Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GD&ĐT liệt kê 70 chỉ số trẻ 5 tuổi cần đạt để phát triển toàn diện

70 mong đợi này năm trong Quyết định số 4222/QD-BGDĐT ngày 27/12/2024 về việc ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

70 chỉ số trong bộ chuẩn được chia thành 6 lĩnh vực. Ảnh: Duy Hiệu.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực là thể chất, tình cảm và xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, thẩm mỹ, tiếp cận với việc học. Bộ cũng quy định trẻ 5 tuổi là trẻ em trong độ tuổi từ 60 tháng đến 71 tháng (71 tháng 29 ngày).

Trong bộ chuẩn này, Bộ GD&ĐT liệt kê những chuẩn, chỉ số thuộc các lĩnh vực, định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ em 5 tuổi. Chuẩn là những mong đợi trẻ em 5 tuổi biết và có thể làm được sau quá trình giáo dục.

Theo đó, những năng lực cơ bản trong lĩnh vực thể chất được phản ánh thông qua sức khỏe thể chất; thực hiện các kỹ năng vận động; hiểu biết, thực hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.

Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tình cảm - xã hội sẽ được phản ánh thông qua nhận thức bản thân và năng lực quan hệ xã hội. Ví dụ, trẻ được mong đợi có thể gọi tên tối thiểu 3 cảm xúc khác nhau và nêu nguyên nhân gây ra cảm xúc đó, đồng thời thể hiện sự trung thực trong giao tiếp và ứng xử với người khác.

Đối với năng lực cơ bản trong lĩnh vực ngôn ngữ và giao tiếp, bộ mong đợi trẻ có thể nghe hiểu và biểu đạt thông tin phù hợp trong giao tiếp và sẵn sàng cho việc học đọc, học viết. Ví dụ, trẻ được kỳ vọng biết sử dụng lời nói, hành vi lịch sự trong giao tiếp và có thể nhận biết một số ký hiệu, biểu tượng trong cuộc sống.

Còn về năng lực cơ bản trong lĩnh vực nhận thức, bộ chuẩn kỳ vọng có thể được phản ánh thông qua hiểu biết và kỹ năng tư duy; vận dụng kiến thức, kỹ năng sơ đẳng để giải quyết một số vấn đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.

Năng lực cơ bản trong lĩnh vực thẩm mỹ sẽ được phản ánh thông qua cảm thụ cái đẹp và sử dụng nghệ thuật như phương tiện để thể hiện cảm xúc, hiểu biết và sự sáng tạo của bản thân.

Các chuẩn, chỉ số trong lĩnh vực này đề cao cảm xúc, ý tưởng của bản thân trẻ em trong các hoạt động nghệ thuật và ứng dụng sáng tạo nghệ thuật vào cuộc sống.

Cuối cùng là năng lực cơ bản trong lĩnh vực tiếp cận với việc học. Bộ kỳ vọng trẻ 5 tuổi có thể thể hiện rõ thông qua một số yếu tố cần thiết hướng đến hình thành các năng lực học tập bền vững sau này như tự chủ với việc học, giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc sống.

Bạn đọc có thể tham khảo 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực do Bộ GD&ĐT liệt kê trong đường link này.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

8 mẹo dạy con có trách nhiệm từ bé

Dạy trẻ về trách nhiệm từ sớm sẽ giúp con tự lập, tự tin và thành công trong cuộc sống. Việc này nên bắt đầu từ khi trẻ lên 3 tuổi để hình thành thói quen tốt và phát triển kỹ năng lâu dài.

Thái An

Bạn có thể quan tâm