Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe há cảo, súp cua đắt hàng của 2 chị em cụ bà ở TP.HCM

Hơn 20 năm nay, chị em bà Hoa, bà Nguyệt mưu sinh bằng hàng há cảo, xíu mại và súp cua nhỏ ở quận 5. Dù tuổi cao, hai bà vẫn cố gắng bán hàng đều đặn.

Hơn 16h, hàng há cảo, xíu mại, súp cua của bà Nguyệt (76 tuổi) bắt đầu mở hàng và dần đông khách. Xe bán đồ ăn của bà cùng chị gái tên Hoa (82 tuổi) đã trở nên quen thuộc với những người thường đi qua đường Trần Phú (quận 5) nhiều năm nay.

Hôm nay bà Nguyệt một mình đẩy chiếc xe hàng từ tầng 3 khu tập thể ra đây vì chị gái trở cơn đau lưng nặng.

"Làm cái này cũng cực lắm chứ, nhưng mình nhờ vào nó, phải bán mới có tiền trang trải cuộc sống. Vì chị em tôi đều tuổi cao, sức yếu cả rồi, lại không có con cái nuôi", bà Nguyệt vừa luôn tay bán hàng, vừa thoải mái trò chuyện với Zing.

xe ha cao hai cu ba anh 1

Bà Nguyệt và chị gái hơn 80 tuổi nương tựa vào nhau, mưu sinh bằng xe há cảo, xíu mại và súp cua nhỏ ở quận 5.

Khách tự lấy đồ ăn, tự tính tiền

Giờ tan tầm, xe cộ đông đúc hơn trong con hẻm nhỏ. Dù có khoảng 4 chiếc bàn để khách ngồi lại, đa số người ghé hàng của bà Nguyệt chọn mua mang về.

Khách đông, lại chỉ có một mình nên bà làm luôn tay. Bà vừa múc đồ ăn, vừa dọn bàn, chốc chốc thêm than vào lò hay bỏ thêm há cảo vào hấp. Từ xế chiều tới tối, ít có phút nào bà được ngơi nghỉ.

Lúc nhiều khách tới, bà có chút bối rối, phải hỏi đi hỏi lại kỹ xem họ gọi món gì. Có lúc mải bán cho khách mang về đang đứng trước mặt, bà quên khách đang ngồi đợi món sau lưng. Thế nhưng nhiều khách đã quen, không bực bội mà chỉ đi ra nhắc lại để bà Nguyệt nhớ.

Đôi tay bà run run khi múc từng muôi nước chấm, lựa mớ rau. Lưng đã còng, bà Nguyệt cúi xuống chầm chậm khi lấy bát súp cua hay thêm than vào bếp.

Nhiều khách đã ăn ở đây nhiều lần, vừa tới nơi sẽ chủ động lấy bát đĩa, gắp đồ ăn, lấy rau, thêm ớt. Có người ăn xong còn dọn luôn bát đũa trên bàn mình để cụ bà đỡ mệt.

Biết giá cả từng món nên họ tự tính tiền. Mỗi viên há cảo, xíu mại có giá 3.500 đồng, một bát súp cua bà bán 20.000 đồng.

"Tôi hay dậy thật sớm, ra chợ mua nguyên liệu rồi về làm. Già rồi, chẳng cần báo thức, cứ giật mình khi nào thì bật dậy lúc đó chứ chẳng ngủ lại được nữa. Tôi cũng không đếm được mỗi ngày làm được bao nhiêu viên há cảo, chị em cứ ngồi vắt cho tới khi mệt quá, không vắt được nữa thì dừng thôi", bà kể với Zing.

Những hôm đắt khách, bà Nguyệt vui vì được về sớm một chút. Nhưng ngày thường, phải tới 22h hai chị em bà mới bán hết hàng, dọn dẹp xong cũng đã gần nửa đêm.

"Lắm hôm bán xong rồi chỉ muốn ngồi lại đây luôn chứ không còn sức để đẩy xe về nhà nữa. Nhưng may mắn được khách thương, nên chị em tôi vẫn bám trụ, lo được bữa ăn từng ngày".

'Còn khỏe ngày nào là tôi còn bán'

Chị Lê Thanh, một khách của hàng há cảo, kể thường ghé mua mỗi chiều đi làm về.

"Tôi thích há cảo, xíu mại của hai cụ làm. Xíu mại có phần ngon hơn, nhân bên trong là tôm và thịt xá xíu thơm, ngọt, bùi, vỏ mỏng và giòn. Tôi thích ăn nhiều ớt nên mỗi khi các bà lấy nước chấm, tôi tự lấy để bỏ thêm vào. Súp cua thanh thanh, nhiều cua và đậm vị ngọt".

"Tôi cũng hay hỏi thăm, có hôm bà chị ốm ở nhà, hôm bà em không tới được. Hai bà đều dễ thương và nhiệt tình lắm, với khách nào cũng nói cảm ơn khi họ ghé mua hàng. Tôi thỉnh thoảng đưa con gái tới đây ăn, giới thiệu luôn cho đồng nghiệp", chị Thanh bộc bạch ấn tượng bởi sự niềm nở của hai chị em bà Nguyệt.

Gần 18h, Kỳ Minh (food vlogger) cùng bạn của mình ghé thăm, phụ giúp bà Nguyệt. Cô kể quen bà cách đây 4 tháng khi có lần tới review món ăn ở đây, rồi thường xuyên tới chơi vì thương hai bà.

"Hai ngoại nhiệt tình, niềm nở lắm. Biết được hoàn cảnh của hai cụ lớn tuổi vẫn phải vất vả mưu sinh, nhóm mình rất thương. Thỉnh thoảng có thời gian, mình tới nói chuyện rồi phụ hai ngoại bán hàng, dọn dẹp".

Kỳ Minh nói cô không chỉ thích đồ ăn mà còn mến bởi sự dễ thương, chất phác của hai bà. "Dù khách đông hay mệt, hai ngoại không bao giờ cáu gắt".

Cách đây khoảng 20 năm, chị em bà Nguyệt đẩy xe há cảo bán ở chợ Hòa Bình (phường 5, quận 5). Mấy năm nay, hai bà chuyển sang bán ở đây để thuận đường.

"Tôi chẳng mong muốn gì hơn là được mọi người ủng hộ, ghé mua hàng nhiều. Chị em tôi già rồi, cũng không có con cháu gì, chỉ nương tựa vào nhau, vào xe hàng này. Mỗi ngày, còn có sức khỏe, được nhìn thấy người kia cũng khỏe mạnh là hạnh phúc nhất", bà Nguyệt nói.

Hành trình từ yêu đến cưới của Bùi Tiến Dũng và vợ

Từ khi công khai hẹn hò, chuyện tình của Bùi Tiến Dũng và Khánh Linh được nhiều người chú ý. Đôi trẻ tổ chức lễ ăn hỏi vào năm 2019 và có con gái đầu lòng sau đó không lâu.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm