Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xấu hổ do mắc căn bệnh khó nói

Bị trĩ nhưng ngại đi khám, một số người lựa chọn sống chung với bệnh trong thời gian dài. Số khác lại gặp biến chứng khi tìm đến các phòng khám tư không đảm bảo.

Ngại đi khám trĩ, nhiều người tự điều trị bệnh hoặc tìm đến những địa chỉ không uy tín dẫn đến biến chứng, tiền mất tật mang. Ảnh: Freepik.

"Hiện tại, bệnh của mình còn nhẹ nên mình không chữa và chỉ thay đổi lối sống. Khi nào nặng, mình mới đi khám", N.P.H. (24 tuổi, TP.HCM) chia sẻ với Zing.

H. phát hiện bị trĩ đã hơn 5 năm nhưng chưa một lần đi khám tại bệnh viện. Biết mình bị trĩ do di truyền và táo bón lâu ngày, H. tự trị bệnh bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và mua thuốc theo đơn bác sĩ kê cho người thân trong gia đình. Dần dà, tình trạng có dấu nhẹ hơn, cô quyết định xem nhẹ và sống chung với bệnh nhiều năm qua.

May mắn bệnh giảm, không may thì gặp biến chứng

H. cho hay bản thân không biết mình bị bệnh trĩ hồi 5 năm trước. Cô chỉ biết mình hay bị táo bón, thậm chí có lần kéo dài 2-3 ngày phải nhập viện. Tuy nhiên, chỉ đến khi về nhà và tâm sự với mẹ, cô mới biết mình bị trĩ.

"Mẹ bảo mình chỉ mới bị ở mức nhẹ nên mua thuốc theo đơn của bố để điều trị. Thời gian đó, mình còn điều trị theo các phương pháp dân gian như uống nước lá diếp cá, mủ trôm... Cho đến bây giờ, đã rất lâu không còn uống thuốc hay theo đuổi các phương pháp nói trên nhưng khi ngửi thấy mùi của chúng, mình vẫn còn thấy buồn nôn vì quá ám ảnh", H. kể.

Cô cho hay mình nhất quyết không đi khám một phần do bệnh còn nhẹ, tự điều trị được. Cô cũng chứng kiến người thân uống nhiều thuốc mà vẫn không khỏi. Quan trọng nhất là tâm lý xấu hổ.

Theo cô, nhiều người xem trĩ là căn bệnh tế nhị, khó nói khiến bệnh nhân muốn giấu thay vì đi chữa trị. H. vẫn chưa đi khám, cô cố gắng kiểm soát để bệnh không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.

Do lười vận động, H. chỉ chú trọng dinh dưỡng và điều chỉnh thói quen. Trong các bữa ăn hàng ngày, cô bổ sung nhiều rau và uống nhiều nước để hạn chế bị táo bón. Ngoài ra, cô cũng chú ý hơn trong việc lựa chọn giấy vệ sinh.

Tuy nhiên, cô vẫn lo lắng bệnh kéo dài sẽ gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng việc sinh nở.

hiem hoa ngai kham tri anh 1

Bổ sung nhiều rau vào bữa ăn để tránh táo bón. Ảnh minh họa: Tasty Kitchen.

Khác với H., chị L.M.A. (37 tuổi, TP.HCM) cũng bị trĩ ở mức độ nhẹ. Muốn kín đáo, chị đến một phòng khám tư sau khi tìm hiểu trên mạng. Tuy nhiên, phòng khám này lại là một địa chỉ không được cấp phép của Sở Y tế TP.HCM.

Tại phòng khám, chị A. được bác sĩ chẩn đoán bị trĩ, chỉ định phẫu thuật để chữa dứt điểm. Trong quá trình mổ, bác sĩ thông báo phát hiện thêm u. Do đó, họ yêu cầu người nhà ký giấy đồng ý mổ loại bỏ u.

Sau đó, chị bị nhiễm trùng, biến chứng và phải nhập viện tái phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Tổng thiệt hại cho ca phẫu thuật tại phòng khám là 70 triệu đồng.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Châu Hoàng Quốc Chương, Phó trưởng khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay đây là một trong rất nhiều trường hợp phổ biến ngại đi khám ở bệnh viện, bị phòng khám tư trị bệnh sai dẫn đến tiền mất tật mang.

Xấu hổ là tâm lý chung của nhiều người

Theo bác sĩ Chương, bệnh trĩ gặp ở mọi giới, ngành nghề, các độ tuổi. Bệnh gặp phổ biến ở độ tuổi lao động, từ 30 đến 50 tuổi. Trong độ tuổi này, nam giới thường xuyên có chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn nhiều đồ cay, nóng, trong khi phụ nữ phải trải qua nhiều lần sinh nở. Những điều này đều ảnh hưởng không tốt đến hậu môn.

Bác sĩ nhận định số bệnh nhân trĩ thăm khám tại khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y Dược có xu hướng gia tăng từ 2014 đến nay.

Mức độ bệnh có sự khác nhau ở một số đối tượng. Nhân viên văn phòng thường phát hiện bệnh sớm, đi khám khi đang ở mức nhẹ. Những người làm các công việc nặng khác lại thường đi khám khi bệnh đã trở nặng.

"Thậm chí, có những ca bị biến chứng, nhiễm trùng, búi trĩ sa ra ngoài mới được đi cấp cứu", bác sĩ Chương cho hay.

Ông cũng thông tin một tuần, đơn vị của mình phải xử lý 3-4 ca cấp cứu như trên.

Tuy nhiên, theo bác sĩ, tâm lý chung của nhiều người vẫn ngại đi khám trĩ. Thậm chí, một số người vì ngại đi khám mà tham khảo nhiều thông tin trên mạng, tự chẩn đoán và điều trị bệnh.

"Đa phần kiến thức tràn lan trên mạng đều không hoàn toàn chính xác. Nhiều người do tham khảo quá nhiều thông tin này đã có cách điều trị không đúng hoặc tìm đến những địa chỉ không chuyên hoặc thậm chí là lừa đảo. Cuối cùng, người bệnh sẽ tiền mất tật mang hoặc cảm thấy nản lòng vì điều trị không hiệu quả", ông cho biết.

Do vậy, bác sĩ Chương khuyến cáo mọi người khi thấy triệu chứng của bệnh trĩ cần đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán và điều trị bệnh một cách an toàn và hiệu quả.

Dấu hiệu cảnh báo của bệnh trĩ là đại tiện ra máu, máu đỏ tươi, không lẫn phân, nhỏ giọt, nặng hơn thì phun thành tia. Để lâu ngày nếu không chữa trị, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như sa nghẹt búi trĩ, huyết khối gây đau và nhiễm trùng.

Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ thăm khám hậu môn bằng ngón tay, soi hậu môn, nội soi hoặc chụp hình trĩ khi rặn đại tiện. Vì vậy, người bệnh cần mặc trang phục thích hợp, giữ chế độ ăn uống bình thường và có thể đưa thêm người thân đi cùng.

Bạn có hiểu đúng về thảo dược

Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.

Ngồi nhiều là nguyên nhân gây bệnh trĩ?

Ngồi nhiều là một trong những nguy cơ gây ra bệnh trĩ bên cạnh các yếu tố khác như thường xuyên uống bia rượu, ăn đồ cay nóng, ít vận động hay táo bón kéo dài.

Bích Huệ - Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm