Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe đạp lên ngôi, hàng cao cấp giá tới trăm triệu đồng

Khi nhu cầu tập luyện thể thao trở thành xu hướng, thị trường xe đạp tại Việt Nam cũng trở nên sôi động hơn với giá xe có thể lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Xe đạp đã không còn là phương tiện bình dân khi giá bán có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Ảnh: Phúc Hậu.

Chị Diệu Lan (TP.HCM) tranh thủ dịp cuối tuần để ghé qua cửa hàng xe đạp trong trung tâm thương mại ở quận Tân Phú, với mong muốn tìm kiếm một chiếc xe đạp phục vụ hoạt động hàng ngày cũng như tập luyện thể thao.

Xe đạp đắt ngang SH 350i

Tuy vậy khi đến cửa hàng, chị bắt đầu cảm thấy hoa mắt và bối rối trước lượng xe quá nhiều, cũng như phổ giá trải khá dài.

“Nhân viên tư vấn cho biết tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, muốn giá nào cũng có”, chị Lan cho biết.

Quan sát quanh cửa hàng, phóng viên nhận thấy số lượng xe trưng bày khá lớn, đa dạng cả về mẫu mã, chủng loại lẫn giá cả.

xe dap gia cao anh 1

Cửa hàng xe đạp có rất nhiều lựa chọn về thương hiệu, kiểu dáng cũng như giá bán. Ảnh: Phúc Hậu.

“Có thể phân loại xe đạp thành các nhóm cơ bản, bao gồm xe đạp thể thao, xe đạp đường phố, xe đạp gấp và xe đạp trẻ em”, nhân viên tư vấn cho biết.

Trong nhóm này, xe đạp thể thao phục vụ thi đấu 3 môn phối hợp (triathlon) và bộ môn đua xe đạp là những mẫu có mức giá cao nhất.

Theo ghi nhận của Zing, một chiếc xe đạp đua đang trưng bày tại cửa hàng này có giá bán lên đến 38,1 triệu đồng. Nhân viên cho biết giá này đã bao gồm tất cả phụ kiện được gắn sẵn như cặp tay lắc, cùi đề hay bàn đạp.

xe dap gia cao anh 2

Xe đạp thể thao thường có giá rất cao. Ảnh: Phúc Hậu.

Nhiều mẫu xe đạp thể thao lại có giá bán khá cao, lên đến cả trăm triệu đồng. Cụ thể, một chiếc xe đạp thuộc loại cao cấp của hãng có giá bán ngang ngửa với Honda SH 350i đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

xe dap gia cao anh 3

Chiếc xe đạp thể thao có giá ngang với SH 350i.

Các xe đạp cao cấp này thường sở hữu thiết kế khí động học, với chất liệu khung từ carbon nhằm giảm thiểu trọng lượng xe, tăng khả năng di chuyển và sự thoải mái của người điều khiển.

Ghi nhận tại một chuỗi kinh doanh khác, dòng xe đạp đường phố có giá dễ tiếp cận hơn với phổ giá trải khá dài, dao động trong khoảng từ 2,1 triệu đồng đến cao nhất 8,5 triệu đồng.

“Nhu cầu với dòng xe đạp này khá cao vì phù hợp với nhu cầu sử dụng hàng ngày của phần đông khách hàng, giá lại dễ tiếp cận hơn nhóm xe đạp thể thao”, nhân viên bán hàng chia sẻ.

Ngoài ra nhóm xe đạp gấp với khả năng thu gọn không gian cũng rất được lòng người tiêu dùng. Đối tượng tìm mua xe đạp gấp thường là những người ở chung cư, hoặc gia đình hay đi picnic bằng ôtô dựa trên lợi điểm không gian của dòng xe này.

“Không phải chỉ có trẻ em mới thích xe đạp gấp, mà nhiều người lớn cũng thích đi vì sự thú vị”, nhân viên tiết lộ.

Phụ kiện xe đạp không rẻ

Ngoài chi phí mua xe đạp, nhiều người còn sẵn sàng chi thêm tiền để bổ sung các phụ kiện liên quan.

