Mấy ngày qua, tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông, thấy nhiều ý kiến phản ánh công đoạn xét tuyển đại học ở Việt Nam phức tạp, gây tốn kém, mệt mỏi cho thí sinh.
Sau 4 năm du học Anh, tôi thấy cách Bộ GD&ĐT đang triển khai về thi và xét tuyển có nhiều khác biệt so với cách làm ở quốc gia có nền giáo dục hiện đại nhất nhì thế giới.
Khác biệt lớn đầu tiên giữa cơ chế tuyển sinh của Anh và Việt Nam nằm ở chỗ, học sinh phải xác định ngành nghề muốn học từ 15, 16 tuổi. Nếu chọn đại học, họ sẽ học tiếp 2 năm A-level (chương trình tiền đại học).
Kết thúc mỗi năm học A-level sẽ có một kỳ thi lấy điểm trung bình, kết quả học tập của hai năm này chính là cơ sở xét vào đại học. Bạn sẽ phải xác định được ngành nghề phù hợp với mình.
Học hết năm nhất A-level, học sinh đăng ký tối đa 5 trường đại học có đào tạo ngành mình đã đăng ký. Điều này đảm bảo cho học sinh đỗ vào trường nào cũng được theo ngành mình yêu thích. Để có khả năng xác định ngành học từ sớm, giáo dục Anh rất quan tâm việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Như vậy, học sinh ở Anh chọn ngành mới chọn trường, trong khi ở Việt Nam, các em đăng ký xét tuyển vào trường trước, sau đó mới nộp 4 nguyện vọng vào các ngành. Khi thấy điểm của mình thấp so với điểm chuẩn dự kiến, thí sinh phải rút hồ sơ để nộp vào nơi có cơ hội lớn hơn, kể cả ngành học đó các em không yêu thích. Mục tiêu số 1 là đỗ đại học.
Ở Anh, điểm chuẩn được thông báo trước khi học sinh có điểm xét tuyển. Khi đăng ký 5 trường có ngành học phù hợp với mình, học sinh phải nộp một bài viết giới thiệu bản thân (Personal Statement), kết quả học tập A-level năm nhất kèm dự đoán của giáo viên về kết quả A-level năm thứ hai của em đó.
Các trường sẽ dựa vào đó để đưa ra mức điểm trúng tuyển cho riêng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký. Điểm chuẩn này được tính theo kết quả của 2 năm học A-level.
Như vậy, việc của bạn sau khi biết điểm chuẩn là học tiếp A-level năm hai và cố đạt được mức điểm chuẩn mà trường đưa ra. Học sinh sẽ biết mình phải cố gắng ở mức nào để đỗ đại học, thay vì cố gắng hết sức mà vẫn không dám chắc điểm chuẩn là bao nhiêu như ở Việt Nam.
Khác biệt thứ ba nằm ở hạ tầng công nghệ. Công tác tuyển sinh ở Anh dựa trên hệ thống mạng UCAS. Một đơn vị độc lập đứng ra tổ chức việc này, chứ không phải Bộ Giáo dục Anh.
Toàn bộ những hoạt động nộp - rút hồ sơ, bảng điểm, đăng ký xét tuyển, nhận kết quả trúng tuyển... đều được thực hiện trên máy tính và qua mạng Internet. Thí sinh không phải trực tiếp đến các trường (trừ trường hợp các trường yêu cầu phỏng vấn).
Để làm được điều này, nước Anh có hạ tầng công nghệ thông tin chất lượng cao, đa số người dân sử dụng thành thạo Internet.
Đây được xem là yếu tố quan trọng khi "nhìn người nghĩ ta". Vừa qua, thí sinh ở vùng sâu, xa phải đi hàng trăm km đến trường rút, nộp hồ sơ rất tốn kém và mệt mỏi. Nếu chúng ta có hệ thống thông tin tốt và cho các em điều chỉnh nguyện vọng online (đòi hỏi sự liên thông giữa các trường), những hình ảnh "kỳ dị" đã không diễn ra trong ngày đăng ký xét tuyển cuối cùng là 20/8.
Một khác biệt nữa là ở Anh, mạng lưới giáo dục chất lượng cao được trải đều trên cả nước. Chất lượng đại học ở các thành phố không chênh lệch quá nhiều. Học sinh không phải đổ xô về các trung tâm lớn như ở Việt Nam. Thậm chí, các bạn của tôi còn tránh học ở thủ đô London vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Sau 4 năm học tập tại Anh, tôi nhận thấy việc đỗ vào trường đại học không quá khó khăn và căng thẳng như ở Việt Nam. Đặc biệt, khâu tuyển của họ rất tốt, đảm bảo sự thoải mái cho học sinh.
Tuy nhiên, các trường đều yêu cầu điều kiện ra trường rất khắt khe. Ở các trường đào tạo ngành kỹ thuật, thường 2/3 sinh viên ra được trường. Vì lẽ đó, từ khi 15 tuổi, học sinh Anh đã được lựa chọn giữa học nghề hoặc đại học.
Khoảng 20% học sinh cảm thấy không theo được đại học sẽ học nghề. Họ luôn chọn hướng đi phù hợp khả năng của mình chứ không có tâm lý bằng mọi giá phải vào đại học như ở Việt Nam.
Nguyễn Minh Hoàng sinh năm 1993, là sinh viên năm thứ tư ngành Dược, Đại học Bath (Vương quốc Anh).
Học hết lớp 10 THPT Chu Văn An, Hà Nội, Minh Hoàng sang học chương trình A-level tại Anh với học bổng toàn phần.
Kết thúc 2 năm A-level, cậu đăng ký xét tuyển và đỗ trường Đai học Bath.
Hiện tại Minh Hoàng là Phó chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh.