Với đề bài: “Cảm nhận của anh/chị về hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành”, học sinh nam lớp 12 đã bày tỏ quan điểm về tác giả, tác phẩm cũng như sự bức xúc với cách chấm bài của giáo viên. Bài kiểm tra Văn kỳ II của em được cô giáo ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ trên Facebook nhanh chóng nhận được hơn 100 bình luận.
Trong rất nhiều chia sẻ của độc giả, ý kiến của bạn đọc Minh Minh được xem là thú vị và nhận được nhiều lượt yêu thích từ nhiều người khác.
“Đọc bài của em chị vừa vui, vừa buồn. Vui vì cách thể hiện suy nghĩ dí dỏm, bá đạo của em học sinh và nỗi lòng sâu kín của em đối với văn học. Tuy nhiên, chị cũng buồn vì qua bài viết của em, một bộ phận không nhỏ học sinh lại suy nghĩ, đánh giá và nhận định về cách dạy văn, hành văn truyền thống bấy lâu nay của trường lớp Việt Nam.
Thực sự, theo chị nghĩ, học văn là phải học như thế. Mặc dù có thể có những áng văn, thơ không đúng như ý của tác giả hoặc "em không thể nào hiểu nổi", nhưng chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là văn chương giúp cuộc sống của chúng ta đỡ buồn chán với những con số, cảm thụ được những cái đẹp, giá trị nhân văn, đạo đức, trí lực của ông bà, cha anh ngày xưa. Nếu không có văn thơ, mấy ai có thể cảm thụ nổi.
Bên cạnh những học sinh nuốt văn không vô, cũng có rất nhiều em thích thú với môn văn và thể hiện suy nghĩ, phân tích sáng tạo. Một bài văn hay giúp người đọc thêm yêu cuộc sống, yêu thế giới này, điều này chẳng phải rất tuyệt sao.
Cuối cùng, mình xin nói rằng, để thay đổi phương pháp dạy văn phổ thông của chúng ta là một vấn đề không phải dễ. Nó cần một hành trình và những bài văn hiện đại nhưng vẫn đủ tính truyền tải cho học sinh. Điều đó hãy để thời gian cho các nhà chức năng.
Về văn chương kháng chiến, có bạn nói học mãi dù trong thời bình. Thế nhưng, theo mình, những án văn đó không phải là vô dụng trong thời bình đâu bạn ạ. Nhất là khi thế giới vẫn còn xảy ra giao tranh và đất nước ta đang cần những người con ý chí yêu nước để bảo vệ tổ quốc từng ngày”.
Bài kiểm tra văn của học sinh lớp 12. |
Những ý kiến khác về bài văn này:
Duy Nguyen: "Môn Văn là để học sinh cảm nhận được những cái hay của văn học Việt Nam, đồng thời giúp học sinh có được tâm hồn thơ văn. Sau này, mỗi người có viết văn, viết thơ cũng tạo ra cho người đọc những cảm xúc đẹp. Anh chàng “bá đạo” này từ nhỏ đã mất đi tư tưởng lãng mạn, văn thơ, sau này, anh chàng sẽ không nhận được sự thi vị của văn học từ các giáo viên dạy văn trong hơn chục năm học tập.
An Nguyễn: "Văn học là cảm xúc, cảm nhận, suy nghĩ và trải lòng, không phải học thuộc lòng và chấm điểm theo ba rem. Văn không phải toán học nên không phải rập khuôn và máy móc, tùy cảm nhận của mỗi người. Kiểu hồi xưa chúng ta học là thầy cô cho chép, khi làm bài cứ ghi nguyên văn trong vở là được điểm cao, đến khi thi tốt nghiệp và đại học cứ lôi ra xài. Cách này hạn chế sự phát triển tư duy sáng tạo của học sinh, gây nhàm chán và làm những tác phẩm mất đi giá trị, mất cái hay, ý nghĩa của nó".
Tâm Thật Thà: "Tác giả viết ra tác phẩm của họ chưa chắc giống với cảm nghĩ của giáo viên. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau. Nếu chấm làm văn nên chấm theo cách cảm nhận của mỗi học sinh có đem lại bài học gì không? Đây mới là điểm quan trọng trong văn học và việc truyền tải văn học. Tôi biết câu chuyện rất hay về cậu bé tiểu học có cha là nhà văn. Một ngày, giáo viên giảng bài là tác phẩm của người cha nên khi con về thuật lại những gì cậu đã học được từ giáo viên, người cha cười bảo, nhờ có giáo viên, ông mới biết mình viết tác phẩm ấy hay đến vậy".
Phương Mạnh: "Nên thay đổi cách chấm điểm để đánh giá đúng khả năng của học sinh, tránh tình trạng chạy theo thành tích. Vì vậy, mỗi người nên có cách nhìn tổng quát hơn, không nên đánh giá một chiều. Cuộc sống là muôn màu, nếu một người chỉ nhìn vào màu mình ưa thích, chỉ 3-5 năm, họ sẽ không còn thấy gì đẹp bởi nó quá nhàm chán".