Khách hàng xếp hàng chờ mua tại một gian hàng bánh mì truyền thống. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Đợi đến ngày thứ ba diễn ra sự kiện, Thanh Hương (quận Bình Thạnh) mới hẹn bạn cùng đến trải nghiệm.
"Thấy nhiều bài chia sẻ hình ảnh đông đúc, chật kín người ở lễ hội nên tôi không vội đi sớm. Tuy nhiên, đến sát ngày, lượng khách vẫn rất đông. Tôi và bạn phải chờ khoảng 20 phút mới mua được một ổ bánh mì", cô nói.
Theo ghi nhận của Zing, trong 4 ngày tổ chức, lễ hội đã thu hút đông đảo thực khách đến tham quan và thưởng thức bánh mì.
Xếp hàng dài mua bánh mì
Thanh Hương chọn mua bánh ở một cửa tiệm đã từng ăn thử trước đây. Ổ bánh mì cô mua có 5 loại chả và được bán với giá 25.000 đồng. Nữ thực khách cho biết mức giá và hương vị bánh không có sự khác biệt dù mua ở lễ hội hay cửa hàng.
Tuy nhiên, khi mua bánh ở đây, cô phải xếp hàng chờ lâu hơn. Diện tích gian hàng khiêm tốn, lượng khách đông, thời tiết nóng nực khiến Thanh Hương cảm thấy khá mệt mỏi.
Để mua được bánh mì, thực khách đôi khi phải xếp hàng hơn 20 phút. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Không chỉ xếp hàng để chờ mua bánh mì, khách tham quan muốn vào lễ hội còn phải chờ đến lượt vào bãi gửi xe. Các bãi xe chật kín chỗ, lượng người chờ vào bãi tràn xuống cả lòng đường. Một số khách không tìm được chỗ gửi xe đành ngậm ngùi ra về.
Lượng khách đông hơn dự kiến khiến việc di chuyển bên trong lễ hội khá khó khăn. Ở những gian hàng nổi tiếng hay phát bánh miễn phí, khách hàng xếp hàng dài gây tắc nghẽn. Muốn đi qua khu vực khác, thực khách phải tìm cách luồn lách qua đám đông.
Nhiều mặt hàng không phải bánh mì
Ghi nhận tại lễ hội, ngoài các gian hàng bán bánh mì còn có nhiều hàng bán những đồ ăn khác như xiên chiên, kem dừa hay cả quầy vẽ hanna, bán nhang hay trầm hương.
Khi được hỏi về việc có thêm các mặt hàng khác xuất hiện tại lễ hội, đại diện bánh mì cụ Lý nhận xét việc bổ sung những gian hàng này giúp lễ hội thêm nhiều màu sắc. Tuy nhiên, người này cũng đặt kỳ vọng vào lần tổ chức tiếp theo, sự kiện sẽ thể hiện đúng tinh thần hơn và tập trung chính vào bánh mì.
Trên các hội nhóm, một số ý kiến cho rằng việc bổ sung thêm các gian hàng không liên quan giúp người tham quan có nhiều trải nghiệm nhưng cũng khiến lễ hội trở nên lộn xộn.
Những hoạt động được tổ chức xuyên suốt theo lễ hội cũng chưa thật sự hấp dẫn. Nhiều thực khách cảm thấy tiếc khi khu vực xác lập kỷ lục, trưng bày các loại bánh mì độc đáo, thiết kế cầu kỳ không được đặt ở vị trí trung tâm và ít người để ý.
Lượng khách đông hơn dự kiến cũng khiến nhiều người lo lắng về vấn đề an ninh. Theo chủ một gian hàng bánh mì, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, người này không nhìn thấy sự xuất hiện của nhân viên an ninh nào.
Tại khu vực cổng vào, ban tổ chức có đặt một tấm biển nhắc nhở khách tham quan chú ý và tự bảo quản tư trang của mình, tránh kẻ xấu lợi dụng tình trạng đông đúc để thực hiện hành vi trộm cắp.
