Khám sàng lọc trước khi tiêm
Từ 7 - 8h sáng, điểm tiêm chủng trong khuôn viên trạm y tế xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, đã có gần 100 trẻ đăng ký tiêm chủng. Các bé đều được khám sàng lọc kỹ trước khi chuyển lên phòng tiêm. Chị Phùng Thị Thúy bế cậu con trai hơn một tuổi đang húng hắng ho đến điểm tiêm. Sau khi khám sàng lọc bác sĩ Trần Thị Luyến phát hiện bé bị viêm phế quản, không thể tiêm đợt này. Dù chị Thúy năn nỉ bác sĩ “thương” công sức hai mẹ con xếp hàng từ sáng sớm, nhưng bác sĩ Luyến vẫn ân cần giải thích khi trẻ đang sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm phế quản thì tuyệt đối không tiêm vaccine. “Sau khi trẻ khỏe trở lại, sẽ tham gia đợt tiêm vét, hoặc kỳ tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng tại trạm y tế xã”, bác sĩ Luyến khuyên chị Thúy.
Theo kế hoạch, từ ngày 18-30/10, Hà Nội tiêm sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại các trạm y tế. Tháng 12/2014, sẽ tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi và tháng 1/2015, tiêm cho trẻ từ 11-14 tuổi tại các trường học.
Tại Trung tâm y tế phường Dương Nội, quận Hà Đông, mới gần 10h, số trẻ đến đăng ký tiêm đã đạt gần 200. Theo ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, trung bình mỗi ngày, trạm y tế sẽ tiêm cho khoảng 400 trẻ. Với tỷ lệ trẻ đến tiêm phòng đúng lịch hẹn thì ước chừng sau bốn ngày sẽ hoàn tất công tác tiêm phòng. Trung tâm dành thêm một ngày để dành cho trẻ đến tiêm vét. “Dù lượng trẻ đến tiêm đông nhưng quy trình khám vẫn rất chặt chẽ, chỉ những trẻ thực sự khỏe mạnh mới được tiêm và trẻ sau tiêm đều phải lưu trú lại 30 phút để theo dõi”, ông Thọ cho biết.
Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội cho biết, trong chiến dịch lần này tại Hà Nội, ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ từ 1-5 tuổi sẽ tham gia tiêm miễn phí vaccine sởi - rubella, chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, từ ngày 18-26/10, Hà Nội chỉ triển khai thí điểm tại bốn quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông và 6 huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ và Thạch Thất. Sau khi giám sát chặt chẽ các điểm tiêm, ngành Y tế tiếp tục rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà trên toàn thành phố trong giai đoạn 2 (từ ngày 27-31/10).
Siết chặt quy trình
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, do đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, nên vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Do đó, từ trước khi bắt đầu triển khai, tất cả mạng lưới cán bộ y tế từ thành phố đến xã, phường được tập huấn quy trình tiêm phòng nhằm bảo đảm tiêm chủng an toàn, chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền thông tin chiến dịch trên các phương tiện thông tin đến từng người dân để cùng phối hợp với cán bộ y tế thực hiện đúng quy trình tiêm chủng.
Ông Cảm khẳng định, số vaccine dành cho chiến dịch này được bảo quản với trang thiết bị chuyên dụng đầy đủ và bảo đảm an toàn, hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Mặc dù vaccine sởi - rubella được coi là an toàn, hiếm khi xảy ra phản ứng phụ nhưng các đơn vị sẽ bố trí tổ cấp cứu tại chỗ, tổ cấp cứu cơ động thường trực trong những ngày tiêm chủng, sẵn sàng xử lý khi có trường hợp phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã sẽ phân công cán bộ chuyên môn để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ các trạm y tế nhằm bảo đảm cho công tác tiêm chủng đúng quy định.
Theo bác sĩ Trần Thị Luyến, những trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng, sốt trên 37,5oC, trẻ mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu sẽ được chỉ định hoãn tiêm chủng. “Các bác sĩ không chỉ dựa vào tờ khai của gia đình trẻ, mà sẽ khám sàng lọc thật kỹ để loại trừ việc tiêm vaccine cho những trẻ mắc bệnh. Và phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ trước, trong và sau tiêm chủng để phối hợp với cán bộ y tế xử lý nếu xảy ra phản ứng do tiêm vaccine”, bác sĩ Luyến khuyến cáo.