“Mũ bảo hiểm cũng khá quan trọng khi sử dụng xe đạp. Ví dụ khi tôi thi đấu ba môn phối hợp, tốc độ đạp xe có thể lên đến gần 30 km/h, tương đương với một chiếc xe máy. Do vậy tôi cho rằng để đổi lấy sự an toàn của bản thân thì bấy nhiêu tiền cũng rất xứng đáng”, anh Thái Trung (TP.HCM) lý giải nguyên nhân bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua mũ bảo hiểm.

xe dap gia cao anh 4

Anh Thái Trung trong một cuộc thi ba môn phối hợp. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra anh cho biết vì không phải lúc nào cũng có thể tập luyện ngoài đường, anh phải mua thêm thiết bị hỗ trợ đạp xe trong nhà, với chi phí lên đến cả chục triệu đồng tùy thương hiệu và nhu cầu của người sử dụng.

Bên cạnh đó, anh Trung còn phải mua đồng hồ GPS theo dõi hoạt động và thể chất, bình nước gắn theo xe, kính, găng tay cùng quần áo chuyên dụng để phục vụ cho hoạt động tập luyện và thi đấu của mình.

“Tính ra muốn tham gia bộ môn này thì ngoài đam mê cũng còn phải mạnh về tài chính nữa”, anh Thái Trung vui vẻ cho biết.

Thời xe đạp lên ngôi

Tại một cửa hàng tại quận Tân Phú (TP.HCM), chị Thanh Hiền cùng con trai đang tham quan, tìm hiểu các dòng xe đạp phục vụ cho hoạt động thể chất.

Chị cho biết mua xe đạp để con trai có thể tập thể dục ở công viên gần nhà, cũng như tạo cơ hội để con hòa nhập với bạn bè trong xóm.

“Trong xóm tôi, đứa trẻ nào cũng đã được cha mẹ mua cho xe đạp”, chị Thanh Hiền tiết lộ.

Sau một hồi tham khảo và được tư vấn, chị Hiền quyết định mua cho con trai một mẫu xe đạp thể thao cỡ nhỏ với giá 3,8 triệu đồng.

xe dap gia cao anh 5

Phụ kiện cho người chơi xe đạp cũng khá đắt đỏ. Ảnh: Phúc Hậu.

Trong khi đó chị Hồng Nhi (TP.HCM) thì cho biết đang tìm kiếm một mẫu xe đạp gấp gọn để tập luyện buổi sáng.

“Vì ở nhà chung cư, tôi muốn mua xe đạp gấp gọn để tiện mang vác khi di chuyển trong thang máy. Loại xe đạp này cũng tiết kiệm không gian khi cất giữ trong nhà”, chị Hồng Nhi chia sẻ.

Chị Nhi cho hay ngày xưa khi ở quê thường xuyên đạp xe đi học với quãng đường hàng chục km. Tuy nhiên chị nhận định đường sá Việt Nam vẫn chưa tối ưu nhất cho hoạt động xe đạp nên cứ chần chừ mãi chưa muốn mua xe.

Mới đây khi tìm thấy một nhóm rủ rê tập xe đạp cùng nhau thông qua mạng xã hội, chị mới quyết định mua xe để tập cùng.

“Thức dậy sớm rồi đi tập chung cũng vui hơn. Họ cũng đã tập nhiều, có kinh nghiệm nên cũng biết rõ cung đường nào an toàn cho xe đạp”, chị Hồng Nhi hào hứng chia sẻ.

xe dap gia cao anh 6

Xe đạp gấp gọn cũng rất được ưa chuộng nhờ lợi điểm về không gian lưu trữ. Ảnh: Phúc Hậu.

Trong khi đó, anh Thành Phúc (Nhà Bè, TP.HCM) cho biết đã chọn xe đạp làm phương án di chuyển kể từ tháng 7, thời điểm giá xăng lập đỉnh.

“Nhà chỉ cách chỗ làm khoảng 5 km nên tôi đã chuyển hẳn sang di chuyển bằng xe đạp. Vừa tiết kiệm tiền xăng, vừa cải thiện sức khỏe nhờ được vận động mỗi ngày”, anh Thành Phúc vui vẻ kể với Zing.

Đến khi giá xăng ổn định trở lại trong những tuần gần đây, anh Phúc cho biết vẫn chưa có ý định từ bỏ xe đạp vì vốn dĩ đã quen với việc đạp xe đến chỗ làm cũng như di chuyển trong khu vực gần nhà.

“Chỉ khi cần phải đi đâu đó với quãng đường trên 10 km, tôi mới nghĩ đến phương án xe máy”, anh Thành Phúc tiết lộ.

Những thiên đường cho xe đạp

Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động đạp xe, trong đó có việc xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp.

10 thành phố tốt nhất cho người đi xe đạp

Hoạt động đạp xe đang ngày càng phổ biến và được nhiều nước trên thế giới ủng hộ.

Phúc Hậu

Bạn có thể quan tâm