Mới đây, trong buổi họp giao ban công tác tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM đã giải đáp nhiều trường hợp khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp của các quận, huyện. Nhiều tình huống dở khóc dở cười trong công tác hộ tịch mà quận, huyện nêu ra đã được Sở giải đáp, tháo gỡ thỏa đáng.
Cấp giấy chứng tử khi không rõ chết ở đâu
Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh nêu khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền đăng ký khai tử đối với người chết trong chiến tranh (những năm 1960-1975) mà không xác định được nơi cư trú cuối cùng. Họ cũng không có giấy tờ chứng minh nơi chết thì việc đăng ký khai tử thuộc thẩm quyền của cơ quan nào.
Huyện Hóc Môn cũng bị vướng về việc này. Cụ thể là trường hợp bà Hoa (ở Hóc Môn) đến giờ vẫn chưa xác định được nơi cấp giấy chứng tử cho ông ngoại bà. Bởi lẽ bà chỉ biết là ông của bà mất năm 1970 nhưng không có giấy tờ chứng minh và cũng chưa tìm được mộ, bia để đăng ký khai tử. Vì thế mà hồ sơ hưởng thừa kế của bà bị tắc tị.
Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chết đã lâu, không rõ chết nơi nào… thì UBND cấp xã, phường rất khó để căn cứ vào đâu đặng cấp giấy chứng tử.
Theo Sở Tư pháp TP, trước đây Bộ Tư pháp có Công văn số 1727b ngày 27/12/2016 (trả lời Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế) liên quan đến việc này. Theo đó, để bảo đảm quyền được đăng ký khai tử và cấp trích lục khai tử, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (gọi tắt là Cục Hộ tịch) nhất trí về việc thực hiện đăng ký khai tử đối với trường hợp người chết được dựng bia, mộ hoặc có văn bản xác nhận của người làm chứng.
Như vậy, với các trường hợp trên, nếu có văn bản xác nhận của người làm chứng thì cơ quan hộ tịch sẽ thực hiện khai tử. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký hộ tịch cần kiểm tra, xác minh chặt chẽ, bảo đảm thông tin, việc làm chứng là đúng sự thật.
Không cấp giấy tình trạng hôn nhân cho người chết
Gia đình bà Mai (ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) kê khai di sản thừa kế nhà, đất tại văn phòng công chứng. Trong số những người thừa kế có một người đã chết (chưa vợ, con) nên văn phòng công chứng yêu cầu người thân làm bản tường trình cam kết về tình trạng hôn nhân của người chết thì mới công chứng hồ sơ kê khai di sản thừa kế.
Trường hợp này, UBND xã không chứng thực chữ ký trong bản cam kết được vì việc này không có trong quy định. Phòng Tư pháp huyện Hóc Môn gửi vướng mắc này đến Sở Tư pháp TP để xin ý kiến.
Sở Tư pháp cho rằng Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người chết. Đồng thời, căn cứ Điều 2 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp thì người có yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện yêu cầu cấp giấy này. Do đó, UBND cấp xã không tiếp nhận, giải quyết yêu cầu này, không thực hiện chứng thực chữ ký đối với bản tường trình cam kết về tình trạng hôn nhân của người đã chết.
Theo Công văn 843 ngày 26/5/2016 của Cục Hộ tịch thì các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng giao dịch nếu cần thiết thì xác minh về tình trạng hôn nhân của người đã chết, không được yêu cầu thêm giấy tờ, thủ tục không có trong quy định.
CMND hết hạn, không có giá trị sử dụng
Bà Nguyễn Thị Phướng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Củ Chi, phản ánh đối với người già, yếu không thể đi lại thì khi họ yêu cầu chứng thực chữ ký thì họ có thể sử dụng CMND đã hết hạn được không.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP, giải thích: Nghị định 23/2015 và Thông tư 20/2015 của Bộ Tư pháp quy định người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy CMND, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người thực hiện chứng thực kiểm tra. Đồng thời, tại Công văn số 435 của Cục Hộ tịch thì ngoài các loại giấy tờ trên, các giấy chứng minh khác hoặc thẻ ngành… không được sử dụng khi yêu cầu chứng thực.
Như vậy, trường hợp người yêu cầu chứng thực chữ ký mà chỉ xuất trình được giấy CMND đã hết hạn sử dụng thì UBND xã, thị trấn không thể làm thủ tục chứng thực chữ ký cho người dân.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Khai sinh hơn gấp 3 lần khai tử
Trong quý I/2017, số lượng hồ sơ giải quyết hộ tịch trong nước ở TP.HCM là 83.320 hồ sơ (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó đăng ký khai sinh: 20.223 trường hợp, đăng ký khai tử 6.487 trường hợp, kết hôn 9.191 trường hợp, thay đổi cải chính hộ tịch 1.116 trường hợp…
(Trích báo cáo của Sở Tư pháp TP.HCM)