Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xét tuyển đợt tiếp theo: Không được rút hồ sơ

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, trả lời xung quanh những vấn đề nảy sinh trong quá trình xét tuyển ĐH-CĐ năm nay.

- Một thí sinh đạt 29,5 điểm (đã nhân hệ số môn toán) ban đầu rất tự tin nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ngành sư phạm toán (ĐH Sư phạm TP HCM). Tuy nhiên, sau khoảng 3 đợt cập nhật danh sách, thí sinh này bị đẩy ra khỏi số lượng tuyển ngành này. Thí sinh này bắt đầu hoang mang và lo lắng, không biết nên nộp trường nào khác vì có quá nhiều thí sinh cũng đang trong tình cảnh tương tự. Xin ông lý giải về việc tuyển sinh trong câu chuyện trên của thí sinh?

- Phương án tuyển sinh năm nay khác với các năm trước là cho thí sinh sửa chữa sai lầm của mình khi chọn trường, chọn ngành bằng cách rút hồ sơ để nộp sang trường khác khi đã biết điểm thi. 

Gần 145 trường đại học cập nhật điểm thi của thí sinh

Zing.vn cập nhật danh sách gần 145 trường đại học công bố điểm thi xét tuyển của thí sinh, tính đến ngày 19/8.

Ngành GD&ĐT cũng luôn nhắc nhở các em phải cân nhắc chọn ngành, trường phù hợp để không phải rút hồ sơ. Thí dụ dẫn ra ở trên cho thấy, các cháu đã không căn cứ vào tư vấn và các dữ liệu Bộ cung cấp để chọn trường, chọn ngành: HS chỉ được 29,5 (trong đó môn Toán đã nhân đôi) là mức điểm thấp so với thực tế phổ điểm năm nay để đăng ký vào ngành sư phạm Toán của ĐH Sư phạm TP HCM (năm ngoái điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số là 24) và Đại học Sài Gòn (năm ngoái điểm trúng tuyển đã nhân hệ số là 29). Đây cũng là sai lầm của nhiều em dẫn đến việc sau khi nộp hồ sơ vào trường rồi lại phải rút.

Thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ tuyển sinh vào Đại học Công đoàn. Ảnh: Tiền Phong.

- Ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh trong việc nộp đơn xét tuyển trong những ngày chót của đợt 1 không?

- Điểm của thí sinh càng cao hơn điểm trúng tuyển của trường những năm trước, độ an toàn càng cao. Theo phân tích phổ điểm năm nay, ở phần lớn các ngành, thí sinh phải có điểm thi lớn hơn (so với điểm trúng tuyển những năm trước) ít nhất từ 2,5-3 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. 

Thí sinh có thể tham khảo thêm tình hình đăng ký hồ sơ xét tuyển ở các trường để đưa ra quyết định nhưng tuyệt đối không chỉ dựa vào thông tin này để đưa ra quyết định rút cũng như nộp hồ sơ. Nếu chỉ dựa vào thông tin này thì sẽ xảy ra trường hợp vừa rút ra nộp vào trường khác thì lại phải lo tiếp tục rút.

- Bộ GD&ĐT có chỉ đạo đặc biệt nào dành cho các trường ĐH, CĐ và các sở GD&ĐT để các trường giải quyết nhanh chóng giúp thí sinh có thể rút - nộp hồ sơ thuận tiện?

- Trong hướng dẫn gửi các trường ĐH - CĐ, Bộ cũng đã nhắc nhở các trường phải sắp xếp hồ sơ ĐKXT của thí sinh một cách khoa học để đảm bảo có thể trả hồ sơ cho thí sinh một cách nhanh chóng. Bộ đã có chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, các sở GD&ĐT huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc… để tiếp nhận hồ sơ ĐKXT, rút hồ sơ ĐKXT trong các ngày còn lại của đợt xét tuyển đầu tiên. 

Trong các ngày cuối của đợt xét tuyển này, các trường cần cập nhật liên tục thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh để thí sinh theo dõi. Các Sở GD&ĐT chuyển kịp thời thông tin thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh đến các trường và báo cáo Bộ theo qui định để xử lý kịp thời nguyện vọng của thí sinh.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiền Phong.

- Thí sinh nên làm gì để đỡ gặp rắc rối hơn trong việc đăng ký xét tuyển khi mà thí sinh nào cũng có thêm 3 giấy xét tuyển và mỗi giấy xét tuyển được thêm 4 nguyện vọng?

- Trong đợt xét tuyển tiếp theo, thí sinh có thể sử dụng đồng thời 3 giấy báo kết quả thi để nộp vào 3 trường khác nhau, mỗi giấy báo kết quả thi được đăng ký 4 nguyện vọng. 

Với quy định này, các thí sinh mặc dù có thể đăng ký nhiều nguyện vọng hơn nhưng phải cân nhắc kỹ khi chọn trường, chọn ngành vì trong thời gian của mỗi đợt xét tuyển, các thí sinh không được rút hồ sơ. 

Thí sinh chỉ được rút hồ sơ sau khi kết thúc đợt xét tuyển và các em không trúng tuyển. Các trường cũng sẽ phải tính toán tỷ lệ thí sinh ảo để đảm bảo xét tuyển đủ nhưng không vượt quá nhiều chỉ tiêu.

Nhiều trường ĐH căng mình trả hồ sơ

Nhiều trường ĐH tại TP HCM cho biết, kể từ hôm nay (17/8),  sẽ phải “căng mình” trả hồ sơ cho thí sinh do lượng hồ sơ ĐKXT vào trường vượt chỉ tiêu khá nhiều, trong khi thời gian xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 chỉ còn 3 ngày.

Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn, cho biết, tính đến hết ngày 15/8, trường có 12.182 hồ sơ ĐKXT và có 4.730 hồ sơ rút trong khi trường chỉ có 4.000 chỉ tiêu. 

ĐH Mở TP HCM đến thời điểm này có hơn 1.100  hồ sơ rút, số còn lại tại trường là hơn 5.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu của trường là 2.600. 

Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo trường cho biết: “Trong những ngày tới, trường sẽ phải “căng mình” để trả gần 2.500 hồ sơ, chưa kể lượng hồ sơ mới nộp vào”.

Hiện tại, ĐH Kinh tế TP HCM cũng có hơn 5.600 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 4.400. Tương tự, trong những ngày tới, các trường ĐH khác cũng bắt đầu căng mình trả trên dưới 2.000 hồ sơ cho thí sinh, thậm chí có trường còn nhiều hơn như ĐH Công nghiệp TP HCM hiện có 10.809 hồ sơ/8.000 chỉ tiêu; trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khoảng 5.000 hồ sơ/3.000 chỉ tiêu; ĐH Sư phạm TP HCM khoảng 8.000 hồ sơ/3.300 chỉ tiêu; ĐH Tài nguyên- Môi trường có khoảng 3.000 hồ sơ/2.000 chỉ tiêu…          

Bộ trưởng GD&ĐT trả lời về xét tuyển đại học

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 16/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ những thông tin về việc xét tuyển cao đẳng, đại học.

http://www.tienphong.vn/giao-duc/xet-tuyen-dot-tiep-theo-khong-duoc-rut-ho-so-897345.tpo

Theo Hồ Thu - Nguyễn Dũng/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm