Sau phát ngôn không sử dụng bông Tân Cương, Nike đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội từ dân mạng Trung Quốc. Bên cạnh đó, người dân quốc gia tỷ dân kêu gọi các nghệ sĩ hủy quan hệ hợp tác với hãng thời trang thể thao. Vương Nhất Bác thu hút sự quan tâm khi tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Nike vào ngày 25/3. Đáp trả lại hành động của nam ca sĩ, thương hiệu xóa bài đăng liên quan đến anh trên fanpage. Ảnh: @nikesportswear. |
Tiếp bước Vương Nhất Bác, Đàm Tùng Vận đưa ra thông báo dừng hợp tác với Nike. Sau những hành động dứt khoát từ dàn sao Trung Quốc, loạt phản ứng trái chiều xuất hiện. Nhiều người cho rằng khi làn sóng tẩy chay kết thúc, mối quan quan hệ giữa thương hiệu và nghệ sĩ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, công ty quản lý phải đền bù hợp đồng vì hủy trước thời hạn. Trong khi đó, các ý kiến khác nhận định hành động của dàn nghệ sĩ phù hợp với tình hình hiện tại. Ảnh: Sina. |
Tối 24/3, nhiều kênh truyền thông của Trung Quốc lên tiếng phản đối H&M vì thông báo không dùng bông Tân Cương. Thương hiệu thời trang trở thành mục tiêu tẩy chay của dân mạng. Trước phản ứng dữ dội từ người hâm mộ, Tống Thiến đưa ra thông báo dừng hợp tác với nhà mốt Thụy Điển. Ảnh: Getstyle. |
Hoàng Hiên cũng dừng hợp đồng với H&M. Hành động của nam diễn viên và Tống Thiến được người hâm mộ Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: Sina. |
Trước đó, Dương Mịch từng hủy hợp đồng với Versace khi mới ký được chưa đầy 2 tháng. Nhà mốt Italy sản xuất áo thun in tên thành phố của các quốc gia. Bắc Kinh, Thượng Hải được chú thích thuộc Trung Quốc, còn Hong Kong và Macau lại được xem như quốc gia độc lập. Dân mạng xứ tỷ dân cho rằng nhà mốt đã không tôn trọng đất nước mà họ kiếm tiền từ người dân. Ảnh: @cdrama_update. |
Ngày 21/11/2018, nhà mốt Dolce & Gabbana hứng chịu hậu quả sau tin đồn kỳ thị quốc gia tỷ dân. Tờ Independent cho biết ông chủ thương hiệu Italy đã buông lời lăng mạ người Trung Quốc. Sau khi scandal nổ ra, Địch Lệ Nhiệt Ba tuyên bố dừng hợp đồng với thương hiệu này. Ảnh: Sina. |