Nhớ lại giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở, Angela (18 tuổi, Hong Kong) cho hay cô phải liên tục “cày cuốc” sách vở từ 8h đến 23h30 hàng ngày trong vòng 6 tuần, trong khoảng thời gian đáng lẽ là quãng nghỉ cho học sinh trước khi kỳ thi diễn ra.
Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, Angela thức dậy vào 7h mỗi sáng, ăn bữa sáng thật lớn để việc học có thể kéo dài một mạch đến 15h.
“Khi đã đủ no, em không cần suy nghĩ về việc phải ăn gì cho bữa trưa nữa, em có thể tận dụng mọi giây phút cho việc ôn bài”, nữ sinh 18 tuổi cho biết.
Ngoài thời gian ăn tối và tắm rửa, Angela chỉ dành tối đa 45 phút mỗi ngày để giải trí.
Nhiều người trẻ ở Hong Kong đang đối diện với tình trạng vùi đầu vào học tập và công việc, không cho phép mình có quyền nghỉ ngơi hay hưởng thụ cuộc sống. |
Trên thực tế, cô gái không thể toàn tâm toàn ý cho việc nghỉ ngơi.
“Em chỉ dám lướt điện thoại, xem TV trong vòng 15 phút vì cảm thấy mình không nên lãng phí thời giờ ngồi chơi. Nếu xa rời bàn học quá khoảng thời gian ấy, em đã bỏ phí cơ hội làm bài hoặc ôn lại kiến thức của những năm học trước”, Angela cho hay.
Thỉnh thoảng, cô nghỉ ngơi lâu hơn một chút, nhưng sau cùng, cảm giác tội lỗi vẫn xâm chiếm.
Zing.vn trích dịch lại bài viết của South China Morning Post về những người trẻ tại Hong Kong như Angela, đang vùi đầu vào học tập và công việc, không cho phép mình có quyền nghỉ ngơi hay hưởng thụ cuộc sống.
Áp lực thành công nặng nề
Có đến 40% giới trẻ Hong Kong khi được hỏi cho hay họ mang nặng cảm giác tội lỗi hay lo sợ mỗi khi nghỉ học hay nghỉ làm, theo báo cáo gần đây của tổ chức phi chính phủ Breakthrough.
Kết quả được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát với hơn 1.200 người từ 10 đến 29 tuổi, vào tháng 10 đến tháng 12 năm 2018.
53,4% số người được hỏi đang học tại các trường tiểu học hoặc trung học, 13,7% là sinh viên đại học và gần 20% đang đi làm toàn thời gian.
Trong đó, có đến 39,5% thú nhận họ cảm thấy hối hận khi nghỉ ngơi, giải trí, 43,1% cho biết không dám rời bàn học, bàn làm việc nếu chưa hoàn thành xong công việc.
40% giới trẻ Hong Kong khi được hỏi cho hay họ mang nặng cảm giác tội lỗi hay lo sợ mỗi khi nghỉ học hay nghỉ làm. |
Nghiên cứu đồng thời chỉ ra 44% thừa nhận cảm giác mệt mỏi khi cố gắng xoay xở, hoàn thành tốt chuyện học hành, đi làm.
Mặc dù kiệt sức khi phải vùi đầu học hành, làm việc liên tục, có đến 55,4% số người trẻ tuổi ở Hong Kong cho hay họ thường xuyên bị cảm giác lo lắng bủa vây vì lo sợ không thể bắt kịp với bạn bè ở trường hay đồng nghiệp tại nơi làm việc nếu tự cho mình quyền thư giãn, tạm nghỉ.
Nghỉ ngơi bị đánh đồng với lười nhác, làm biếng
“Ép mình làm việc liên tục, không có khoảng nghỉ hợp lí gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và làm giảm hiệu quả của việc giải toả tâm lý” – Simon Lam Chun-kit, nhà nghiên cứu tại tổ chức Breakthrough chỉ ra.
“Mỗi khi em nhận ra mình không hoàn thành kế hoạch học tập đề ra trước đó, em lại cảm thấy bất lực với bản thân và bật khóc”.
Angela, 18 tuổi
Nhà nghiên cứu này tin rằng hiện tượng giới trẻ lao đầu bạt mạng vào học ở lớp hay công việc ở công sở là kết quả của một xã hội cạnh tranh, ganh đua gắt gao ở Hong Kong, cùng với đó là cái nhìn tiêu cực về việc thư giãn, giải trí.
Angela, người đang nuôi giấc mộng ghi danh vào ngành Khoa học tại ĐH Hong Kong, cho biết bố mẹ cô đều là giáo viên trung học.
Cả hai thường xuyên nhắc nhở con gái ôn lại bài vở trên lớp và không được phép lãng phí thời gian rảnh vào việc sử dụng smartphone.
Tập trung hoàn toàn vào kỳ thi đại học sắp tới, Angela cũng ngừng chơi piano và xóa tài khoản mạng xã hội.
Thế nhưng áp lực phải thành công quá lớn khiến nữ sinh vẫn cảm thấy kiệt sức và buồn bã nhiều hơn.
“Mỗi khi em nhận ra mình không hoàn thành kế hoạch học tập đề ra trước đó, em lại cảm thấy bất lực với bản thân và bật khóc”, cô thú nhận.
"Hiện tượng giới trẻ lao đầu bạt mạng vào học và làm việc là kết quả của một xã hội cạnh tranh, ganh đua gắt gao ở Hong Kong". |
Cuộc khảo sát cũng cho thấy thời gian học tập trung bình của giới trẻ Hong Kong rơi vào 45,6 giờ một tuần.
Trong đó, thời gian học trung bình của học sinh tiểu học và trung học là 53,2 giờ. Những người trẻ đi làm toàn thời gian dành trung bình 49,1 giờ một tuần để làm việc.
Các con số cũng chỉ ra những người được hỏi trung bình ngủ 6,6 giờ mỗi ngày, trong đó có những người trẻ chỉ dành vỏn vẹn 2 giờ mỗi ngày để ngủ.
Carmen Liau Fai-ching, cố vấn tâm lý cấp cao tại tổ chức Breakthrough, đã lên tiếng kêu gọi các trường học ở Hong Kong không được bỏ qua tầm quan trọng của những giờ nghỉ giữa giờ và các hoạt động được tổ chức ở các lớp học thể chất.
Nhà nghiên cứu Lam cũng đề cập đến việc xã hội Hong Kong cần thay đổi những quan niệm về việc tận dụng thời gian rảnh để giải trí sau giờ học, giờ làm thay vì đánh đồng nghỉ ngơi với sự lười biếng, tụt hậu.