Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vừa ly hôn xong, chồng đòi vợ bồi thường hơn 2 tỷ

Vợ bất ngờ yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản khi chồng vừa… nhận tiền cọc bán nhà xong khiến chồng phải đền hơn 2 tỷ đồng tiền cọc.

Tháng 9/2016, ông Nam nộp đơn khởi kiện bà Mai (vợ cũ) ra TAND quận 7 (TP.HCM) đòi bồi thường 2,2 tỷ đồng. Đây là số tiền ông cho rằng bà Mai trong quá trình ly hôn đã yêu cầu tòa áp dụng quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản gây thiệt hại cho mình.

Vợ “đề nghị”, chồng bị mất… 2,2 tỷ

Theo đơn, trong quá trình tòa giải quyết ly hôn, ông Nam và bà Mai có thỏa thuận tự giải quyết tài sản chung. Trong thời gian này, ngày 5/7/2016, bà Mai có văn bản đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản là căn hộ ở khu phố Parkview và căn hộ khu The Panorama Cn5 (khu phố 4, cùng phường Tân Phong, quận 7). Nửa tháng sau, ông Nam nhận được quyết định của tòa về việc này.

Ông cho rằng ngày 28/6/2016, vợ chồng đã đồng thuận tự nguyện xác nhận tặng cho ông căn hộ khu The Panorama Cn5 tại phòng công chứng. Sau khi đăng bộ căn hộ trên là tài sản riêng, ông đã sang nhượng để trang trải nợ nần chung của hai người. Số tiền tại hợp đồng nhận cọc được thỏa thuận là 2,2 tỷ đồng.

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên đã gây ảnh hưởng đến việc sang nhượng căn hộ và ông phải trả lại số tiền đặt cọc, đồng thời bồi thường với số tiền tổng cộng là 4,4 tỷ đồng. Vì vậy, ông kiện yêu cầu tòa xử buộc bà Mai phải bồi thường cho ông 2,2 tỷ đồng.

Bà không chấp nhận, cho biết do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên bà chủ động nộp đơn xin ly hôn và việc ly hôn đã được giải quyết xong. Trong quá trình tranh chấp ly hôn, bà chỉ có nguyện vọng được giải thoát và nuôi con nhưng ông Nam lại gây áp lực với bà về mặt tài sản và bội tín nên bà yêu cầu tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm chuyển dịch các tài sản đã thỏa thuận trước đó.

Bà yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho tài sản chung của cả hai chứ không chỉ riêng của ông Nam để thấy rằng việc thỏa thuận đã không thống nhất.

Sau nhiều lần tòa hòa giải, hai ông bà đã thỏa thuận được mọi vấn đề trong vụ án ly hôn, bao gồm cả tài sản nên bà rút lại yêu cầu chia tài sản chung và nghĩ như vậy là giải quyết xong. Đến nay bà không hiểu vì lý do gì ông Nam lại kiện đòi bà bồi thường thiệt hại.

Theo bà, việc này cho thấy ông đã tiến hành từng bước một, ép bà phải chịu trách nhiệm bồi thường là rất thiệt thòi đối với bà. Trong quá trình thỏa thuận chia tài sản chung, bà đã nhường cho ông được sở hữu căn hộ khu The Panorama có giá trị cao hơn với mục đích cho con ở, có không gian rộng thoáng.

Bà không đồng ý với lời khai của ông cho rằng bán căn hộ này để trang trải nợ nần vì trong quá trình giải quyết hôn nhân cả hai đều xác định nợ chung không có, lời khai của ông là không đúng sự thật.

Tòa: Phải bồi thường

Xử sơ thẩm tháng 5, TAND quận 7 chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nam.

Theo tòa, việc đã nhận tiền đặt cọc và bồi thường đặt cọc do vi phạm hợp đồng từ ông Nam với bên mua nhà là sự thật. Việc bà Mai yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch các tài sản là căn hộ đã thỏa thuận trước đó gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nam. Hậu quả là ông đã phải trả lại tiền đặt cọc và bồi thường.

Cũng theo tòa, luật sư cho rằng “Việc bà Mai yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và đã được tòa án ra quyết định là có căn cứ và đúng pháp luật nên bà không có lỗi. Việc ông Nam ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, nhận tiền cọc và hoàn trả tiền cọc cho bên đặt cọc không liên quan đến bà, vì vậy bà không phải chịu các hậu quả pháp lý liên quan đến giao dịch này” là không đúng.

HĐXX phân tích: BLTTDS đã quy định cho đương sự có quyền nhưng không có nghĩa có quyền mà quyền đó được tòa chấp nhận thì đương nhiên không có trách nhiệm, không có nghĩa vụ. Khi bà Mai yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà đã biết rõ căn hộ khu The Panorama Cn5 là tài sản thuộc sở hữu riêng của ông Nam, không còn là tài sản chung của vợ chồng; bà đã lường trước được hậu quả xảy ra nếu như yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Điều này thể hiện trong nội dung đơn yêu cầu áp dụng biện pháp và việc bà đóng số tiền thực hiện biện pháp bảo đảm là 2 tỷ đồng. Nay ông Nam đã chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra từ yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà. Do đó bà phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông.

Xử phúc thẩm do bị đơn có kháng cáo, TAND TP.HCM đồng nhận định với tòa sơ thẩm và cho rằng bà Mai là người có lỗi làm cho hợp đồng mua bán nhà không thực hiện được và ông Nam phải bồi thường cho bên mua nhà nên bà phải bồi thường.

Tòa phúc thẩm cũng nhận định trong hồ sơ không có bất cứ thỏa thuận nào về việc nuôi con có liên quan, gắn liền với thỏa thuận tặng cho tài sản chung cho nhau giữa ông bà.

Bà Mai cũng không có bất cứ chứng cứ gì để chứng minh việc đặt cọc mua bán nhà của ông Nam là không có thật. Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Nam là có căn cứ, đúng pháp luật. Bà Mai kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó HĐXX không chấp nhận kháng cáo của phía bị đơn.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Khoản 1 Điều 113 BLTTDS 2015 quy định về trách nhiệm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng: “Người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường…”.

Như vậy, luật đã quy định cho đương sự có quyền đi cùng với nghĩa vụ. Việc quy định vậy là phù hợp. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này đã gây thiệt hại cho người thứ ba là ông Nam nên bà Mai phải có trách nhiệm bồi thường.

Ở đây không thể viện lẽ người ra quyết định này là tòa nên phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ luật quy định bà có quyền và đủ điều kiện để yêu cầu tòa áp dụng quyết định trên. Nếu tòa không áp dụng thì có khi bị đương sự khiếu nại và có thể gây thiệt hại cho đương sự.

Tòa án chỉ phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp: Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu...

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) 

http://plo.vn/phap-luat/vua-ly-hon-xong-chong-doi-vo-boi-thuong-hon-2-ti-743546.html

Theo Hoàng Yến/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm