Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tên thật là Tư Thành, lúc nhỏ được gọi là hoàng tử Hiệu. Ông là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua có “thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”.
Ngay từ nhỏ, hoàng tử Hiệu đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Ông không chỉ học hành sáng dạ, mà còn rất chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách. Thầy của vua là Trần Phong sớm nhận ra tư chất hơn người của ông.
Đức tính ham học đã theo ông đi suốt cả cuộc đời. Ngay cả khi ông đã lên ngôi, phải lo toan nhiều vấn đề quốc gia đại sự, nhà vua vẫn không ngừng học, giống như câu thơ do chính ông viết:
Trống dời canh còn đọc sách / Chiều xế bóng chửa thôi chầu.
Nhà sử học Vũ Quỳnh từng nhận xét: “Vua võ giỏi, văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông, văn thơ hay hơn cả các quan văn học”.
Bìa cuốn sách về vua Lê Thánh Tông của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
Lê Thánh Tông còn nổi tiếng là ông vua gần gũi nhân dân. Trong những dịp lễ Tết, ông thường xuyên cải trang đi vi hành để “mục sở thị” cuộc sống của lê dân trăm họ. Nhiều lần, vua ban cho những người bần hàn câu đối để họ chơi Tết.
Theo sách Những tấm gương hiếu học, trong một lần vi hành chơi tết, đến một hàng trầu nước, thấy không có câu đối Tết, nhà vua đã viết hộ một câu đối như sau:
Nếu giàu quen thói kinh cơi, con cháu nương nhờ vì ấm / Việc nước ra tay chuyển bát, bắc nam đâu đấy lai hàng.
Sau đó, câu đối này được phao truyền tới tận triều đình, các vị đại thần đều kinh ngạc và ra lệnh điều tra xem người ra câu đối là ai mà chẳng những tả đúng một cửa hàng trầu nước, lại còn ngụ ý kinh bang tế thế, khí phách lớn lao. Nhưng, họ điều tra mãi mà không có kết quả. Sau khi câu chuyện được truyền đến vua Lê Thánh Tông, ông chỉ mỉm cười.
Vua Lê Thánh Tông cũng là người nổi tiếng coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Chính vua đã cho mở Nhà thái học để lấy chỗ học tập, lập Bí thư các để chứa sách. Ông cho tổ chức các khoa thi để tuyển chọn người tài cho đất nước.
Trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, thời trị vì của Lê Thánh Tông chính là giai đoạn giáo dục, khoa cử được coi trọng bậc nhất. Đồng thời, đây cũng chính là giai đoạn vai trò của trí thức rất được đề cao.
Có lần, 3 người cùng đỗ tiến sĩ một khoa thi là Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh. Tương truyền, trước đêm truyền loa, vua nằm mơ thấy ba ông phật thế tôn. Hôm sau, khi 3 ông tân khoa vào lĩnh áo mũ, vua cho là ứng mộng với mình nên mừng lắm, bèn cho đặt tiệc thiết đãi và đọc một câu thơ rằng:
Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh, tam Thế đồng khoa vinh hiển lịch (nghĩa là: Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh, ba ông Thế đỗ một khoa cùng vui vẻ, rạng rỡ).
Đây cũng là giai đoạn, phong trào sáng tác văn học rất sôi nổi, rầm rộ, nhất là ngôn ngữ dân tộc được coi trọng. Để khuyến khích phát triển văn học, nhà vua lập Hội Tao Đàn do đích thân ông làm chủ soái.
Tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập gồm 300 bài thơ do vua và các tác giả khác để lại, đã phản ánh nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Đây là tác phẩm có giá trị rất lớn đối với lịch sử Việt Nam thời bấy giờ và các giai đoạn về sau.
Vua Lê Thánh Tông trị vì đất nước trong hơn 37 năm (1460 - 1497). Ông được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Với tài năng nổi bật về kinh bang tế thế của mình, ông đã xây dựng được một đất nước phát triển đến độ cực thịnh, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự và mở rộng lãnh thổ.
Những thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức thịnh trị.
Năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã làm một việc có ý nghĩa lớn lao là minh oan cho Nguyễn Trãi. Sau đó, ông ra lệnh cho sưu tầm lại những sách vở, tác phẩm của Nguyễn Trãi. Đây là một trong những đóng góp nổi bật của nhà vua đối với nền văn hóa nước nhà.