Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vùng trũng' Trà Vinh đón ngày hội hướng nghiệp

Trời nắng, gió hè không ngăn cản được sự háo hức của các bạn học sinh đến với buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh 2011 do báo SGGP tổ chức, công ty VNG đồng hành tại Trà Vinh.

'Vùng trũng' Trà Vinh đón ngày hội hướng nghiệp

Trời nắng, gió hè không ngăn cản được sự háo hức của các bạn học sinh đến với buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh 2011 do báo SGGP tổ chức, công ty VNG đồng hành tại Trà Vinh.

Háo hức và băn khoăn nghề nghiệp

Từ 7h sáng, hơn 3000 nghìn học sinh lớp 12 tại TP Trà Vinh và 2 huyện lân cận là Càng Long và Châu Thành đã đổ về sân trường đại học Trà Vinh với sắc mầu áo trắng đồng phục tràn ngập sân trường. Không khí thật sôi động, rộn ràng và không thiếu sự nghịch ngợm đúng “chất” học sinh cuối cấp. Trong khi đó từng nhóm sinh viên áo xanh tình nguyện của ĐH Trà Vinh nhanh nhẹn, chu đáo hướng dẫn lứa “đàn em” tương lai vào khu vực tập trung, cung cấp tài liệu hay nước uống, ghế ngồi đầy đủ.

'Vùng trũng' Trà Vinh đón ngày hội hướng nghiệp

Do tỉnh Trà Vinh không có hội trường nào đủ lớn đủ cho 3000 học sinh nên BTC đã phải chọn khu vực sân trường ĐH Trà Vinh để thực hiện chương trình. Điều kiện tổ chức khó khăn nên khiến BTC khá lo lắng bởi ngay từ sáng sớm nắng đã lên và tấm backdrop sân khấu rung lên bần bật vì gió mạnh. Cây dù lớn mà BTC chuẩn bị để che nắng cho học sinh mới căng lên đã rách bục cũng vì không chịu nổi cái gió “phần phật” của miền Tây sông nước.

Để có thể tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp quan trọng, học sinh ở các huyện lân cận như Càng Long và Châu Thành phải tập trung từ 5 giờ sáng, vượt qua hàng chục km bằng xe bus để đón kịp chuyến phà sớm nhất để tới Đại học Trà Vinh được đúng giờ. Còn hơn 4000 học sinh ở huyện xa như Cầu Nganh, Trà Cú và Cầu Kè thì phải thức dậy từ tờ mờ sáng, tập trung đông đủ và ngay ngắn tại sân trường để theo dõi và ghi chép những lời khuyên từ ban tư vấn.

'Vùng trũng' Trà Vinh đón ngày hội hướng nghiệp

“Em đã lựa chọn ngành sư phạm mầm non để theo đuổi vì rất yêu thích trẻ con, nhưng em còn đang phân vân lựa chọn giữa một trường cao đẳng ở tỉnh nhà hay trên Sài Gòn thì sẽ dễ tìm việc làm hơn. Nhà em làm nông nghiệp nên chi phí đi học cũng là một vấn đề phải suy nghĩ”, bạn Nguyễn Thị Lan, học sinh lớp 12 trường PTTH Bùi Hữu Nghĩa băn khoăn.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, thành viên ban tư vấn cho biết: “Học sinh các tỉnh nghèo thường có thiệt thòi về việc tiếp cận thông tin nên những sự kiện tư vấn hướng nghiệp là vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp các em tự tin và và định hướng đúng đắn hơn cho sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai”.

Học gì để có việc làm?

Đó là câu hỏi được khá nhiều bạn học sinh quan tâm bởi có lẽ vấn đề việc làm sau khi ra trường chính là mục tiêu mà các bạn hướng tới. Để có thể giải đáp trọn vẹn vấn đề “hóc búa” này, 3 chuyên gia tư vấn là PGS.TS Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang,Thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Trà Vinh và ông Nguyễn Viết Dũng, đại diện Bộ GD-ĐT liên tục trả lời và bổ sung thông tin nhằm có những lời khuyên đúng đắn dành cho các bạn trẻ.

'Vùng trũng' Trà Vinh đón ngày hội hướng nghiệp

Một học sinh Trường THPT chuyên Trà Vinh, thổ lộ: “Em muốn học thủy sản để sau này trở về làm việc cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên còn đang băn khoăn không biết sức học của mình đủ sức thi hay không”.

Thú vị nhất là có khá nhiều câu hỏi“khó có lời giải”của các bạn học sinh như “Em muốn học múa, nhưng lại thích ăn mặc đẹp như các cô nhân viên ngân hàng, còn giờ đây em lại muốn làm bác sĩ” hay có bạn rất tự nhiên biểu diễn các khả năng ca hát, “tài lẻ” của mình ngay trong phòng tư vấn riêng.

Để trả lời những thắc mắc chung này, thạc sĩ Trần Đình Lý và ban tư vấn đã có lời khuyên các bạn học sinh nên tập trung vào công việc học tập trước mắt cho tốt. Có nhiều trường ĐH có chung ngành học để các bạn lựa chọn trường nào phù hợp với khả năng của mình. Sự lựa chọn đó là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, thạc sĩ đã sử dụng phương pháp trắc nghiệm Holland để xác định tính cách phù hợp với công việc. “Muốn giải quyết khó khăn này, trước hết em phải xác định nghề nào mình thích nhất. Sau đó phải xác định mình có đủ điều kiện để theo đuổi ước mơ hay không. Việc chọn ngành nghề luôn cần sự đam mê, yêu thích thì mới sống với nghề được”, thạc sĩ Trần Đình Lý chia sẻ.

'Vùng trũng' Trà Vinh đón ngày hội hướng nghiệp

Theo số liệu của sở giáo dục tỉnh Trà Vinh, mỗi năm có khoảng 6.000 học sinh lớp 12 tốt nghiệp PTTH. Trong đó 1/3 các em lựa chọn cho mình con đường ĐH hoặc Cao đẳng tại ngay tỉnh nhà hoặc thành phố như Cần Thơ, Sài Gòn, An Giang… 2/3 các em còn lại trở thành các lao động tự do hoặc học nghề.

An Huỳnh

Theo Bưu Điện Việt Nam

Theo Bưu Điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm