Vấn đề cháy trên các mẫu xe sử dụng động cơ Theta II đang khiến Hyundai và Kia gặp rắc rối lớn. Nguyên nhân ban đầu được các chuyên gia nhận định là do lỗi trong quá trình triệu hồi và thay thế động cơ Theta II. Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở đó, riêng tại Mỹ, có 300 trường hợp cháy xe không do lỗi va chạm, và không phải tất cả đều nằm trong diện triệu hồi, chỉ có điểm chung là cùng sử dụng động cơ Theta II.
Sai sót ở khâu triệu hồi khiến nhiều xe cháy
Tháng 9/2015, Hyundai triệu hồi 470.000 mẫu xe Sonata tại Mỹ sử dụng động cơ Theta II, với lý do do vụn rác trong quá trình sản xuất có thể chặn dòng dầu chảy vào vòng bi, khiến vòng vi có nguy cơ bị vỡ. Các chuyên gia nhận định, có thể do chế tạo trục cơ của động cơ này không tốt, gây ra hiện tượng bạc biên, tạo ra mạt sắt bịt đường dầu bôi trơn.
Động cơ Theta II được cho là nguyên nhân gây cháy trên nhiều mẫu xe Hyundai-Kia. Ảnh: carcomplaints.com |
Tháng 3/2017, Hyundai triệu hồi 572.000 chiếc Sonata và Santa Fe Sport tại Mỹ cũng do lỗi động cơ Theta II. Cùng đợt đó, Kia cũng triệu hồi 618.000 chiếc Optima, Sorento và Sportage, tất cả đều sử dụng chung động cơ Theta II. Việc triệu hồi xe cũng được tiến hành ở Canada và Hàn Quốc.
Tháng 10/2018, Trung tâm An toàn Xe hơi Mỹ đã kêu gọi Hyundai và Kia triệu hồi gần 3 triệu xe crossover và sedan vì nguy cơ cháy. Vấn đề mới xuất hiện, khi có nhiều hơn các mẫu xe Hyundai và Kia bốc cháy bất ngờ không do va chạm.
Tháng 1/2019, Hyundai và Kia đã thông báo một đợt triệu hồi tại Mỹ dành cho 168.000 chiếc xe có nguy cơ cháy do rò rỉ nhiên liệu. Đồng thời, hai nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc sẽ tiến hành nâng cấp phần mềm cho 3,7 triệu xe không trong diện triệu hồi tại Mỹ.
Các chuyên gia ôtô đã trao đổi với trang ABC Action News rằng nguyên nhân của hàng trăm vụ cháy xe Hyundai-Kia có thể bắt nguồn từ quá trình khắc phục lỗi của động cơ trong các đợt triệu hồi trước. Trong quá trình thu hồi và thay động cơ Theta II, bơm nhiên liệu có thể bị rò rỉ và dẫn đến hỏa hoạn.
Cụ thể, đó là trường hợp vụ cháy chiếc Kia Sorento đời 2013 của Daniel Adams vào tháng 8/2018. Trước khi xảy ra vụ cháy, chiếc Sorento của Adams nằm trong đợt triệu hồi gần 1,2 triệu chiếc xe của liên minh Hyundai- Kia. Chỉ một tuần sau, chiếc Sorento 2013 bùng cháy trên đường cao tốc Polk County. Adams cùng vợ và con trai 13 tháng tuổi suýt mất mạng nếu không phá cửa thoát ra kịp thời.
Chuyên gia về hỏa hoạn Rich Meier tin rằng bơm nhiên liệu trên các động cơ này đã bị rò rỉ và sẽ phát lửa khi gặp điều kiện thích hợp. Ảnh: The Michael Brady Lynch Firm. |
Chuyên gia về hỏa hoạn Rich Meier tin rằng bơm nhiên liệu trên các động cơ này đã bị rò rỉ và sẽ phát lửa khi gặp điều kiện thích hợp. Meier đã đưa ra ý kiến này sau khi xem các video được gởi đến ABC Action News bởi một người ở Bắc Carolina và một ở Louisiana. Các video này cho thấy nhiên liệu phun ra từ bơm nhiên liệu chỉ một tuần sau khi động cơ được thay thế.
Sam Pertuit ở bang Louisiana đã quay video nhiên liệu bị rò rỉ và phun lên bộ phận đánh lửa trên chiếc Kia Optima 2014 chỉ vài tuần sau đợt triệu hồi của Kia. Sam cho biết ông cảm thấy rất bất an mỗi lần cả gia đình phải bước vào chiếc xe, dù đã được triệu hồi. Jerry Tucker ở Bắc Carolina cũng đã phát hiện ra chiếc Kia Sorento 2014 bị rò rỉ xăng từ bơm nhiên liệu ngay sau khi được Kia thay thế động cơ.
Nghi vấn do lỗi thiết kế động cơ
Bên cạnh nhiều chiếc xe của Hyundai và Kia sử dụng động cơ Theta II có nguy cơ cháy sau khi trải qua các đợt triệu hồi, nhiều mẫu xe không qua triệu hồi nhưng vẫn có khả năng cháy bất ngờ mà không xảy ra va chạm. Đây là vấn đề lớn đang đẩy khủng hoảng của hai hãng xe Hàn Quốc đi xa hơn.
