Đại học dân lập đang định hình vai trò của mình trong nền giáo dục đại học của Việt Nam. Tuy vậy, nhiều yếu tố vẫn còn cản trở sự phát triển của các trường này.
Zing.vn có cuộc trao đổi với TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá Giáo dục Đại học, ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, xoay quanh những đóng góp và khó khăn mà các trường đại học dân lập đang gặp phải.
Thành kiến tiêu cực
- Đại học dân lập đóng góp như thế nào cho nền giáo dục đại học của Việt Nam?
- Đóng góp của các trường tư ở Việt Nam trước hết là giảm nhẹ gánh nặng ngân sách, mang lại thêm nguồn cung cho đào tạo đại học để chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho một nền kinh tế hội nhập. Nhưng không chỉ có thế, đóng góp quan trọng hơn của khu vực này là tạo ra sự đa dạng và năng động của hệ thống.
- Xã hội đã nhìn nhận đúng vai trò và sứ mệnh của các trường đại học tư?
- Xã hội đang có thành kiến tiêu cực với trường đại học tư. Công bằng mà nói những thành kiến đó không phải không có cơ sở. Vì thế, các trường tư phải nỗ lực để vượt qua định kiến đó và kết quả của họ chắc chắn sẽ được thị trường nhìn nhận, không sớm thì muộn.
Làm tốt là điều quan trọng nhất nhưng cũng phải nỗ lực để điều tốt đó lan tỏa trong hệ thống đại học và xã hội. Các trường cần phải xem thành công của sinh viên chính là thành công của mình. Đặt nền tảng trên cách nghĩ đó, nhà trường sẽ tự tìm ra cách để nâng cao chất lượng.
TS Phạm Thị Ly trăn trở với sự phát triển của các trường đại học dân lập. Ảnh: NVCC. |
- Các cơ sở giáo dục tư thục đang gặp phải không ít khó khăn, thưa bà?
- Các trường tư đang phân hóa mạnh mẽ. Những trường có tầm nhìn đang mở rộng đầu tư và hướng tới những mục tiêu dài hạn, sẽ vượt lên. Cần có chính sách sở hữu rõ ràng để khích lệ tầm nhìn dài hạn và tránh tranh chấp nội bộ.
Trước đây, các trường tư chủ yếu dựa vào lực lượng giảng viên và cán bộ từ trường công. Đó chỉ là giải pháp tạm thời. Những trường có tầm nhìn sẽ có chiến lược xây dựng nhân sự theo triết lý riêng của họ và sẽ không sao chép mô hình quản trị của trường công.
Đối với trường tư, chính sách của Nhà nước về tự chủ có ý nghĩa rất quan trọng. Tiếng là được tự chủ nhưng trong khuôn khổ của các quy định, thì vẫn bị trói buộc. Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận tầm quan trọng của quản lý Nhà nước, nhưng điều cần thiết nhất vẫn là xác định ranh giới những gì nên thuộc phạm vi nhà trường quyết định, những gì Nhà nước cần can thiệp, và can thiệp như thế nào để hài hòa lợi ích của các bên.
- Từng có nhiều ý kiến đòi hỏi sự công bằng giữa trường đại học công và tư. Theo TS, chúng ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Công bằng không có nghĩa áp dụng cùng một chính sách như nhau. Vì bản chất sở hữu của trường công và trường tư khác nhau, sứ mạng và trọng tâm của nó cũng phải khác nhau.
Nếu chuyển kinh phí cấp cho các trường công thành ra cấp trực tiếp cho người học để họ có thể lựa chọn trường, thì về cơ bản, vấn đề công bằng công - tư sẽ được giải quyết.
Thâu tóm đại học là dấu hiệu tốt
- Thực tế là các trường đại học dân lập có thể sẽ được mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng theo nhiều cách khác nhau. Vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đối với chính sự phát triển của các trường và đối với nền giáo dục đại học nói chung?
- Tôi thấy đó là chuyện bình thường và là dấu hiệu tốt cho thấy thị trường đang tự điều chỉnh. Việc mua bán sáp nhập này cho thấy rõ bản chất doanh nghiệp của các trường đại học tư Việt Nam, mà vì một số lý do, nhiều người không muốn nhìn nhận.
Những trường đại học tư của Việt Nam ra đời từ 1989 đến nay, có bối cảnh xã hội và đặc điểm rất khác với trường đại học tư ở Mỹ hay châu Âu. Vì thế, mọi sự so sánh không tính đến bối cảnh đó đều không hợp lý.
Khi nhìn nhận các trường đại học tư như những doanh nghiệp, việc mua bán sáp nhập có nghĩa là chuyển chủ sở hữu, thường là những trường yếu kém sẽ được/bị thu tóm bởi những tập đoàn mạnh về vốn và kinh nghiệm quản trị. Vì thế, hy vọng là họ sẽ vực dậy những trường kém. Như vậy không tốt hơn là để tồn tại những trường lay lắt, không tuyển sinh nổi, không có nguồn thu, không thể đảm bảo được chất lượng đào tạo hay sao?
Đã là doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh và tự do cạnh tranh nói chung là có lợi cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên, mặt trái của việc thâu tóm đó là thị trường giáo dục sẽ nằm trong tay một số ít người. Khi họ đã gần như độc quyền, về lý thuyết, người học sẽ có ít khả năng chọn lựa.
Tuy vậy, nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay, tôi thấy có ít khả năng xảy ra viễn cảnh đó trong tương lai gần. Đến nay, trường tư mới chỉ chiếm 19% số trường và 13,5% số sinh viên. Trường công vẫn đang là chủ đạo.
Thêm nữa, cùng với giáo dục trực tuyến và xuyên biên giới, người học đang có ngày càng nhiều cơ hội lựa chọn. Khi bằng cấp không còn là vật bảo chứng cho một chỗ làm tốt cả đời, các trường tư sẽ phải đầu tư thực sự cho chất lượng đào tạo, chứ không thể chỉ vận hành với chức năng cấp bằng là chính được nữa.
- Bà dự đoán sự phát triển của đại học dân lập như thế nào? Nếu phát triển tốt, vị trí của đại học dân lập trong hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ ra sao?
- Đại học tư ở Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong tương lai, ít nhất là vài thập kỷ tới, do đặc điểm của kinh tế và xã hội Việt Nam, và chủ trương của Nhà nước.
Câu hỏi đặt ra là nó sẽ phát triển theo chiều hướng như thế nào. Điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách. Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học đã đi theo hướng giảm nhẹ những kiểm soát đối với việc quản trị nội bộ của các trường. Đó là điều tốt nhưng nếu không đi cùng các quy định về minh bạch thông tin, điều đó có thể có những tác dụng tiêu cực, như đã thấy ở một số nước.
- Điều này đã được chứng minh ở các nước trên thế giới như thế nào?
- Có những trường tư ở Trung Quốc mà chương trình học thực sự chẳng hề giống chút gì với những thứ được quảng cáo. Ấn Độ từng phải đóng cửa cả trăm trường đại học tư do đào tạo kém chất lượng và hoạt động chẳng khác gì một cỗ máy bán bằng.
Dĩ nhiên cũng có những trường tư lừng danh thế giới như Harvard, Yale, Stanford... Vấn đề là chính sách đối với trường tư phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với bối cảnh xã hội.
Các trường tư xuất sắc ở Mỹ đều vận hành dựa trên nguồn vốn xã hội, tức là tài sản hiến tặng của doanh nhân và cựu sinh viên, các tổ chức xã hội, tôn giáo, quỹ phi lợi nhuận. Về bản chất, nó khác với những trường tư hình thành từ nguồn vốn tư nhân như ở Việt Nam.
Vì thế, cần khích lệ những trường tư ở Việt Nam đang đi đúng hướng, năng động trong việc đổi mới, gắn với nhu cầu thực sự của xã hội và tạo ra kết quả, giá trị gia tăng cho người học. Nhà nước nên tổ chức nghiên cứu nghiêm túc về những trường hợp này, để có những dữ liệu cần thiết cho việc thảo luận và xây dựng chính sách.