Trước tình trạng gia tăng dậy thì sớm ở trẻ, thậm chí con số mắc mỗi năm tăng gấp 35 lần thời điểm 10 năm trước, TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh báo cha mẹ nên quan tâm, để ý đến các biểu hiện của con.
Cách đây vài năm, TS Thảo từng điều trị cho 2 chị em ruột trong một gia đình cùng bị dậy thì sớm. Cô chị dậy thì khi mới 6 tuổi, thời điểm đó, tuổi xương bằng trẻ 9 tuổi. Sau đó, cô em cũng bị dậy thì sớm, hiện vẫn điều trị thuốc.
Nguyên nhân gây dậy thì sớm là vấn đề được các cha mẹ quan tâm, trong đó, nhiều thông tin cho rằng trẻ hiện nay được uống quá nhiều sữa động vật nên mới gây ra hiện tượng này.
“Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học hay nghiên cứu nào cho thấy uống sữa khiến trẻ dậy thì sớm. Tuy nhiên, cha mẹ để trẻ tiếp cận với phim ảnh người lớn sớm có thể tác động tâm lý dẫn tới dậy thì sớm”, TS Thảo nhấn mạnh.
Trong đó bao gồm những phim ảnh có các yếu tố, phân cảnh tình cảm, loại dành cho người lớn xem.
Ngoài ra, trẻ có cân nặng càng cao, nguy cơ dậy thì sớm trung ương càng cao. Theo TS Thảo, môi trường tác động làm xu hướng dậy thì đang trẻ hóa.
TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, khám cho bệnh nhi dậy thì sớm. Ảnh: M.T. |
Về điều trị, với dậy thì sớm ngoại biên, nếu bệnh nhân được xác định nguyên nhân do u buồng trứng, u vỏ tuyến thượng thận, phải can thiệp bằng các biện pháp đặc biệt. Nếu trẻ bị bệnh về di truyền làm tăng hormone sinh dục như bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh, khi được điều trị bằng hormone thay thế, đặc tính dậy thì sớm sẽ đỡ hơn.
Với dậy thì sớm trung ương, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc chất GnRH đồng vận, để ngăn chặn làm tuyến yên không tiết ra nhiều chất gonadotpopin.
“Với trẻ dậy thì sớm trung ương, trước 6 tuổi điều trị bằng thuốc có tác dụng tốt. Chúng tôi đều khuyên các gia đình nên điều trị. Ở 6-8 tuổi, bác sĩ sẽ trao đổi với gia đình giải thích tác dụng của thuốc, chi phí, tác dụng phụ… Việc quyết định có điều trị hay không phụ thuộc vào đứa trẻ. Với trẻ trai dưới 9 tuổi, nếu không có bệnh lý, chúng tôi cũng cân nhắc việc điều trị”, TS Thảo nói.
Trong 20 năm điều trị dậy thì sớm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định thuốc có tác dụng rõ ràng trong làm chậm quá trình dậy thì, đặc biệt cải thiện chiều cao của trẻ.
Bình thường, con người có tuổi xương và tuổi thực bằng nhau, nhưng với trẻ dậy thì sớm, tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Vì thế, những trẻ này sẽ ngừng phát triển sớm hơn so với trẻ khác. Trung bình trẻ dậy thì sớm trung ương có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các bạn. Nếu được tiêm thuốc, trẻ sẽ được cải thiện chiều cao rõ ràng từ 8-10 cm.
Hiện nay, bệnh nhân điều trị ức chế dậy thì sẽ được tiêm liên tục đến năm 10 tuổi hoặc đến khi có tuổi xương 11-12 tuổi, với liệu trình 28 ngày/một mũi tiêm.
Theo TS Thảo, hiện nay, một số địa phương đã đủ năng lực chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm. Một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi Trung ương có thể được chuyển tuyến về địa phương để điều trị, các bác sĩ tuyến trên chỉ đánh giá khi kết thúc quá trình điều trị.