Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc xét tuyển theo nhóm sẽ có lợi cho các trường và thí sinh.
Sẽ khó xác định điểm chuẩn vì thí sinh 'ảo'
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, 50% thí sinh chỉ đăng ký từ 1-3 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 4-5 nguyện vọng.
Như vậy, 80% thí sinh đăng ký từ 1-5 nguyện vọng. 18% thí sinh đăng ký từ 6 đến 10 nguyện vọng.
Cũng theo thống kê này, 98% thí sinh đăng ký từ 1-10 nguyện vọng. Chỉ 2% đăng ký từ 11-48 nguyện vọng (một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng).
Trong 2% này, gần 1,7% thí sinh đăng ký từ 11-15 nguyện vọng và chỉ có hơn 0,3% thí sinh đăng ký trên 15 nguyện vọng.
Theo ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, năm nay, khó khăn của các trường là không biết bao nhiêu thí sinh trúng tuyển vào trường mình. Bởi mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một trường, một nguyện vọng duy nhất trong khi quy chế lại không giới hạn nguyện vọng đăng ký.
Nếu các trường xét tuyển riêng lẻ sẽ rất khó xác định điểm chuẩn. Nhiệm vụ của việc xét tuyển theo nhóm là giúp các trường xác định điểm chuẩn sao cho phù hợp.
Quy chế không quy định việc các trường phải lập nhóm xét tuyển và việc tham gia nhóm là tự nguyện giữa các trường, Bộ không can thiệp.
Bộ GD&ĐT cũng đã dành ra thời gian 3 ngày, từ 25-28/7 để các nhóm tổ chức xét tuyển chung trước khi chạy phần mềm xét tuyển của Bộ vào 28/7.
Theo Thứ trưởng Ga, phần mềm xét tuyển chung của nhóm này sẽ chạy cơ sở dữ liệu chung của tất cả các trường trong nhóm, thậm chí, cơ sở dữ liệu của tất cả các trường trên cả nước để các trường đưa đưa ra điểm chuẩn dự kiến.
Sau khi việc xét tuyển theo nhóm đã xong, các trường gửi dữ liệu của thí sinh lên Bộ GD&ĐT để tiếp tục chạy trên phần mềm lọc ảo một lần nữa giữa 2 nhóm Nam - Bắc và các trường ngoài nhóm.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
|
Nhiều lợi ích từ xét tuyển theo nhóm
Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là sự hình thành hai nhóm xét tuyển ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Dự kiến mỗi nhóm xét tuyển có từ 40 đến 60 trường đại học, cao đẳng sư phạm cùng tham gia.
Năm nay, ĐH Bách Khoa Hà Nội tiếp tục chủ trì thành lập nhóm xét tuyển chung ở khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra). ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì các trường ĐH phía Nam nhóm xét tuyển với 50-60 trường (từ Quảng Bình trở vào).
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ trì tuyển sinh của nhóm miền Bắc - cho biết: “Việc hợp tác giữa các trường trong công tác đào tạo nói chung và tuyển sinh nói riêng là điều cần thiết.
Trong quá trình xét tuyển theo nhóm, các trường sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin tuyển sinh để giảm tỉ lệ thí sinh ảo”.
Cách thức xét tuyển theo quy chế năm nay hoàn toàn phù hợp với phần mềm xét tuyển của nhóm GX năm ngoái do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Vì thế, các trường tham gia nhóm miền Bắc sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực trong công tác tuyển sinh.
Đồng thời, hỗ trợ được đội ngũ kỹ thuật của nhóm cũng như chủ động hơn trong việc xác định điểm chuẩn dự kiến và danh sách thí sinh trúng tuyển trước khi trình Bộ GD&ĐT.
Các trường ĐH tham gia nhóm miền Bắc trên tinh thần tự nguyện, có sự cam kết bằng văn bản.
Các trường trong nhóm sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt 1 cho các trường trong nhóm.
Nhóm xét tuyển cũng không can thiệp vào việc xét tuyển của mỗi trường trong nhóm. Các trường tự chọn điểm chuẩn và điều chỉnh thông số tuyển sinh chọn phù hợp với từng ngành nghề.
Nhóm xét tuyển chung chỉ cung cấp thông tin để giúp các trường xác định điểm chuẩn phù hợp nhất.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhận định, việc xét tuyển theo nhóm sẽ có lợi cho các trường và thí sinh.
Với việc xét tuyển như vậy, các trường có thể yên tâm rằng khi một thí sinh trúng tuyển thì thí sinh đó chỉ có thể vào trường mình hoặc bỏ không học chứ không trúng tuyển 2 nơi khác nhau - ông Ga khẳng định.