Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xét tuyển vào đại học là cuộc chơi đỏ đen'

"Trong cuộc đua này, thí sinh biết mình đang đứng ở đâu vẫn có khả năng trượt đại học", độc giả Minh Phước chia sẻ với Zing.vn về thư gửi Bộ GD&ĐT.

Kính gửi: Bộ trưởng GD&ĐT, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng và các cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Em là sinh viên năm ba của trường đại học trên địa bàn TP HCM. Em từng trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học nên có cùng cảm giác lo lắng, hồi hộp như các bậc phụ huynh có con em đang tham gia vào kỳ thi xét tuyển năm nay.

Là sinh viên, em luôn theo sát diễn biến của kỳ thi THPT. Kỳ thi này đã trải qua hơn nửa chặng đường, em xin chia sẻ vài nhận xét và góp ý về việc cải cách của Bộ GD&ĐT.

'Kỳ thi THPT quốc gia thất bại hoàn toàn'

Trước những bất cập trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển đại học, PGS Văn Như Cương nói, đề án thi THPT quốc gia thất bại ngay khi bắt đầu.

Lợi bất cập hại 

Em cho rằng, gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một giúp chúng ta thấy rõ chất lượng học sinh tốt nghiệp, đánh giá đúng năng lực của từng học sinh, các em không thể học tủ. Thế nhưng, xét riêng về kỳ thi đại học, cao đẳng, đây là kỳ thi thất bại.

Việc quyết định gộp hai kỳ thi làm một gây ra sự xáo trộn lớn về chất lượng của học sinh ở các trường.

Khi các trường top trên lấy điểm quá cao, các trường top dưới điểm lại thấp hoặc quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng học sinh đầu vào. Hệ lụy là vị trí của các trường có thể đi xuống, kéo theo nền giáo dục Việt Nam đi xuống.

Những năm trước, khối A, Đại học Ngoại thương lấy điểm từ 24 đến 24,5, nhưng năm nay, học sinh đạt 25-26 điểm vẫn có khả năng trượt đại học. 

Năm nay, học sinh đạt điểm cao sẽ không nộp vào trường top dưới. Ngược lại, người có điểm thấp phải nộp vào trường thấp. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sự phân chia sâu sắc về mặt chất lượng và uy tín của các trường đại học trong cả nước. 

Những biến động khi có điểm thi

Vấn đề thứ hai chính là việc nộp và rút hồ sơ. Như các năm, học sinh nộp trường mình có khả năng thi đỗ trước. Năm nay, gia đình học sinh hồi hộp chờ đợi kết quả của kỳ thi gần 20 ngày. Họ lại chờ thêm 20 ngày trong áp lực, lo âu với việc nộp và rút hồ sơ để hy vọng sẽ đỗ đại học.

PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Học sinh như đang lao vào cuộc chơi đỏ đen, không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán". 

Em cảm nhận được kỳ thi tuyển sinh 2015 như ván bài đỏ đen, chưa biết ai thắng ai thua ngay cả phút cuối. Hệ lụy là học sinh và phụ huynh đều lo âu, mất ăn mất ngủ, công việc dở dang.

Cách tuyển sinh những năm trước, trường chỉ cần xem điểm học sinh đạt được để quyết định chất lượng đầu vào. Nhưng năm nay, trường đại học, cao đẳng mệt mỏi hơn, khi 3 ngày cập nhật danh sách thí sinh nộp hồ sơ 1 lần. Hoặc việc nộp và rút hồ sơ, rút ra lại nộp vào gây rối loạn cho chính gia đình, học sinh lẫn nhà trường. 

Cuộc đua xét tuyển vào đại học năm nay là cuộc chơi đỏ đen. Bởi học sinh không chỉ lo lắng việc rớt hạng, mà còn phải rút hồ sơ và đi nộp lại trường khác. Chi phí từ đây cũng phát sinh rất nhiều.

Bộ GD&ĐT đã bao giờ đặt trường hợp học sinh ở miền Bắc nộp vào trường tại miền Nam không ạ? Chi phí để học sinh, gia đình đi lại, không có người thân để ủy quyền rút hồ sơ... sẽ khiến các bạn ngậm ngùi chịu thiệt.

Sự biến động lớn nhất của các đợt xét tuyển nằm ở những ngày cuối cùng. Lượng hồ sơ rút ra và nộp vào quá lớn, học sinh ở xa không thể nào nhanh chóng ứng phó.

Nếu một học sinh đánh giá được năng lực, cần gì phải biết điểm rồi mới nộp. Trong cuộc đua này, học sinh biết mình đang đứng ở đâu vẫn có khả năng trượt. Bởi khi các em biết điểm, điểm cao vào trường top cao, điểm thấp vào trường top dưới và sự biến động chỉ xay ra ở những phút chót.

Một cuộc đua mà cả người trong và ngoài cuộc không biết hướng đi, dù có làm cách nào cũng chẳng có tác dụng.

Em hy vọng Bộ GD&ĐT có thể nhìn nhận và đánh giá khách quan hơn để có điều chỉnh, bước đi phù hợp trong các kỳ thi THPT Quốc gia tiếp theo.

'Kỳ thi THPT quốc gia còn quá nhiều bất cập'

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Minh Hạc cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia không đạt được mục đích ban đầu và còn quá nhiều bất cập, nhất là trong khâu xét tuyển.

Độc giả Minh Phước

TP HCM

Bạn có thể quan tâm