Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xét xử trực tuyến ở các nước diễn ra như thế nào?

Tại Anh, người tham gia phiên xử vẫn có mặt tại tòa án. Từng nhóm khác nhau như thẩm phán, luật sư, bồi thẩm đoàn... ngồi ở các phòng riêng biệt và kết nối thông qua màn hình.

TAND Tối cao đã ban hành dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến, dự kiến áp dụng khi các địa phương tiếp tục giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Theo đó, các vụ án hình sự không thuộc nhóm đặc biệt nghiêm trọng, có chứng cứ rõ ràng, bị cáo đang bị tạm giam hoặc các vụ án dân sự, hành chính không quá phức tạp có thể được xét xử trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những phiên xử trực tuyến không phải điều xa lạ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hạn chế số người tại phòng xử án

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại châu Âu. Mọi hoạt động bị ngưng trệ.

Ngày 23/3/2020, hoạt động xét xử đối với các vụ án mới tại Anh, một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề bởi SARS-CoV-2, phải tạm dừng. Trong bối cảnh số ca mắc ngày một tăng, việc tạm dừng xét xử trong thời gian dài gây ra nguy cơ tiềm ẩn về việc tồn đọng án đối với các cơ quan tiến hành tố tụng xứ sở sương mù.

Nhiều phương án được đưa ra, và cuối cùng, giải pháp xét xử trực tuyến được áp dụng. Ngày 11/5/2020, quyết định về việc xét xử trực tuyến được thông báo. Hai địa điểm đầu tiên áp dụng phương án này là Tòa án Hình sự London và Tòa án Hình sự Wales.

Những người tham gia phiên xử vẫn có mặt tại tòa án. Tuy nhiên, thay vì tham gia chung tại phòng xử án, từng nhóm khác nhau như thẩm phán, luật sư, bồi thẩm đoàn... được phân về các phòng riêng biệt và kết nối thông qua màn hình. Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu về giãn cách xã hội của Chính phủ Anh.

xet xu truc tuyen anh 1

Hình ảnh một phiên tòa trực tuyến qua Zoom diễn ra tại Anh. Ảnh: Bộ Tư pháp Anh.

Tại Mỹ, phiên xét xử trực tuyến đầu tiên diễn ra vào ngày 11/8/2020 tại bang Texas trước khi dần được áp dụng tại các bang khác như Alaska, Arizona, California, Columbia hay Tennessee... Hình thức tham gia của những người có vai trò tại phiên xét xử sẽ do các bang toàn quyền quyết định.

Tại Alaska, chỉ một số lượng nhất định thành viên bồi thẩm đoàn có mặt tại phiên tòa, phần còn lại kết nối, tham gia xét xử từ xa. Tại Arizona, các vụ án được chia thành các nhóm dựa trên mức độ nghiêm trọng. Từ đó, việc áp dụng xét xử sẽ tùy thuộc vào việc vụ án có mức độ nghiêm trọng ra sao.

Tại California, Arkansas hay Columbia, các bị cáo có thể xuất hiện thông qua các thiết bị công nghệ. Trong khi tại bang Tennessee, việc xét xử trực tuyến thường chỉ áp dụng với các vụ việc dân sự liên quan tới tranh chấp, kinh doanh thương mại.

Đến nay, Ấn Độ, Đức hay Brazil cũng tổ chức những phiên tòa trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hai mặt của phiên tòa trực tuyến

Việc mở phiên tòa trực tuyến giúp tránh việc tồn đọng án cũ, đồng thời vẫn đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế sự lây lan của Covid-19. Ngoài ra, hình thức này còn giúp tiết kiệm chi phí đi lại cho những người liên quan phiên tòa.

Tuy nhiên, trong bài viết mới đây, nghiên cứu sinh Carolina Rabinowicz của Đại học Luật Havard đã chỉ ra những hạn chế, bất cập của phương thức xét xử này.

"Sau phiên xử trực tuyến qua Zoom đầu tiên hôm 11/8/2020 tại Texas, nhiều người đã vỡ mộng. Luật sư phiên xử hôm đó thừa nhận thứ công nghệ này chẳng thể làm được gì ngoài việc giải quyết những vụ án cỏn con. Bảng điều khiển của bồi thẩm đoàn không xuất hiện nội dung cần chiếu, kết nối gặp vô số vấn đề còn màn hình chính thì thường xuyên đóng băng", tác giả viết.

xet xu truc tuyen anh 2

Một phiên tòa trực tuyến tại Mỹ. Ảnh: Brooking Institution.

Sự thiếu ổn định của đường truyền, thiếu hụt về tính năng của các ứng dụng vốn không sinh ra để phục vụ việc xét xử và về kỹ năng của những người tham gia phiên tòa khiến xét xử trực tuyến trở thành thách thức. Ngoài ra, việc bảo vệ tài liệu xét xử đã được số hóa khỏi các hacker như thế nào cũng sẽ là vấn đề cần lưu tâm.

Song, yếu tố về công nghệ chưa phải là bất cập duy nhất. Đó còn là yếu tố về sự trang nghiêm, về tính công bằng cũng như quyền và nghĩa vụ các bên trong vụ việc.

"Một số người không đủ điều kiện về công nghệ để tham dự phiên tòa. Một số khác, những người sống trong các môi trường nguy hiểm, có thể cảm thấy không an toàn và tự do khi tham gia phiên tòa từ xa. Ví dụ, một nhân chứng, nạn nhân trong vụ bạo hành gia đình sẽ không thể tự do bày tỏ quan điểm nếu tham gia phiên tòa tại nhà, như cách họ trình bày tại tòa án", nữ nghiên cứu sinh viết.

Ngoài ra, việc một phiên tòa bị pha lẫn bởi tiếng ồn từ vật nuôi, tiếng nghịch ngợm của lũ trẻ, tiếng nhạc của nhà hàng xóm hay việc bị cáo trong phiên xét xử trực tuyến có vị trí màn hình ngang hàng với các thẩm phán, bồi thẩm đoàn cũng sẽ khiến phiên xét xử không còn duy trì được sự trang nghiêm vốn có.

Những thiết bị mà Carolina Rabinowicz khảo sát chưa thể đáp ứng được nhu cầu xét xử. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh này tin rằng trong tương lai, nếu có thể phát triển các nền tảng hỗ trợ xét xử trực tuyến, người tham gia phiên tòa sẽ thuận lợi hơn.

Phó chánh án TAND Tối cao: 'Không phải tất cả vụ án đều xử trực tuyến'

Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp đã thúc đẩy nhanh hơn yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử.

Phiên tòa xét xử trực tuyến diễn ra như thế nào?

Việc kiểm tra căn cước của người dự phiên xử online phải qua so sánh trực tuyến giấy tờ tùy thân hoặc qua cơ sở dữ liệu quốc gia. Chứng cứ cũng được sao chụp để gửi cho HĐXX.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm