Ngày 9/2, nhiều người Hong Kong bất chấp xếp hàng dài chờ đợi, thậm chí xin nghỉ làm cả ngày để đi cắt tóc. Trong vòng 2 tuần tới, các salon buộc phải đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố kể từ ngày 10/2, theo SCMP.
Nghỉ làm để xếp hàng cắt tóc
Từ tối 8/2, một số hàng dài người đã xuất hiện bên ngoài cửa tiệm cắt tóc ở các ga tàu điện ngầm sau khi có thông báo giãn cách xã hội. Tình trạng này tiếp tục diễn ra vào ngày hôm sau.
“Việc bắt buộc đóng cửa không hề hợp lý bởi tôi không thấy có nguy cơ lây nhiễm nào trong không gian tiệm cắt tóc. Mọi người đều đeo khẩu trang và rất ít khi trò chuyện với thợ làm đầu”, Louis Chan (41 tuổi), chủ cửa hàng tạp hóa vội vàng đến tiệm cắt tóc ở North Point trước giờ mở cửa để tránh đám đông, nói.
Người dân xếp hàng để chờ được cắt tóc sau khi biết các salon buộc phải đóng cửa tới ngày 24/2. Ảnh: May Tse. |
Chan thừa nhận việc ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm sẽ đòi hỏi xã hội phải “hy sinh”, nhưng vẫn lo lắng về kiểu tóc của mình trong tương lai.
“Chẳng bao lâu nữa, tôi phải buộc tóc ở nhà vì nó quá dài, và đó có thể là một thảm họa”, anh nói.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam tuyên bố rằng tất cả salon tóc phải đóng cửa từ ngày 10-24/2 nhằm thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.
Sau ngày 24/2, bất kỳ ai muốn cắt tóc sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng. Các quán ăn, trung tâm mua sắm, siêu thị và địa điểm công cộng khác cũng áp dụng quy định tương tự.
Cũng tại tiệm cắt tóc nam ở North Point, nơi quảng cáo chương trình tạo kiểu tóc chỉ trong 10 phút, hơn 10 người đang xếp hàng chờ vào khoảng 10h.
Nằm trong số đó là Vince Lai (26 tuổi), một giáo viên đã xin nghỉ làm cả ngày để được cắt tóc. Anh không hài lòng vì sự bất tiện này.
Một người đàn ông chờ cắt tóc bên ngoài tiệm ở Mong Kok hôm 9/2. Ảnh: Jelly Tse. |
Lai cho biết anh đã tránh cắt tóc vào dịp Tết Nguyên đán bởi theo quan niệm truyền thống, kéo hoặc các vật sắc nhọn khác sẽ cắt đứt vận may trong năm mới. Thế nhưng, anh phải chi 70 HKD (9 USD) để vội cắt tóc vào trưa 9/2, không lâu sau kỳ nghỉ Tết.
“Một số người có thể gọi thợ cắt tóc đến tận nhà trong thời gian phong tỏa, nhưng tôi không đủ điều kiện tài chính để làm vậy”, anh nói.
“Bà Carrie Lam có đặc quyền không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng những người bình thường lại phải chịu ảnh hưởng từ rắc rối do quy định Covid-19”, Lai nhắc lại sự việc lãnh đạo thành phố tháo khẩu trang trong lúc phát biểu trước đám đông.
Chủ salon tóc đau đầu
Mặt khác, Andrew Chan (44 tuổi), chủ salon ở Wan Chai với 3 nhân viên, cho biết quy định đóng cửa mới nhất sẽ giáng đòn nặng nề vào công việc kinh doanh của anh.
“Chắc chắn tác động sẽ rất lớn. Tôi không có nguồn thu nhập nào khác nhưng vẫn phải gánh phí thuê nhà và tiền lương cho nhân viên. Tổng chi phí rơi vào khoảng 220.000 HKD/tháng. Tôi không nghĩ trợ cấp từ chính phủ có thể bù đắp cho khoản lỗ của tôi”, anh chia sẻ.
Chan nói thêm rằng anh rơi vào thế bị động và rất thất vọng trước quyết định đột ngột của chính quyền. Theo anh, việc giãn cách xã hội toàn thành phố là không cần thiết và bất hợp lý.
“Lệnh phong tỏa chưa từng áp đặt cho các salon tóc ở những lần trước đây. Vậy tại sao chính quyền thành phố đột nhiên nghĩ rằng cần phải đóng cả tiệm làm tóc? Ngoài ra, biến chủng Omicron chỉ gây ra triệu chứng nhẹ cho những người nhiễm. Có thực sự cần phải đóng cửa hầu hết doanh nghiệp tại Hong Kong không?”, anh nói.
Nhóm người xếp hàng chờ bên ngoài một cửa hàng cắt tóc ngày 9/2. Ảnh: K. Y. Cheng. |
Ellen Tam Wai-wah, Chủ tịch Tổng công đoàn Các nhà thiết kế hình ảnh thời trang cho Tóc và Trang điểm, cho biết những hạn chế mới nhất thật khó tin đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch.
Bà kêu gọi chính quyền xem xét những biện pháp linh hoạt hơn, chẳng hạn giới hạn thời gian làm việc hoặc giãn cách giữa các khách hàng trong tiệm, thay vì ép buộc phải đóng cửa hẳn.
Và với gói cứu trợ mới trị giá 26 tỷ HKD đang được triển khai, bà Tam hy vọng chính quyền không chỉ hỗ trợ các chủ doanh nghiệp mà cả những nhân viên.
“Những người lao động này vốn đã sống chật vật. Bởi mức lương cơ bản thấp, hầu hết thợ làm tóc sống dựa vào tiền hoa hồng”, bà nói.
Ngày 9/2, Hong Kong xác nhận có 1.161 trường hợp mắc Covid-19 mới - ngày thứ 4 liên tiếp có số ca nhiễm kỷ lục. Kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020, đây là lần đầu tiên thành phố này ghi nhận số ca dương tính lên đến hàng nghìn.