Theo quan sát của phóng viên, dù là sự kiện về ẩm thực, số lượng thùng rác tại lễ hội khá ít. Thậm chí, một số thùng rác đặt ở vị trí khá khuất như nằm sau sân khấu. Việc không bố trí đủ thùng rác dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi. Đại diện một số gian hàng đề xuất cho lần tổ chức tiếp theo, ban tổ chức nên sắp xếp đội bảo vệ để đảm bảo công tác an ninh và nhắc nhở khách tham quan bỏ rác đúng nơi quy định.
Hơn 100 gian hàng bánh mì khác nhau
Lễ hội quy tụ 120 gian hàng với sự góp mặt của nhiều thương hiệu lâu đời, nổi tiếng như bánh mì Nguyên Sinh, Bảy Hổ, Cụ Lý, PewPew, Grandma Lu... Các gian hàng đa dạng về loại nhân như bánh mì chả, pate, thịt nướng, gà xé...
Bên cạnh các gian hàng bánh mì truyền thống, các loại bánh mì que, bánh mì Pháp, bánh mì theo những phong cách khác nhau cũng xuất hiện tại sự kiện.
Ngay từ những ngày đầu mở cửa, không khí của lễ hội đã rất nhộn nhịp, người tham dự ra vào liên tục. Nhân viên các gian hàng tất bật buôn bán, bánh mì và đồ ăn được bổ sung liên tục để đáp ứng được nhu cầu của thực khách.
Thực khách có nhiều lựa chọn bánh mì khác nhau tại lễ hội. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Cô Hồ Thị Thanh Nhiên, chủ tiệm bánh Bon Appetit, chuyên các loại bánh mì plant-based (thuần thực vật) cho biết: "Bánh plant-based nói chung và bánh mì plant-based nói riêng còn khá mới lạ với thực khách. Chính điểm lạ này đã thu hút được cả thực khách trong nước và quốc tế đến dùng thử".
Menu bánh mì plant-based của tiệm có 4 loại nhân, đồng giá 35.000 đồng/ổ, gồm nấm BBQ, phù trúc nướng, pate, chả và súp cà ri.
Tương tự, chia sẻ với Zing, chị Hương Lu, chủ thương hiệu Grandma Lu, cho biết khách hàng đến lễ hội cũng rất quan tâm đến những sản phẩm bánh mì mới lạ.
"Ngoài nhân truyền thống, cửa hàng của tôi còn có bánh mì nhân gà xé trứng non lòng đào hay bánh mì nhân chả chay. Thực khách khá tò mò vì muốn thử kết hợp bánh mì cùng nhiều nguyên liệu khác nhau", chị nói.
Song, không vì thế mà khách hàng bỏ quên những hàng bánh mì gia truyền, có tuổi đời lâu năm tại lễ hội.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, chủ tiệm bánh mì ICOOL Nguyên Sinh, chia sẻ lượng khách tham gia lễ hội vượt ngoài sức tưởng tượng. Mỗi ngày, gian hàng này bán được cả nghìn ổ bánh mì. Các sản phẩm khác như pate, thịt nguội... cũng liên tục "cháy hàng".
Chủ tiệm bánh nhận xét việc lễ hội có sự góp mặt của nhiều thương hiệu, từ bánh mì truyền thống đến bánh mì hiện đại sẽ giúp thực khách có đa dạng sự lựa chọn và có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn.
Hay như ở hàng bánh mì Bảy Hổ, nhân viên cho biết chỉ trong một buổi sáng, tiệm đã bán được hơn chục kg thịt và cắt chả mỏi cả tay.
Tương tự, gian hàng bánh mì cụ Lý gần như luôn trong tình trạng đông nghịt, khách xếp hàng dài để chờ mua bánh. Anh Quốc Thiên, chủ tiệm này cho biết lượng khách mỗi ngày đến mỗi đông, nằm ngoài dự đoán ban đầu. Chỉ trong vòng vài tiếng buổi sáng, gian hàng của anh đã phải thêm bánh lượt hai để phục vụ thực khách.
Lễ hội bánh mì Việt Nam lần thứ nhất tại TP.HCM được tổ chức bởi Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM. Lễ hội diễn ra từ ngày 30/3 đến 2/4 tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM.
Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.