Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

WHO khuyến cáo nhóm người nên tiêm loại vaccine Việt Nam sắp nhập

Theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, nhóm có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, người cao tuổi, trường hợp mắc các bệnh lý nền nên tiêm vaccine sớm.

Mới đây, Bộ Y tế đã đồng ý cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine Covid-19 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống dịch. Trước đó, ngày 17/2, WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine ngừa Covid-19 của công ty này. Hai loại này đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ và Hàn Quốc.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca (ChAdOx1 nCoV-19 hay AZD1222).

Ai nên tiêm phòng trước?

Trong tình thế nguồn cấp vaccine còn hạn chế, WHO khuyến cáo sản phẩm này nên ưu tiên cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, người lớn tuổi (bao gồm nhóm từ 65 tuổi trở lên).

Bên cạnh những nhóm ưu tiên trên, WHO khuyến khích những trường hợp mắc bệnh lý nền, nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 cao hoặc dễ gặp biến chứng nặng như người bị béo phì, tim mạch, hô hấp, tiểu đường nên tiêm vaccine của AstraZeneca.

Hiện tại, WHO cần những nghiên cứu sâu hơn với người nhiễm HIV hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến khích nhóm trên được tiêm chủng sau khi có tư vấn.

Những người từng mắc Covid-19 cũng có thể tiêm vaccine. Nhưng họ có thể trì hoãn để dành vaccine cho những trường hợp khẩn cấp hơn. Thời gian trì hoãn tối đa là 6 tháng kể từ thời điểm nhiễm SARS-CoV-2

Phụ nữ đang cho con bú nếu thuộc nhóm ưu tiên có thể tiêm vaccine. WHO không khuyến khích bà mẹ ngừng cho con bú sau khi tiêm.

nguoi khong nen tiem vaccine anh 1

WHO không khuyến khích người có tiền sử dị ứng nặng hoặc nhóm dưới 18 tuổi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: AP.

Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng không?

Mang thai khiến phụ nữ có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn. Tuy nhiên, rất ít dữ liệu để đánh giá tính an toàn của vaccine trong thai kỳ.

Do đó, WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai cân nhắc tiêm phòng nếu lợi ích của nó lớn hơn rủi ro tiềm ẩn mà vaccine có thể gây ra. Những bà bầu có nguy cơ bị phơi nhiễm virus cao (ví dụ nhân viên y tế mang thai) hoặc người có bệnh lý nền có thể được tiêm vaccine dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Ai không nên tiêm vaccine AstraZeneca?

Hiện tại, vaccine ChAdOx1 nCoV-19 đã được Cơ quan Dược phẩm châu ÂU (EMA) xem xét và đáp ứng các tiêu chí của WHO về an toàn. EMA đã đánh giá kỹ những dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine này, khuyến cáo sử dụng có điều kiện với những người từ 18 tuổi trở lên.

WHO khuyến cáo những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine không nên tiêm loại này. Vaccine của AstraZeneca không được khuyến cáo cho người dưới 18 tuổi. WHO đang chờ những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

nguoi khong nen tiem vaccine anh 2

Phụ nữ có thai nên cân nhắc và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Freepik.

Liều lượng tiêm

Theo tài liệu của WHO, người dân sẽ tiêm vào bắp tay, hai liều với thời gian giữa mỗi lần tiêm là từ 8 đến 12 tuần. Mỗi mũi tiêm có liều lượng là 0,5 ml.

Theo tài liệu của Bộ Y tế Việt Nam, vaccine ChAdOx1 nCoV-19 được điều chế dưới dạng dung dịch tiêm, được đóng gói thành 2 dạng. Một là loại 10 lọ một hộp, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5 ml. Loại thứ hai là loại 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều (0,5 ml/liều).

Vaccine của AstraZeneca có chống lại biến chủng virus mới không?

Nghiên cứu cho thấy vaccine ChAdOx1 nCoV-19 có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 là 63,09%. Thời gian giữa hai mũi tiêm (8-12 tuần) có liên quan hiệu quả của vaccine.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO đã xem xét tất cả dữ liệu hiện có về hiệu quả của vaccine nói trên với các biến chủng virus mới. Cơ quan này khuyến nghị sử dụng vaccine ChAdOx1 nCoV-19 theo tài liệu Lộ trình Ưu tiên mà WHO đã ban hành. Điều này áp dụng cả cho những biến chủng virus mới đặc thù ở một số quốc gia. Các nước nên đánh giá rủi ro và lợi ích liên quan tình hình dịch tễ.

Vắc xin có ngăn ngừa SARS-CoV-2 lây lan không?

WHO khẳng định không có dữ liệu nào cho thấy vaccine của AstraZeneca có tác động tới sự lây lan hoặc phát tán virus. Do đó, người dân phải duy trì và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay, tránh tụ tập và đảm bảo thông thoáng không khí…

Ngày 18/2, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ký quyết định cho phép Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vaccine Covid-19 AstraZeneca. Theo quyết định này, 204.000 liều vaccine trên sẽ về đến Việt Nam vào ngày 23/2.

Vaccine nhập khẩu được sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch, phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vaccine ngày 1/2 của Bộ trưởng Y tế.

Ước tính trong năm 2021, chúng ta cần 150 triệu liều vaccine để bảo đảm tiêm đủ cho toàn dân. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vaccine.

Về việc sử dụng, Việt Nam tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và các quy định pháp luật liên quan về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ưu tiên tiêm cho khu vực có dịch và nguy cơ cao.

Nguyên nhân khiến bệnh nhân Covid-19 trở thành người siêu lây nhiễm

Giới nghiên cứu từ lâu đã tìm hiểu và ghi nhận nhiều bệnh nhân siêu lây nhiễm. Hàng loạt F1, F2 tiếp xúc những trường hợp này sau đó trở thành F0.

Phát hiện đột biến có thể làm suy yếu biến chủng SARS-CoV-2

Đột biến này được tìm thấy trong 7 mẫu bệnh phẩm tại một viện dưỡng lão ở bang Nebraska, Mỹ.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm