Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe Trung Quốc tại Việt Nam - đông nhưng không dễ sống

Tưởng chừng với sự trở lại ồ ạt và bài bản hơn, các thương hiệu ôtô Trung Quốc sẽ có khởi đầu mới tốt đẹp tại thị trường Việt nhưng có vẻ thực tế lại chưa "màu hồng" đến thế.

Trong 2 năm gần đây, hàng loạt thương hiệu ôtô Trung Quốc gia nhập thị trường Việt. Khác với trước, những ông lớn từ đất nước tỷ dân như Geely, Chery, BYD hay SAIC xuất hiện với phong thái khác, chỉn chu hơn, nghiêm túc hơn và cũng mang nhiều quyết tâm cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, có lẽ những nỗ lực trên vẫn chưa đủ để những hãng xe Trung Quốc có thể lập tức thu hút được khách hàng Việt.

Quá nhiều đối thủ mạnh

Dễ thấy nhất là nhóm SUV cỡ B khi chỉ trong vòng chưa đầy một năm, phân khúc này đã chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt cái tên như Omoda C5, Geely Coolray, Lynk & Co 06 hay Haval Jolion.

Dù được xem là "vũ khí chiến lược" trong lần tấn công tiếp theo vào thị trường Việt, thực tế những cái tên này vẫn khó để có thể cạnh tranh với Toyota Yaris Cross hay Mitsubishi Xforce. Nếu để so sánh, những mẫu xe này chỉ có thể đặt lên bàn cân cùng nhau chứ gần như không có khả năng đứng cạnh những cái tên bán chạy từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Xe Trung Quoc anh 1

Omoda C5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Ở nhóm crossover tầm giá một tỷ đồng, BYD Atto 3 hay Jaecoo J7, BYD Sealion 6 cũng được các hãng kỳ vọng sẽ gây được tiếng vang.

Tuy nhiên, sự thật có thể thấy nơi đây vẫn chỉ đang là cuộc chơi riêng của Hyundai Tucson, Ford Territory hay Mazda CX-5. Còn nếu trông đợi vào một hệ truyền động mới mẻ, người dùng Việt vẫn chọn Toyota Corolla Cross hybrid hay HR-V HEV.

MG G50 hay BYD M6 được mang đến phân khúc MPV phổ thông, nhắm đến nhóm khách hàng dịch vụ. Tuy nhiên, đây hiện vẫn là địa bàn của Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz Cross. Dù sở hữu mức giá tốt, G50 hay M6 vẫn sẽ khó để cạnh tranh lại 2 cái tên này. Ngay khi VinFast giới thiệu Limo Green, tương lai của 2 cái tên Trung Quốc lại ngày càng thu hẹp.

Xe Trung Quoc anh 2

GAC M6 Pro. Ảnh: Phúc Hậu.

Nhóm xe gầm thấp tầm giá một tỷ gần đây đã không còn ăn khách như trước, tưởng chừng đây sẽ là cơ hội cho BYD Seal hay GAC Aion ES nhưng Toyota Camry vẫn trụ vững. Đương nhiên ngay cả khi "vua sedan D" thất thế, 2 cái tên mới từ đất nước tỷ dân vẫn khó để vượt qua Mazda6 hay Kia K3, K5.

Có thể nói dù đã cố gắng để thay đổi, việc các mẫu xe Trung Quốc tạo được cú hích trong phân khúc vẫn là điều xa vời, chứ chưa nói đến việc góp mặt vào top 10 doanh số của thị trường.

Chiến lược xe Trung Quốc giá rẻ đã phần nào trở lại, tuy nhiên thời điểm có vẻ không còn phù hợp, khi các mẫu xe Nhật, xe Hàn cũng đã rất cạnh tranh về giá so với trước đây. Toyota, Mitsubishi, Suzuki đã có lứa sản phẩm giá bình dân cho khu vực, trong khi Mazda CX-5 ngày càng đưa mức giá sàn của phân khúc SUV cỡ C thấp hơn theo từng tháng.

Những mẫu xe Trung Quốc từng gây nhiều ồn ào tại Việt Nam, điển hình như Zotye Z8, nếu so với các cái tên Hàn - Nhật hiện tại, cũng khó có thể cạnh tranh sòng phẳng.

Ngay cả khi đủ rẻ, xe Trung Quốc cũng chỉ dễ bán ở những phân khúc bình dân theo kiểu "tiền ít, thịt nhiều" hay rẻ lệch phân khúc. Ở nhóm xe tầm giá tiệm cận 1 tỷ đồng, một chiếc xe Trung Quốc chưa bao giờ dễ bán.

