Theo Bloomberg, trong các ngành công nghiệp, từ tạo kiểu lông cho thú cưng đến ngành tài chính, nhiều người đang cố gắng chống lại quy luật trên.
BreAnn Scally là một người yêu thú cưng, cô ước có thể đem về nhà những thú cưng đi lạc mỗi khi cô bắt gặp chúng trên đường. Năm ngoái, Scally bị thu hút bởi quảng cáo khóa đào tạo "miễn phí" về cắt tỉa lông thú cưng đăng trên website PetSmart - một chuỗi cung cấp thú cưng.
Cô hy vọng có thể mở một nơi lưu trú cho thú cưng của riêng mình trong tương lai và cô tính toán rằng mình nên làm quen với kéo cắt tỉa. Bằng cách đó, Scally sẽ không phải chi trả tiền cho ai đó khi cô đem về nhà một chú chó giống Pooch cần cắt tỉa lông.
"Tôi có thể tự làm điều đó", Scally nói.
Phải hoàn trả tiền học phí nếu nghỉ việc sớm
Tuy nhiên, Scally sớm phát hiện khóa đào tạo của PetSmart không thật sự miễn phí. Không lâu sau khi được thuê làm việc vào tháng 2/2021, cô bắt đầu ở nơi PetSmart gọi là học viện tạo kiểu cho thú cưng tại một cửa hàng ở Salinas, California (Mỹ).
Nhưng đầu tiên, cô phải ký hợp đồng. Hợp đồng quy định rằng nếu Scally rời đi khi chưa đầy một năm từ thời điểm bắt đầu học, cô phải hoàn trả cho công ty 5.000 USD cho chi phí đào tạo và 500 USD cho các công cụ tạo kiểu. Tiền phạt sẽ giảm một nửa nếu nữ học viên không hoàn thành năm thứ hai. Điều này dường như là rất nhiều đối với những ai làm việc 15 USD/giờ.
Được đào tạo nghề tạo kiểu lông cho thú cưng miễn phí nhưng Scally phải trả lại 5.500 USD nếu bỏ ngang việc khi chưa làm đủ một năm. Ảnh: Bloomberg. |
PetSmart từ chối trả lời Bloomberg về trường hợp của Scally. Công ty này nói rằng khóa học gồm 3 tuần đào tạo thực hành từ một người hướng dẫn, nhân viên phải cắt tỉa cho 200 chú chó và trải qua 6 tháng "đào tạo tạo kiểu" trước khi trở thành một người tạo kiểu cho thú cưng thành thạo.
Thực tế, Scally chỉ nhận được 2 tuần đào tạo trực tiếp từ người quản lý thẩm mỹ viện, người thường bận rộn cắt tỉa lông cho thú cưng của khách hàng. Theo lời kể của Scally, cô hầu như chỉ học cắt lông dạng mũ tròn. Cô nói rằng cửa hàng thiếu nhân sự, cô và các đồng nghiệp khác thường quá tải vì cố gắng xoa dịu những khách hàng khó tính.
"Tôi thật sự rất ghét cửa hàng này. Làm việc ở đây khiến tôi chán nản", Scally chia sẻ.
Vì vậy, cô phải suy nghĩ về khoản tiền 5.500 USD nếu rời đi quá sớm. Bất kể hợp đồng quy định gì, các quản lý của Scally yêu cầu nếu cô kiếm đủ tiền từ việc cắt tỉa cho thú cưng và thuyết phục khách hàng mua nhiều dầu gội và dịch vụ chăm sóc móng đắt tiền cho thú cưng của họ, PetSmart sẽ không truy cứu khoản tiền chi phí đào tạo của Scally.
Scally nghỉ việc từ tháng 9/2021 sau 7 tháng làm việc ở công ty này. Tuy nhiên, khi cô kiểm tra báo cáo tín dụng của mình vào tháng 1 năm nay, cô phát hiện một công ty trung gian ở Saint Paul, Minnesota (Mỹ) đại diện PetSmart yêu cầu cô trả đầy đủ khoản tiền 5.500 USD. Cùng thời điểm đó, Scally phải giải quyết khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng.
Khóa đào tạo không hữu ích
Tương tự trường hợp của Scally, Ramin Shirvani cũng phải ký hợp đồng đồng ý hoàn trả 30.000 USD liên quan đến chi phí khóa học tài chính nếu anh rời đi trước một năm. Số tiền sẽ giảm còn 20.000 USD khi Shirvani rời đi trước khi kết thúc năm làm việc thứ hai.
Ramin Shirvani xuất thân từ gia đình nhập cư, cha là người Iran, mẹ là người Mexico. Shirvani có bằng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh và học các lớp về khoa học máy tính ở Đại học West Virginia và sau đó nhận bằng quản lý dự án phần mềm từ một trường học trực tuyến. Nhưng không có bất kỳ công ty nào muốn thuê anh.
Trước đó, Shirvani đã phản hồi một quảng cáo của FDM, một công ty thương mại có trụ sở tại Anh. Công ty này cung cấp khóa đào tạo "miễn phí" cho người lao động với hứa hẹn vị trí công việc tư vấn công nghệ cho các khách hàng lớn. Tuy nhiên, Shirvani phát hiện những lớp học đào tạo trên không hữu ích, những bài học chủ yếu là lập trình - những thứ anh đã học ở trường đại học.
Công ty sẽ cho anh một vị trí tư vấn ở Citigroup nhưng anh phải ký hợp đồng thỏa thuận. Công ty FDM cảnh báo trong thỏa thuận làm việc rằng họ sẽ tính phí người lao động tới 18% tiền lãi hàng năm đối với bất kỳ phần phí nào mà người lao động không hoàn trả vào ngày làm việc cuối cùng theo hiệu lực hợp đồng. FDM cho rằng họ làm vậy để ngăn chặn nhân viên khai thác giá trị từ các khóa đào tạo, từ chối trả lại lợi tức đầu tư cho công ty và phá hỏng danh tiếng của công ty trong mắt khách hàng.
Mặc cho những nghi ngại của bản thân, Shirvani quyết định ký hợp đồng. Anh nói: "Tôi không có kế hoạch dự phòng".
Shirvani sớm hối hận về quyết định của mình. Anh cho biết FDM đã trả mức lương khởi điểm là 23.000 USD và tiền thưởng hàng ngày là 88 USD nếu anh làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Mức lương này không là gì đối với chi phí đắt đỏ ở New York.
Shirvani tìm một căn phòng giá rẻ ở Brooklyn trên Airbnb. Người chủ ngủ trong nhà bếp, còn Shirvani và một khách lưu trú khác ở trong hai phòng ngủ nhỏ. Anh bị suy dinh dưỡng trong năm đầu tiên làm việc ở Citigroup. "Tôi đã trải qua địa ngục, tôi chỉ có thể chi trả cho những bữa ăn từ thực phẩm đông lạnh", Shirvani chia sẻ.
Vì làm việc ở vai trò quản lý và xem xét ngân sách, Shirvani nói anh phát hiện Citigroup trả cho FDM 120.000 USD/năm cho dịch vụ của anh. Điều này có nghĩa là công ty FDM đang bỏ túi một khoản tiền lớn. Mặc dù Shirvani tức giận, anh vẫn phải cân nhắc các khoản vay sinh viên vì nếu anh nghỉ việc, anh sẽ mắc nợ.
Ngay khi hết thời hạn hợp đồng vào năm 2015, Shirvani rời khỏi công ty và làm các công việc lương cao hơn tại các ngân hàng đầu tư bao gồm Morgan Stanley và UBS.
Đứng trước khoản nợ sinh viên, Shirvani không thể nghỉ việc mà phải tiếp tục làm việc cho đến khi hết hạn hợp đồng. Ảnh: CNN. |
Gánh nặng cho người học
Vào tháng 7 năm nay, Scally nộp đơn kiện PetSmart tại tòa án San Mateo, California (Mỹ). Trong đơn khiếu nại, các luật sư của cô lập luận rằng, theo luật của bang California, PetSmart không thể tính phí nhân viên để đào tạo chủ yếu những gì liên quan đến công việc. Nếu các kỹ năng có thể dễ dàng nhượng quyền, đơn kiện của Scally khẳng định PetSmart điều hành một học viện không có giấy phép và không nên truy đuổi cựu học viên về các khoản nợ.
Shirvani kể câu chuyện của mình khi nghe tin một cựu tư vấn viên khác đã nộp đơn khiếu nại công ty FDM ở New York. Người này cáo buộc những khoản tiền hoàn trả chi phí đào tạo là bất hợp pháp theo đạo luật Tiêu chuẩn Công bằng Lao động. Tuy nhiên, phía FDM phủ nhận cáo buộc, thẩm phán tòa án từ chối yêu cầu bồi thường và nói rằng không có điều gì bất thường về các khoản tiền phạt.
Trong thư hồi tháng 4, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ và các lãnh đạo đảng Dân chủ nói với Cục Bảo vệ Tài chính người tiêu dùng rằng các hợp đồng trên biến người lao động thành con nợ và người sử dụng lao động là chủ nợ. Hai tháng sau đó, CFPB tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra thực tế trên diện rộng.
Tranh luận về hợp đồng thu hồi trở thành một phần của cuộc đấu tranh lớn hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động trong nền kinh tế Mỹ. Theo Training Magazine, các nhà tuyển dụng đã chi 92 tỷ USD cho việc đào tạo vào năm 2021, tương tự như năm 2017. Trong khi đó, nhà tuyển dụng ngày càng yêu cầu ở các ứng viên những khả năng cao hơn.
Nicole Smith, Trưởng ban kinh tế của Trung tâm giáo dục và Lao động của Đại học Georgetown, cho biết người lao động có trình độ trung học nắm giữ 2/3 công việc của Mỹ vào năm 2020. "Khi các công ty yêu cầu ngày càng nhiều bằng cấp và chứng chỉ, các cá nhân phải chịu gánh nặng chi phí đào tạo, không nhất thiết là các công ty".
Với các khoản nợ dao động 1.700 tỷ USD của các sinh viên Mỹ, các hợp đồng thỏa thuận hoàn trả phí đào tạo chỉ làm thêm vào những hoài nghi về gánh nặng vô lương tâm trên vai các công nhân Mỹ.