Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xem lại đi chứ, mặt mụn, để lông, không trang điểm thì anh nào yêu?'

Trong khi nam giới có thể xuề xòa, bất cứ khuyết điểm nào về ngoại hình của phụ nữ cũng có thể bị đem ra soi mói, phán xét.

“Xem thế nào đi chứ con gái mụn mọc chi chít khắp mặt thế này thì không anh nào yêu đâu”, Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ rõ lời một người bác gái nói với mình.

Từ khi bắt đầu tuổi dậy thì, điều khiến cô bạn luôn tự ti nhất là việc làn da sần sùi, mụn mọc khắp hai má, không được láng mịn, mịn màng như nhiều bạn gái cùng tuổi khác.

“Có đợt, mình bị mụn nặng, hai má đỏ sưng tấy nhưng lịch diễn văn nghệ nhận từ trước nên mình không bỏ được. Cực chẳng đã, mình đành bê y nguyên mặt mộc lên sân khấu. Lần đó có bị đạo diễn mắng, khán giả chỉ chỏ cũng đành chịu vì mặt tệ lắm rồi”, cô kể lại.

phu nu viet nam anh 1
So với nam giới, phụ nữ luôn chịu nhiều áp lực về ngoại hình hơn. Ảnh: Vanity Fair. 

Có khoảng thời gian dài Quỳnh Anh bị stress nặng vì mọi người chê bai đến mức không muốn ra đường, ngại gặp người khác, đi đâu cũng phải bịt kín khẩu trang.

“Chả người nào muốn gương mặt mình rơi vào tình trạng như vậy cả, nhưng nếu là con trai, lời chỉ trích có thể không thậm tệ đến vậy. Mọi người sẽ bảo đàn ông trắng trẻo quá nhìn không nam tính”, cô thở dài.

Chả nói đâu xa, người em trai cách cô 6 tuổi, cũng đối diện với tình trạng mụn nổi khắp mặt nhưng “thằng bé chả bao giờ phải nghe những lời khó nghe như mình cả”.

“'Mặt tiền’ quan trọng chứ, nhất là đối với phụ nữ. Con trai có thể xuề xòa, không chăm sóc cho ngoại hình cũng chả sao. Con gái thì bất cứ khuyết điểm nào trên cơ thể cũng đồng nghĩa với việc bị mọi người đánh giá, soi mói”, cô nói.

Phụ nữ là phải đẹp bất chấp hoàn cảnh?

Vẻ ngoài được coi là yếu tố tác động không nhỏ đến cuộc sống của phụ nữ. Khi phụ nữ bị áp lực bởi việc xinh đẹp mọi lúc mọi nơi, họ trở thành nạn nhân của tiêu chuẩn kép.

Không có gì đáng ngạc nhiên, nam giới không có nghĩa vụ phải che đi quầng thâm dưới mắt hay làm ửng hồng đôi má, diện lớp trang điểm kĩ lưỡng khi đi học, đi làm.

phu nu viet nam anh 2
Nữ giới trang điểm kĩ càng là quy định bắt buộc ở nhiều công ty. Ảnh: BoF

Cẩm Linh (27 tuổi) làm việc trong ngành dịch vụ, thừa nhận việc chăm sóc bản thân xinh đẹp là điều mỗi cô gái đều nên quan tâm. Tuy nhiên, khi đó trở thành nghĩa vụ bắt buộc, nó có thể khiến con gái mệt mỏi.

“Sáng mình phải dậy sớm trước 1 tiếng để kịp thời gian make up, yêu cầu bắt buộc ở nơi làm. Công ty mình quan niệm khách hàng được đón tiếp bởi một nhân viên xinh đẹp đồng nghĩa với được hưởng dịch vụ tốt hơn”, Linh chia sẻ.

“Có lần da mình bị dị ứng hay muốn da mặt được nghỉ ngơi cũng đành cắn răng chịu vì chỉ cần vẻ ngoài không tươi tắn chút là bị quản lý nhắc nhở rồi”, cô cho hay.

Chung quan điểm với Quỳnh Anh, Xuân Hương (25 tuổi) cho biết ngoại hình con gái luôn bị người khác mặc định là thứ có thể bị đem ra phán xét dễ dàng.

“Mình không phải tuýp con gái dịu dàng, cũng không thích diện váy vóc bánh bèo. Mình thích nhuộm tóc ombre đủ màu, tủ quần áo thì tuyền một màu đen, đánh son cũng toàn màu tối. Nói chung, trông mình không có chút nào là giống kiểu con gái Việt Nam truyền thống xinh xắn, e ấp cả”, Hương nói.

Cũng chính vì vẻ ngoài mà cô bạn tự gọi là có phần “khác người”, Hương chịu cảnh không ít lần có người bàn ra tán vào ngoại hình của cô.

“Ngay cả mẹ mình cũng bảo rằng ‘mày ăn mặc cố giống người bình thường’ khi thấy con gái chả bao giờ mặc những thứ nữ tính”, Hương nói.

Theo cô, con gái phải chịu áp lực luôn có ngoại hình tươm tất, vừa mắt số đông. Chỉ cần ngoại hình khác lạ, lệch chuẩn đi với tiêu chuẩn thông thường, con gái dễ bị đánh giá là kỳ dị.

phu nu viet nam anh 3
Đi lệch ra khỏi tiêu chuẩn sắc đẹp thông thường, các cô gái dễ bị chỉ trích và chế giễu. Ảnh: Instagram. 

Trên thế giới, phong trào “Januhairy” (ghép từ January: tháng một và hair: lông, tóc) cổ vũ phụ nữ để lông trên cơ thể mọc tự nhiên, nói “không” với dao cạo. Chiến dịch được nhiều cô gái trên thế giới ủng hộ, song đồng thời cũng nhận cả “rổ gạch đá” từ những người không đồng tình.

Ashley Armitage là nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên mạng xã hội với các dự án chụp ảnh nữ giới tự tin khoe phần lông rậm rạp trên cơ thể.

Tuy nhiên, bên dưới bức ảnh, vô số người để lại bình luận với nội dung giễu cợt, chỉ trích còn Ashley nhận được không ít lời thóa mạ, chửi bới.

“Quyết định nuôi lông không phải là hành động bồng bột hay chơi trội, đó đơn giản là việc phụ nữ ngày nay không còn muốn bị bó buộc. Quan niệm phụ nữ phải không có lông mới xinh đẹp và sạch sẽ đã là điều mặc định đến mức nghiễm nhiên”, Ashley khẳng định.

"Ấn tượng đầu tiên lúc nào cũng là ngoại hình"

Trong bài viết Why women have to care about their looks trên trang Psychology Today, tiến sĩ tâm lý Marcia Reynolds lý giải việc phụ nữ chịu áp lực ngoại hình một phần đến từ việc hình ảnh những cô gái xinh đẹp, thân hình nóng bỏng đầy rẫy trên truyền thông mỗi ngày.

“Chúng ta sống và làm việc trong thế giới người khác có thể đánh giá bạn trong vài phút, ngay trong lần đầu gặp mặt thông qua ngoại hình. Vì vậy, nỗ lực có ngoại hình bắt mắt là điều không tránh khỏi”, Marcia phân tích.

“Mặc dù vẻ ngoài không quyết định tất cả song nó vẫn là yếu tố tác động phần nào đến cuộc sống của mỗi người, nhất là phái yếu”, bà nói thêm.

Câu hỏi phụ nữ rằng họ có mệt mỏi, ốm yếu không trong khi thực chất họ chỉ không trang điểm cho thấy số đông đều ăn sâu suy nghĩ nữ giới nên xuất hiện cùng lớp son môi nổi bật hay lông mi phải được chuốt mascara cong vút cùng làn da không tì vết.

Marcia cho hay thay vì bằng mọi giá chạy theo các tiêu chuẩn sắc đẹp khắc nghiệt, điều phụ nữ cần làm là chăm sóc bản thân theo cách phù hợp và cải thiện độ tự tin.

