Trung bình, trường hợp song sinh cùng trứng chiếm khoảng 0,3% dân số thế giới và song sinh khác trứng xảy ra ở 1,5% số ca sinh toàn cầu. |
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đôi ở thị trấn Mộc Giang (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cao hơn hẳn, xảy ra thường xuyên hơn so với những nơi khác trên thế giới. Mặc dù dân số chỉ khoảng 350.000 người, thị trấn này có tới 1.200 cặp sinh đôi. Không ai giải thích được nguyên do. Vì vậy, họ cho rằng nhờ gen di truyền, khí hậu và nguồn nước giếng thần kỳ ở địa phương. |
Truyền thuyết kể rằng ở làng Hexi có 2 chiếc giếng thần vốn do một cặp song sinh hóa thân thành. Hai giếng là điểm đến phổ biến của các cặp vợ chồng mới cưới, vì nguồn nước được cho là làm tăng khả năng sinh nở. |
Đặc biệt, vào thời điểm Trung Quốc vẫn còn áp dụng chính sách một con, nhiều cặp lặn lội đến đây uống nước giếng để đậu thai sinh đôi. Ngoài ra, những câu chuyện về các cặp sinh đôi xuất hiện rất nhiều trong văn hóa dân gian địa phương, cũng như trong truyền thống Đạo giáo vốn tồn tại hàng thế kỷ. |
Màu tím và xanh lam là hai màu sắc tượng trưng cho vùng đất Mộc Giang màu nhiệm. Thị trấn nằm ở vùng nhiệt đới phía bắc này được cho là có “phong thủy đặc biệt”, là điểm cân bằng âm dương hoàn hảo, từ đó sinh ra các loại rau màu tím và cả món gạo tím nổi tiếng, biểu trưng cho sự màu mỡ và thịnh vượng. Màu xanh lam được dùng để chỉ nước nói chung - vốn là biểu tượng của khởi nguồn sự sống - và nước giếng thần nói riêng. |
Một doanh nhân đã nhận thấy truyền thuyết song sinh tại vùng đất Mộc Giang có thể phát triển thành một dự án kinh tế du lịch khả thi song hành với lễ hội mặt trời đầy màu sắc của người Hà Nhì. |
Từ đó, thị trấn Mộc Giang đăng cai tổ chức lễ hội song sinh suốt 15 năm qua, thu hút hàng nghìn cặp sinh đôi và du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Lễ hội tập hợp và thể hiện nhiều khía cạnh của các cặp song sinh trong văn hóa Trung Quốc nói chung, tỉnh Vân Nam nói riêng như lễ mừng mặt trời của người Hà Nhì, các nhân vật Đạo giáo… |