ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu tư vấn trực tuyến cho thí sinh vào 29/7 và ngày 1 và 2/8 vừa nhận hồ sơ vừa tư vấn trực tiếp cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết, trường đang phân tích điểm thi để quyết định điểm chuẩn xét tuyển.
Ông Điền dự báo ngưỡng chất lượng xét tuyển sẽ cao hơn năm trước 1-2 điểm và điểm chuẩn của những ngành “hot” sẽ cao hơn năm trước 1 điểm, ngành thấp có thể cao hơn tới 2 điểm.
Vì vậy, theo ông Điền, những thí sinh đạt 20 điểm, nếu xét tuyển vào ĐH Bách khoa sẽ thuộc diện “chấp chới”, không chắc chắn.
Cuộc đua vào trường ĐH năm nay sẽ có rất nhiều bất ngờ. Trong ảnh là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội nghiên cứu khoa học. |
Khó lường!
Đó là nhận xét của nhiều nhà tuyển sinh khi mà ngày xét tuyển đang đến gần.
Một nhà tuyển sinh phân tích, khi nộp giấy chứng nhận kết quả thi, thí sinh có thể gửi qua bưu điện, nhưng nếu muốn rút thì phải rút trực tiếp vì mỗi thí sinh chỉ có duy nhất một giấy cho nguyện vọng (NV) 1.
Thế là trong 20 ngày của đợt 1 xét tuyển, thí sinh phải trực tiếp đến trường rút - nộp lại, rút - nộp lại nhiều lần vì cứ 3 ngày, số lượng người nộp hồ sơ lại thay đổi 1 lần và nếu thấy không an toàn, thí sinh rút, nộp trường khác.
Đối với thí sinh ở Hà Nội và TP HCM gần trường, việc này không là vấn đề, nhưng đối với thí sinh ở xa trường ĐH, CĐ, việc rút ra nộp vào là cả một vấn đề. Vì thí sinh cứ rút ra nộp vào như vậy, một nhà tuyển sinh dự báo, không dám nâng hay hạ ngưỡng xét tuyển và phải chịu rủi ro: một là không lấy đủ thí sinh, hai là thừa quá nhiều.
Một nhà tuyển sinh phân tích, khi thí sinh rút hồ sơ, chắc chắn sẽ không rút được ngay vì nhà trường còn phải tìm kiếm trong hàng nghìn hồ sơ. Vì vậy, ông Điền khuyên thí sinh: không nên nộp quá sớm vì có thể sẽ phải “di chuyển” nhiều nhưng cũng không nên quá muộn vì phải chờ đợi rút hồ sơ. Ông Điền nói, khoảng ngày 10/8, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển là vừa.
Trong những giờ phút chót sẽ có khả năng hàng nghìn thí sinh nộp hồ sơ cầu may. Điều này, sẽ rất khó lường cho cả nhà trường và thí sinh, một nhà tuyển sinh nhận định
Sẽ có phương án mới
Nói về sự rắc rối khó lường của phương án tuyển sinh rút ra - nộp vào thoải mái kể trên, người phát ngôn của Bộ GD&ĐT, ông Phạm Ngọc Phương, giãi bày: “Thực ra tôi chưa hài lòng, vì xét tuyển theo kiểu người đẩy thông tin vào hoặc lấy thông tin ra rất tự do”.
Ông Phương dẫn ví dụ: 3 ngày hôm nay tôi nằm trong số 300 người, nhưng sáng mai có một người cao điểm hơn nộp vào, tôi bị đẩy ra khỏi danh sách. Nếu làm không khéo rất dễ bị nghĩ làm không tường minh.
Con em chúng ta ở nông thôn, cấy hái ngày được mấy nghìn bạc vất vả lắm. Tôi nghĩ, tuần tới, chúng tôi sẽ họp hội đồng, bàn lại mọi việc một cách cụ thể và tìm ra cách khác để mọi việc tường minh hơn và đỡ khó khăn hơn cho thí sinh”.