Làn sóng "âm thầm đóng cửa" lại tiếp tục?

Trước sức ép của các đối thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc và cả xe nội địa, việc "sống còn" của các hãng xe lớn vẫn đang còn chờ thời gian quyết định. Trong khi đó, một số thương hiệu Trung Quốc vốn chưa thật sự nghiêm túc khi đến thị trường chọn cách lẳng lặng rời đi là việc khó trách khỏi.

Aion, hãng xe điện được phân phối bởi Harmony Việt Nam, khi vừa xuất hiện từng kỷ vọng sở hữu 30 đại lý vào năm nay và nâng lên 50 cơ sở vào năm 2026. Thế nhưng chỉ sau một năm, đại lý duy nhất tại TP.HCM cũng đã được thay thế bằng đại lý BYD, viễn cảnh lẳng lặng biến mất tại Việt Nam không hề xa.

TMT Motors cũng từng bày tỏ mục tiêu to lớn khi triển khai loạt đại lý phân phối các mẫu xe điện Wuling, từ miniEV đến Bingo, thậm chí muốn thay thế xe máy. Kết thúc năm 2024, đơn vị này công bố kết quả kinh doanh lỗ kỹ lục 315,44 tỷ đồng.

Xe Trung Quoc anh 3

Đại lý Wuling tại Thủ Đức đã đóng cửa. Ảnh: FB/Hùng.

Đến đầu tháng 4, đại lý Wuling Thủ Đức, cơ sở phân phối Wuling lớn nhất phía nam, cũng bất ngờ đóng cửa. Trong khi đó, đại lý Wuling ở Buôn Mê Thuột đã trở thành nơi phân phối xe điện VinFast.

GAC, hãng xe chạy xăng cũng thuộc tập đoàn GAC do Tanchong phân phối, dù vẫn đang có kế hoạch với các sản phẩm mới, nhưng kế hoạch mở rộng đại lý có vẻ đang dần chững lại. Tính đến hiện tại, thương hiệu có khoảng 9 đại lý, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20-30 cơ sở được nhà phân phối kỳ vọng.

Loạt xe du lịch Dongfeng được mang về Việt Nam qua nhà phân phối Carvivu từ cuối năm 2024. Tuy nhiên sự ra mắt thiếu chỉn chu cộng với chiến lược kinh doanh "có như không" khiến mẫu xe này gần như mất tích trên bản đồ ôtô thị trường Việt.

Sự ra đi âm thầm của Aion và cách đóng cửa đại lý của nhiều thương hiệu Trung Quốc có thể khiến lòng tin của người dùng suy giảm. Bởi trước đây, các hãng xe Trung Quốc cũng từng ồ ạt đến rồi biến mất theo "hiệu ứng domino" như vậy.

Xe Trung Quoc anh 4

Đại lý GAC Aion được thay thế bằng đại lý BYD. Ảnh: Phúc Hậu.

Điều này không chỉ khiến nhà kinh doanh nội địa mất tiền, người dùng mất lòng tin, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của các thương hiệu Trung Quốc còn đang hoạt động có vẻ nghiêm túc. Khi đồng hương liên tục biến mất, những ông lớn còn lại cũng phần nào vướng "tiếng xấu".

Nhìn chung thị trường Việt vẫn không phải là "miếng bánh" dễ xơi cho các thương hiệu từ đất nước tỷ dân. Ở thời điểm mà xe nội địa ngày càng đa dạng, ôtô Hàn Quốc, Nhật Bản được giảm giá, những chiếc SUV, sedan ngập tràn công nghệ nhưng chưa đảm bảo tính ổn định trong tương lai vẫn khó có thể giành được lòng tin từ khách hàng.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Gói độ đầu tiên cho siêu xe Ferrari SF90 XX Stradale mạnh 1.060 mã lực

Không chỉ là gói độ đầu tiên cho Ferrari SF90 XX Stradale, đây còn là gói độ đầu tiên trên các mẫu xe hiệu năng cao XX của Ferrari.

Toyota bZ7 bản thương mại xuất hiện, bắt đầu bán từ cuối năm

So với bản concept, mẫu xe thương mại đã được loại bỏ gương kỹ thuật số hay tay nắm cửa tự động.

Đan Thanh

Bạn có thể quan tâm