Cụm bơm xăng cao áp được đặt ngay phía trên đỉnh động cơ. Ảnh: Hyundai. |
Ngày 18/3, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của bang Connecticut yêu cầu NHTSA phát động cuộc điều tra an toàn với các mẫu xe Hyundai và Kia sử dụng động cơ Theta II, đồng thời phải triệu hồi “ngay lập tức” các mẫu xe này. Tổng chưởng lý William Tong của bang Connecticut tiết lộ, nhiều mẫu xe bị cháy nhưng trước đó lại không nằm trong diện triệu hồi. Ông Tong cho biết đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng.
Nhiều kỹ sư và chuyên gia đã vào cuộc mổ xẻ thiết kế của động cơ Theta II để tìm ra nguyên nhân gây cháy.
Theta II là loại động cơ phun xăng trực tiếp (GDI) được Hyundai trực tiếp phát triển. Động cơ phun nhiên liệu trực tiếp truyền thống thường phun nhiên liệu đầu vào ở áp suất thấp. Động cơ GDI làm ngược lại, dòng nhiên liệu được phun trực tiếp vào buồng đốt của xy-lanh ở áp suất cao. Điều này giúp động cơ GDI kiểm soát được chính xác thời gian phun nhiên liệu cũng như lượng nhiên liệu.
Trong trường hợp bộ phận bơm xăng cao áp này rò rỉ nhiên liệu, xăng sẽ ngay lập tức tiếp xúc với tia lửa từ hệ thống dây cao áp nằm sát bên, và gây cháy xe nhanh chóng. Ảnh: Hyundai. |
So với động cơ phun nhiên liệu trực tiếp kiểu truyền thống, động cơ GDI cho nhiều lợi ích hơn. Đầu tiên, GDI có thể sản sinh công suất mạnh hơn với dung tích động cơ nhỏ hơn, qua đó tiết kiệm nhiên liệu hơn và sản sinh ít khí thải hơn.
Tuy nhiên, động cơ GDI là một con dao hai lưỡi. Bên cạnh lợi ích, động cơ GDI cũng sản sinh cặn carbon nhiều hơn, chúng tích tụ và làm tắc đầu vào, hạn chế luồng khí vào xy-lanh. Qua đó, xe bị mất mô-men xoắn và không còn tiết kiệm nhiên liệu như ban đầu.
Bộ phận bơm xăng cao áp được cho là dễ rỏ rỉ nhiên liệu hơn hệ thống bơm xăng điện tử thông thường. Ảnh: abcactionnews. |
Một số chuyên viên điều tra độc lập cho biết, nghi vấn lớn nhất là do rò rỉ nhiên liệu từ cụm bơm xăng cao áp được đặt ở phía bên trên động cơ. Theo các chuyên gia, bơm xăng áp suất cao đặt bên trên động cơ là vị trí không phù hợp. Trong trường hợp bộ phận bơm xăng cao áp này rò rỉ nhiên liệu, xăng sẽ ngay lập tức tiếp xúc với tia lửa từ hệ thống dây cao áp nằm sát bên, và gây cháy xe nhanh chóng.
Bob Noriega - thợ máy có chứng chỉ của Hyundai-Kia cho biết, xăng có thể lan đến các chi tiết máy đang hoạt động, với nhiệt độ lên đến 650 độ C. Nhiệt độ tự bốc cháy của xăng chỉ là 245 độ C.
Các chuyên gia không loại trừ khả năng dù không gặp lỗi trong quá trình triệu hồi và thay thế động cơ, bộ phận bơm tăng áp này cũng có nguy cơ rò rỉ nhiên liệu và chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy trên xe Hyundai-Kia.
Không triệu hồi tại Việt Nam?
Trong khi đó, trả lời Zing.vn, Hyundai Thành Công cho biết, những động cơ được lắp ráp tại Việt Nam hiện không nằm trong diện triệu hồi của Hyundai. Đối với động cơ Theta II, hiện tại, Hyundai Thành Công đang phân phối Hyundai SantaFe 2019 phiên bản máy xăng là động cơ 2.4L Theta II GDI.
Trước đây, Hyundai Thành Công có phân phối Santa Fe và Sonata nhập khẩu từ Hàn Quốc, sử dụng động cơ Theta II. Hiện nay, Sonata đã ngưng kinh doanh, còn Santa Fe được chuyển về sản xuất tại Việt Nam thay vì nhập khẩu. Tại Hàn Quốc, đã từng có đợt triệu hồi xe liên quan đến động cơ Theta II vào năm 2017.
Thaco, đơn vị sản xuất và phân phối xe Kia tại Việt Nam vẫn chưa đưa ra thông báo nào liên quan tới vụ việc trên. Hiện tại, Kia Sorento và Kia Optima đang bán trên thị trường có sử dụng động cơ Theta II.