“Các bạn ơi, ngày 20/12 âm lịch, tức thứ 7 tới mình tổ chức lễ cưới. Bạn nào ở nhà có thể tới chung vui cùng vợ chồng mình thì ‘bấm like’ để gia đình sắp xếp chu đáo nhé”, Phan Hằng (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) bất ngờ khi đọc tin nhắn của người bạn gửi vào nhóm chat của hội bạn cấp 2 ngay ngày đầu về quê đón Tết.
Chỉ còn ít ngày là đến dịp trọng đại, nhưng trước đó cậu bạn chưa từng nhắc đến chuyện cưới hỏi, trên mạng xã hội cũng không đăng ảnh hẹn hò với ai nên những người bạn học cũ khá ngỡ ngàng khi nghe thông báo.
Các đám cưới tổ chức dồn dập vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán khiến người được mời cũng "chóng mặt" theo. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Tuy nhiên, Hằng mới trở về từ TP.HCM, đang trong thời gian phải theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày nên không thể đến chung vui.
“Không đến đám cưới nhưng vì là bạn bè cùng lớp, nhà lại gần nhau nên mình gửi tiền mừng. Khoảng 1 tháng nay, mình đã nhận được 4 thiệp mời đám cưới, đều là bạn bè cùng quê. Vẫn còn một số người quen báo tin chuẩn bị cưới, mình đoán ra Tết còn có thêm 3 đám cưới nữa”, cô nói.
Tranh thủ về quê sớm để đón Tết cùng gia đình sau một năm xa nhà, nhiều bạn trẻ bỗng thấy mình bận rộn với các lời mời ăn cưới, đi ăn con nhỏ đầy tháng đến dồn dập. Các khoản mừng cũng khiến số tiền chi tiêu cho dịp năm mới “phồng” ra hơn mức dự kiến.
1 tuần về nhà, dự 3 đám cưới
Hằng cho biết đây là độ tuổi lập gia đình nên cô không thấy lạ khi có nhiều lời mời đi cưới.
Tuy nhiên, quá nhiều đám cưới tập trung vào dịp Tết Nguyên đán khiến cô khá áp lực, đặc biệt thấy khó khăn về tiền bạc vì còn phải chi nhiều tiền sắm sửa cho gia đình.
“Tết năm nay kinh tế khó khăn hơn mọi năm, khoản tiền tiết kiệm của mình cũng đã cạn sau nhiều tháng Sài Gòn phong tỏa, thưởng Tết năm nay của công ty cũng không nhiều. Đi đám cưới đâu chỉ tốn tiền mừng, còn phải mua thêm quần áo, phụ kiện để diện trong dịp đặc biệt nữa. Chắc mình sẽ phải hạn chế lại một số khoản chi tiêu để tránh cạn ví”, Hằng nói với Zing.
Các khoản góp Tết cộng áp lực tiền mừng cưới, mừng đầy tháng khiến nhiều bạn trẻ thấy dịp năm mới trở thành gánh nặng kinh tế. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Xin về quê Nghệ An đón Tết sớm 2 tuần để tránh dịch bệnh phức tạp, song Hoàng Phương (26 tuổi, nhân viên kinh doanh tại Hà Nội) khá mệt mỏi khi phải liên tục dự đám cưới của bạn bè.
“Mình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả test nhanh âm tính khi vừa về nhà, nhưng phải đến những chỗ đông người như vậy cũng có phần lo lắng, đặc biệt ở thời điểm cận Tết như thế này. Hơn một tuần ở nhà, mình đã dự 3 đám cưới của bạn thân và anh, chị họ. Đi ăn cưới, mình cố gắng hạn chế nói chuyện, tiếp xúc, chỉ ngồi yên một chỗ thôi”, Phương chia sẻ.
Thời gian này vẫn đang phải làm việc từ xa nên Phương phải cố gắng sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng tới công việc.
“Vì đều là đám cưới của những người thân thiết nên mình không chỉ đến tham dự mà còn phụ giúp một số việc như dọn dẹp, đi mua sắm, chuẩn bị trang phục, cả trang trí phòng cưới. Hôm trước, mình còn phải xin nghỉ một buổi để cùng cô bạn thân đi thử váy cưới. Dù sao cũng về sớm nên không thể tránh được”, cô bày tỏ.
Nhiều khoản dồn vào một lúc
Ngoài tiền mừng cưới, Phương chi thêm khoảng 2 triệu đồng tiền quà và 1 triệu tiền mừng cho người cháu ruột mới chào đời được 3 tháng.
“Năm rồi vì vướng dịch bệnh, mình không thể về thăm nhà nên đây cũng là lần đầu tiên được gặp cháu”, Phương kể.
Trước khi về quê, cô vừa lo hoàn thành deadline, vừa tranh thủ rảnh lúc nào là đi tìm mua quà tặng cháu.
Các khoản tiền xã giao như mừng hiếu hỷ thường khó tránh khỏi và gây ra tốn kém khi dồn hết vào cùng một lúc. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
“Lần đầu tiên mua đồ cho trẻ sơ sinh nên mình khá bỡ ngỡ. Sau một hồi tính toán, mình quyết định mua quần áo cùng một ít phụ kiện mũ, giày, túi. Vì không có kinh nghiệm nên mình có mua lố một số món không cần thiết”, Phương cho hay.
"Mình thích lắm khi được lên chức cô nên mua đồ cho con bé tốn kém một chút cũng không sao", cô bày tỏ.
Song, Phương thừa nhận bản thân thấy dịp Tết hàng năm dần trở thành áp lực tài chính cho cô. Trung bình, cô đã tốn khoảng gần 5 triệu đồng, tính riêng các khoản tiền mừng.
Theo cô, chưa kể khoản tiền nói trên thì riêng việc chi tiêu Tết đã tốn kém.
“Tết đến được về thăm nhà, vui thì vui thật nhưng cũng kèm theo nhiều gánh nặng. Suy nghĩ mặc định là con cái đi làm xa cả năm không thể trở về tay không. Nếu không về ăn Tết thì mình có thể chỉ cần gửi tiền cho bố mẹ sắm sửa thôi, song một khi đã về thì kéo theo rất nhiều khoản 'dây dưa' khác.
Ngoài quà cho gia đình, mình còn phải sắm thêm quà cho con em, họ hàng nữa. Vấn đề là các khoản tập trung hết vào một thời điểm nên gây đau đầu, đắn đo nhiều, nhất là sau một năm làm ăn khó khăn. Nếu số tiền dàn trải ra cả năm thì mình có thể sắp xếp dễ hơn", cô nói.
Tương tự, Lê Mai (25 tuổi, Bắc Ninh) cũng mất nhiều thời gian “cân lên đặt xuống” cho việc tặng quà cho hai người bạn vừa mới sinh vào tháng 12 năm ngoái.
“Cả hai đều là những người bạn thân thiết, chơi nhiều năm nên mình cũng không thể chọn quà đầy tháng xuề xòa cho có, nếu gửi tiền mừng cũng phải tươm tất, không thể ít quá”.
Dự kiến, Mai chi ra ít nhất 1-1,5 triệu đồng cho phần này.
"Ban đầu, mình định mua các set quà thay cho đi phong bì vì sẽ giúp đỡ tốn kém hơn một ít. Nhưng sát Tết, công việc bận rộn cộng với nhiều cửa hàng tăng giá sản phẩm nên mình quyết định gửi tiền mừng cho nhanh, gọn", cô chia sẻ.
"Tiền mừng đầy tháng mới là tính riêng, chưa kể đến tiền lì xì cho các con của bạn bè lẫn các cháu trong họ. Ra Tết, mình còn lời mời đến dự sinh nhật con tròn 1 tuổi của một người bạn khác nữa.
Mình mừng cho các bạn, yêu quý các cháu nhưng cũng thấy khá tốn kém với những khoản tiền xã giao này. Bản thân cũng đành chấp nhận và cố làm việc bù vào thôi vì tiền mừng hiếu hỷ không thể tránh khỏi", Mai cho biết.