Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vượt qua tâm lý khó tập trung hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, một số người vẫn còn trong trạng thái mệt mỏi và không thể tập trung hoàn toàn cho công việc.

Các chuyên gia của Bộ Y tế đã ghi nhận một loạt các tình huống khó tập trung, suy giảm trí nhớ và khả năng suy nghĩ là vấn đề nhận thức hậu Covid-19.

Những khó khăn này có thể bao gồm các vấn đề về trí nhớ, chú ý, xử lý thông tin, lập kế hoạch và tổ chức. Đây còn được gọi là tình trạng "sương mù não".

Tình trạng sương mù não thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, nghĩa là bạn càng mệt mỏi, bạn càng nhận thấy bản thân có nhiều khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình.

Điều quan trọng là bạn và gia đình phải nhận biết được liệu bạn có đang gặp phải những khó khăn này hay không. Nguyên nhân là chúng có thể ảnh hưởng các mối quan hệ, hoạt động hàng ngày và cả công việc, học tập.

khong tap trung suong mu nao hau Covid-19 anh 1
Thời gian sau khi khỏi Covid-19, một số người rơi vào trạng thái mệt mỏi, không tập trung, suy giảm trí nhớ. Ảnh minh họa: Healthline.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết giới trẻ thường gọi các vấn đề này bằng từ "tụt mood".

Đây là trạng thái một người cảm thấy trống rỗng, nhất là vào buổi sáng. Họ dễ khóc, cáu giận, khó khoan dung, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, khó đưa ra quyết định, không tập trung ngoại hình, di chuyển và nói chậm hơn.

Ngoài ra, các vấn đề này cũng kéo theo tình trạng chán nản, không thèm ăn nhưng cũng có thể ăn rất nhiều, rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục.

"Tụt mood không phải là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, bất lực, người mắc cần cố gắng thư giãn, tuân thủ thói quen đúng, điều độ, mood sẽ sớm quay trở lại", bác sĩ Khanh khuyến khích.

Nếu người khỏi Covid-19 không may rơi vào trạng thái này, việc cần thiết là đặt lại mục tiêu hàng ngày trong công việc, giữ kết nối với bạn bè và người thân để chia sẻ và chú ý ăn uống, tập thể dục.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng hướng dẫn chi tiết những việc làm phù hợp để cải thiện tình trạng cho người gặp hội chứng về nhận thức:

- Giảm sự xao nhãng

Bạn nên cố gắng làm việc trong môi trường yên tĩnh, không có sự phân tâm. Bạn có thể sử dụng nút bịt tai, tai nghe nếu cần. Nếu bạn bị phân tâm khi đọc văn bản, hãy đánh dấu các phần của văn bản bằng cách sử dụng giấy hoặc sử dụng ngón tay của bạn làm điểm đánh dấu.

- Hoàn thành các hoạt động khi ít mệt mỏi hơn

Khi cần làm một việc mà đòi hỏi kỹ năng tư duy, bạn hãy lập kế hoạch cho việc này vào thời điểm bớt mệt mỏi hơn. Ví dụ, nếu càng về chiều, bạn càng cảm thấy mệt mỏi thì hãy làm công việc này vào buổi sáng.

- Thường xuyên nghỉ giải lao

Nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, hãy làm việc trong thời gian ngắn hơn và nghỉ giải lao.

- Đặt cho mình những mục tiêu và đích đến hợp lý

Một mục tiêu chắc chắn và rõ ràng để hướng tới sẽ giúp bạn duy trì động lực. Hãy đảm bảo bạn đặt ra các mục tiêu thực tế có thể đạt được. Ví dụ, chỉ đọc 5 trang sách mỗi ngày.

- Có thời gian biểu

Bạn hãy cố gắng thiết lập lịch trình làm việc hàng ngày và hàng tuần cho mình. Nó có thể hữu ích nếu bạn lập kế hoạch các hoạt động trước thời hạn. Cũng có thể sẽ hữu ích nếu bạn ghi chép lại hoặc chia nhỏ mọi thứ thành các phần có thể quản lý được.

- Sử dụng các biện pháp khuyến khích

Khi bạn đạt được mục tiêu hoặc mục đích, hãy tự thưởng cho mình. Bạn có thể thử làm điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn uống một tách trà hoặc cà phê, xem tivi hoặc đi dạo.

- Làm một hoạt động một lần

Đừng vội vàng hoặc cố gắng tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, vì điều này có thể dẫn đến sai lầm trong xử lý thông tin. Ngoài ra, bạn có thể dùng biện pháp trợ giúp như ghi chú, nhật ký và lịch có thể giúp hỗ trợ trí nhớ và thói quen của bạn.

- Bài tập trí não

Bạn có thể thử những sở thích mới, giải câu đố, trò chơi chữ và số, các bài tập trí nhớ hoặc đọc để giúp bạn suy nghĩ. Bạn có thể bắt đầu với các bài tập trí não thách thức, sau đó tăng dần độ khó. Điều này rất quan trọng để giữ cho bạn có động lực.

Song song các biện pháp này, điều quan trọng là bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập thể dục, thư giãn; suy nghĩ tích cực, chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất tác động tâm thần như rượu, bia, chất kích thích.

Làm gì khi ho dai dẳng hậu Covid-19?

Thử thở bằng mũi thay vì miệng để tránh kích thích niêm mạc họng có thể là một trong những giải pháp khi ho dai dẳng hậu Covid-19.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm