Trong ngày 22/1 ở TP.HCM, hai vụ tai nạn khác nhau xảy ra với cùng một kịch bản: 2 chiếc xe hơi (một Honda CR-V và một Lexus RX) va chạm vào dải phân cách, dẫn đến gãy càng, rụng bánh trước trong khi phần đầu xe không hư hại quá nhiều.
Hai vụ tai nạn dấy lên hoài nghi về chất lượng cũng như độ an toàn của các mẫu xe hơi khi dễ dàng "rụng bánh". Vụ việc được mang ra bàn luận trên các diễn đàn xe ở Việt Nam.
Xe Honda CR-V đâm dải phân cách và rụng bánh trước bên trái. Ảnh: A.H. |
Không thể kết luận do chất lượng xe
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia xe hơi Sơn Nguyễn, người có nhiều kinh nghiệm lái xe, tham gia nhiều giải offroad và đua xe cho biết, không thể kết luận việc một chiếc xe hơi bị va chạm dẫn tới gãy càng, rụng bánh là do chất lượng thấp. Theo chuyên gia này, ở một số góc va chạm trực tiếp với phần bánh trước, đặc biệt khi xe đang đánh lái, chiếc xe dễ bị gãy trục trước.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Anh - HLV lái xe toàn cầu - nhận định, việc gãy trục trước hay rụng bánh có thể xuất phát từ góc va chạm. Khi đánh lái, càng chữ A trục trước yếu đi nên với lực đâm mạnh cho thể khiến bánh rơi ra.
Nói về kết cấu hệ thống bánh xe phía trước, chuyên gia Sơn Nguyễn cho biết, bánh trước trên xe hơi được định vị vào khung xe bởi các chi tiết của hệ thống treo, bao gồm thanh dẫn hướng, lò xo và hệ thống giảm chấn. Về cơ bản, hệ thống này được thiết kế đủ vững chắc nhằm mục đích sự dụng cho nhiều cấu hình xe khác nhau, và không dễ bị gãy hay rụng ở điều kiện sử dụng thông thường.
Theo chuyên gia này, ngay cả trong điều kiện vận hành hiệu suất cao trên đường đua, những mẫu xe thương mại cũng gần như không thể rụng bánh hay gãy càng nếu không xảy ra va chạm.
Va chạm ở góc 'hiểm' dễ khiến xe gãy càng trước
Dù rất khó hư hỏng khi vận hành, nhưng hệ thống càng trước lại khá mong manh khi xảy ra va chạm ở một số góc đặc biệt, khi mà phần đầu xe không thể che chắn cho hệ thống treo phía trước. Một va chạm từ bên hông khi bánh xe đang ở góc lệch sẽ khiến bộ phận này bị bẻ ngược và có khả năng gãy rời.
Chuyên gia Sơn Nguyễn cho biết thêm, hệ thống treo trước vừa làm nhiệm vụ giảm chấn, đánh lái, chịu trách nhiệm cho cảm giác lái của xe, nên các nhà sản xuất xe hơi thường hướng tới tối ưu các nhiệm vụ trên.
Nếu thiết kế để không hư hỏng trước các va chạm hy hữu (có thể sử dụng vật liệu cứng hơn, nặng hơn, kết cấu đặc biệt), chiếc xe sẽ phải hy sinh cảm giác lái cũng như khả năng vận hành. Trên thực tế, trên thị trường cũng có một số mẫu xe đặc thù (Heavy Duty) được gia cố mạnh mẽ ở hệ thống treo trước.
Một chiếc xe Mazda cũng gãy trục bánh trước sau va chạm. Ảnh: tinxe. |
Chuyên gia Lê Anh đưa ra lời khuyên để các tài xế có thể tránh được các va chạm ở vị trí yếu có thể gây gãy càng xe.
Theo chuyên gia Lê Anh, đa phần người Việt lái xe, khi gặp tình huống nguy hiểm không dám hoặc không thể đạp phanh hết mức, có thể do phản xạ lái chưa tốt hay chỉnh ghế lái sai tư thế trước khi khởi hành, dẫn tới việc đạp phanh không hiệu quả.
Khi đạp phanh hết mức, chiếc xe sẽ kích hoạt hệ thống an toàn như ESP và ABS, người lái vẫn có thể đánh lái và không sợ lật xe, đồng thời khoảng cách phanh cũng được rút ngắn. Việc đạp phanh tối đa sẽ giảm lực va chạm, trong khi đánh lái một cách chủ động sẽ giảm thương vong và thiệt hại cho người và phương tiện.
"Nên giữ khoảng cách và tốc độ an toàn, trước tiên là giữ khoảng cách với xe trước, sau đó là với dải phân cách, vì phòng ngừa là hiệu quả nhất." - Chuyên gia Lê Anh chia sẻ.