phủ tìm cách giảm lượng khí thải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo UNDP, Philippines cam kết giảm 75% phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2020-2030 trong các lĩnh vực nông nghiệp, chất thải, công nghiệp, giao thông và năng lượng.
Quốc gia Đông Nam Á này dự tính thay thế các mẫu xe jeepney phát thải gây ô nhiễm cao bằng xe buýt nhỏ hiện đại chạy bằng nhiên liệu sạch hoặc điện.
Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ những người tài xế. Họ cho rằng giới chức cần phải đưa thêm hỗ trợ tài chính để họ có thể thích ứng với kế hoạch, theo Bloomberg.
"Chúng tôi sẽ không thể gánh vác chi phí"
Jeepney vốn được mệnh danh là “vua đường phố” tại Philippines bởi khung xe lớn, thiết kế hào nhoáng nhiều màu sắc và những tài xế nổi tiếng “lái lụa”.
Đây được coi là phương tiện giao thông rẻ nhất với 110 triệu người Philippines. Xe thường có 20 chỗ, trang trí bằng sơn phun lấy cảm hứng từ graffiti, làm từ các xe jeep của quân đội Mỹ để lại từ Thế chiến thứ II.
Tên ''jeepney'' được ghép từ ''jeep'' và ''jitney'' - nghĩa là xe buýt rẻ tiền. Cũng có ý kiến cho rằng tên jeepney được ghép từ ''jeep'' và ''knee'' (đầu gối) vì các hành khách ngồi chạm đầu gối vào nhau.
Jeepney chạy bằng dầu diesel, một trong những loại nhiên liệu ô nhiễm nhất hiện tại. Nghiên cứu từ Đại học De La Salle ở Manila cho biết việc thay thế phương tiện này ở thủ đô có thể giảm 90% lượng khí thải carbon monoxide và các hạt vật chất nguy hiểm.
Xe jeepney là phương tiện giao thông rẻ nhất ở Philippines. Ảnh: Bloomberg. |
Theo dữ liệu chính thức, chỉ 4% trong số 158.000 xe jeepney được thay thế bằng phương án thân thiện với khí hậu, kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2017.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. - nhậm chức năm 2022 - cho phép từ giờ đến cuối năm, các tài xế cần thành lập hoặc tham gia các hợp tác xã hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi, hoặc đứng trước nguy cơ tước giấy phép hoạt động.
Nhiệm vụ này là mối lo ngại lớn đối với những tài xế như Roger del Monte. Anh mới bắt đầu lại công việc vào năm ngoái, sau khi đại dịch Covid-19 khiến nguồn thu nhập chính của anh bị gián đoạn trong gần 2 năm.
Những người lái xe jeepney như anh thường kiếm được khoảng 650 peso (12 USD) mỗi ngày, nhưng chi phí cho một chiếc jeepney hiện đại có thể lên tới 2,8 triệu peso.
“Chúng tôi sẽ không thể gánh vác chi phí”, người đàn ông 46 tuổi nói khi đợi hành khách lên chiếc xe jeepney anh đã lái suốt 7 năm qua. “Chúng tôi sẽ nợ nần chồng chất”.
Không đủ nguồn tiền
Chính quyền ông Marcos hiện đối mặt với thách thức tìm nguồn tiền hỗ trợ cho các dự án xanh. Các nguồn lực của nhà nước vẫn gặp vấn đề khi nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục hậu Covid-19.
Chính phủ hiện cung cấp khoản trợ cấp 160.000 peso cho mỗi chiếc jeepney và không có khoản tài trợ cụ thể cho chương trình hiện đại hóa xe jeepney trong ngân sách năm nay.
Năm ngoái, giới chức phân bổ 1,8 tỷ peso cho các chương trình trợ cấp và an toàn xã hội cho người lái xe. Số tiền này nằm trong quỹ 64,2 tỷ peso mà cơ quan vận tải đường bộ ước tính nhằm nâng mức trợ cấp cho mỗi xe jeepney lên 360.000 peso.
“Đây quả là sự tra tấn với người lái xe”, Modesto Floranda - người đứng đầu Piston, một trong những nhóm vận tải tổ chức đình công phản đối chính sách hiện đại hóa xe jeepney trong tháng này - cho biết.
Ông cảnh báo khoảng 900.000 tài xế có thể mất việc nếu chính phủ loại bỏ những chiếc xe jeepney cũ. “Chính phủ đang để chúng tôi tự thực hiện chương trình này”, ông nói.
Mục tiêu cuối cùng của chính phủ là chuyển sang xe điện không phát thải, nhưng Philippines vẫn thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe. Hiện tại, việc mua xe buýt nhỏ có động cơ diesel tuân thủ tiêu chuẩn khí thải Euro-4 là phương án phổ biến với nhóm có khả năng tài chính.
Philippines đang theo đuổi kế hoạch thay thế jeepney bằng mini bus thân thiện hơn với môi trường. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều người đề cập tới lợi ích sức khỏe và tài chính khi đi theo phương án này. Elisio Estoque - người thường xuyên chạy tuyến đường giữa Manila và tỉnh Rizal gần đó - cho biết anh kiếm được nhiều tiền hơn sau khi chuyển sang xe buýt nhỏ màu trắng tuân thủ tiêu chuẩn Euro 4 do sức chứa lớn.
Chiếc xe thuộc sở hữu của một hợp tác xã. Họ trả cho anh Estoque lương cố định 750 peso/ngày và lấy phần phí còn lại.
“Tôi cần lái xe có điều hòa giữa tiết trời nóng nực này, cũng như không phải tiếp xúc với khói bụi bên ngoài”, người đàn ông 44 tuổi chia sẻ.
Helen Viloria - quản lý một hợp tác xã ở thủ đô - cho biết nhóm của cô đã vay ngân hàng nhà nước nhằm tài trợ cho đội 52 chiếc jeepney. Cô cho rằng chính phủ cần cung cấp thêm nhiều khoản trợ cấp hơn nữa.
Reycel Hyacenth Bendaña từ Move As One Coalition - nhóm dân sự thúc đẩy giao thông an toàn - cho rằng chính quyền ông Marcos nên xem xét thử nghiệm phương án này ở cấp địa phương trước.
Ông Marcos cho biết chính phủ sẽ xem xét chương trình cho đến tháng 12 và đảm bảo những người lao động không chịu thêm gánh nặng. “Chúng tôi phải đảm bảo không ai mất kế sinh nhai vì không đủ tiền mua phương tiện”, vị tổng thống nói.
Antonio La Viña - Phó giám đốc chính sách khí hậu tại nhóm nghiên cứu Manila Observatory - nhận định dù chính phủ có ý định tốt, việc để tài xế ở tầng lớp nghèo hoặc trung lưu gánh chi phí là “không thể chấp nhận được”.
Ông đề nghị các quan chức nỗ lực huy động tài chính từ các nước phát triển để thúc đẩy chương trình. “Chúng ta không thể chuyển đổi tốt sang nền kinh tế xanh nếu không làm điều đó theo cách công bằng”, ông nói.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.