“Tôi nghĩ mọi phụ nữ đều phần nào nên chăm chút cho ngoại hình, với mục đích để chính cá nhân mình thấy thoải mái. Nhiều cô gái quan niệm phẫu thuật chỉnh hình hay tiêm botox tăng khả năng thành công. Song, tôi không ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ hay chế độ ăn kiêng khắc nghiệt”, nữ tiến sĩ cho hay.

Theo Marcia, cảm giác tự tin, tự hào với bản thân mới là điều quan trọng vì “cảm xúc ảnh hưởng đến ngoại hình và sự hấp dẫn của bạn trong mắt người đối diện”.

Ngoại hình đặt lên trên chuyên môn, bằng cấp

 Phụ nữ tại Hàn bị ám ảnh cái đẹp tới mức coi chuyện làm đẹp không bao giờ là đủ. Hầu hết phụ nữ Hàn Quốc đều không bao giờ ra đường với khuôn mặt mộc mà luôn đánh phấn nền, kẻ lông mày và tô son.

Thực tế này xuất phát từ việc tư tưởng coi trọng ngoại hình vốn đã ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc qua nhiều thế kỷ. Ngoại hình là một tiêu chuẩn quan trọng mà các công ty Hàn Quốc yêu cầu ở ứng viên, bên cạnh chuyên môn và bằng cấp.

phu nu viet nam anh 6
Tại Hàn Quốc, ngoại hình là chìa khóa xin việc thành công. Ảnh: Getty. 

"Khi phỏng vấn xin việc, trong hai người phụ nữ có trình độ chuyên môn như nhau, dĩ nhiên người có ngoại hình vượt trội hơn sẽ được lựa chọn", nữ sinh viên tên Yoon-ha Cha cho biết.

Năm 2017, quảng cáo tuyển dụng của một công ty gây tranh cãi khi đưa ra yêu cầu cụ thể về số đo vòng một của các ứng viên nữ bên cạnh tiêu chuẩn "mắt hai mí" và "mũi cao".

Bộ Lao động nước này cũng từng vấp phải phản đối khi đưa ra lời khuyên trên mạng xã hội rằng phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giúp nâng cao khả năng xin được việc làm.

Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt khiến thanh niên Hàn Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện ngoại hình nhằm nâng cao cơ hội xin việc. Các bậc phụ huynh đồng tình, thậm chí khuyến khích điều đó.

Nỗ lực cải thiện những định kiến về nhan sắc, chính quyền Seoul tuyên bố sẽ ngừng việc quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ ở các ga tàu điện ngầm vào năm 2022, thứ xuất hiện nhan nhản ở các địa điểm công cộng.

phu nu viet nam anh 7
Các biển quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ có thể bắt gặp ở mọi nơi tại Hàn Quốc. Ảnh: SCMP. 

Trên mạng xã hội, nhiều phụ nữ vứt bỏ son môi, từ giã hàng đống đồ trang điểm, thậm chí cắt phăng tóc để bày tỏ sự phản đối với chủ nghĩa coi trọng bề ngoài.

"Tôi từng ghét gương mặt xấu xí của mình. Tôi cực kỳ tự ti, phấn son như là cái mặt nạ tôi đeo suốt ngày. Giờ chúng ta không phải trang điểm nữa. Tôi nhận ra chúng ta không cần phải lúc nào cũng xinh đẹp và tôi đã dỡ bỏ lớp mặt nạ", Bae Eun-jeong, một ngôi sao trang điểm viết trên Instagram về quyết định phá hủy bộ mỹ phẩm của mình.

"Chúng ta nên nhìn nhận phụ nữ đúng với bản chất của họ, hơn là chấp nhận họ khi đã mang trên người lớp son phấn và áo quần chải chuốt", chuyên gia về giới Jaclyn Wong kết luận.

'Ngoài xã hội làm gì có chuyện đàn ông đụng tay vào việc bếp núc'

"Mọi người thường nói nếu đàn ông đã đi ra ngoài kiếm tiền, phụ nữ phải có trách nhiệm chu toàn chuyện trong nhà. Làm việc nhà là chia sẻ với nhau, đừng xem đó là nghĩa vụ của ai".




Trà My

Bạn có thể quan tâm