ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trường bắt đầu nhận hồ sơ xét học bạ từ ngày 1-3. Sau 2 tuần trường nhận được 1.100 hồ sơ, giảm khoảng 500 hồ sơ so với các năm trước.
Nếu như từ năm 2019 trở về trước, phương thức xét tuyển từ kết quả học bạ chủ yếu chỉ những trường ngoài công lập sử dụng để tuyển sinh thì năm 2020. Phương thức này được nhiều trường ĐH công lập, kể cả trường có thứ hạng cao sử dụng để xét tuyển. Cùng với những phương thức xét tuyển khác, phương thức xét tuyển bằng học bạ được cho là bớt áp lực nên ngày càng được nhiều thí sinh quan tâm.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ năm 2021 tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. |
Năm 2021, phương thức xét tuyển từ học bạ đã được nhiều trường sử dụng để tuyển sinh và đã nhận hồ sơ từ ngày 1-3. Tại ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), lượng hồ sơ thí sinh đăng ký online, qua đường bưu điện và nộp trực tiếp tại trường khoảng 800, gần bằng năm ngoái. Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thời điểm này thí sinh đang trong giai đoạn tìm hiểu thông tin tuyển sinh các trường, lựa chọn ngành nghề chứ chưa muốn đăng ký ngay.
Theo ông Quốc Anh, thời điểm thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ nhiều nhất là sau khi thi học kỳ 2 năm lớp 12, tức vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 bởi ở thời điểm này, thí sinh đã có điểm học bạ của cả 3 năm để lựa chọn phương thức xét tuyển 5 học kỳ hay 6 học kỳ… để có kết quả điểm số cao nhất.
Tại ĐH Kinh tế Tài chính (UEF), lượng hồ sơ xét tuyển lại được cho là tăng so với năm 2020. Thông tin từ trường cho biết sau 2 tuần, trường đã nhận hơn 800 hồ sơ, tăng nhẹ so với năm 2020.
Một số trường ĐH khác cho biết lượng hồ sơ nhận được chưa nhiều, nguyên nhân là thời điểm này còn quá sớm để thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Hơn nữa, thời gian nhận hồ sơ xét học bạ đợt 1 của các trường kéo dài đến hết tháng 5 nên cuối đợt nhận hồ sơ xét tuyển mới là cao điểm để thí sinh nộp.
ThS Phạm Thái Sơn cho biết trong số khoảng 1.100 hồ sơ, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu vào những ngành như công nghệ thực phẩm, khối ngành kinh tế, du lịch, tiếp đến là các ngành như công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử.... có những ngành, chuyên ngành rất ít thí sinh quan tâm như công nghệ vật liệu, khoa học thủy sản.
Tại ĐH Công nghệ TP.HCM, thí sinh cũng chủ yếu tập trung vào nhóm ngành quản trị, kinh tế hơn là nhóm ngành kỹ thuật.
Tại ĐH Kinh tế Tài chính, thông tin từ trường cho biết hồ sơ xét tuyển của thí sinh tập trung các ngành thế mạnh của mình về quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, logistics…