Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xét xử vụ bầu Kiên: Bàn về chuyện kinh doanh trái phép

Cả lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn đều cho thấy việc góp vốn, mua cổ phần không phải là ngành nghề kinh doanh.

Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã có lịch xét xử vụ án bầu Kiên từ ngày 16 - 29/4. Viện KSND Tối cao truy tố ông Kiên về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế.

Đáng lưu ý, một trong những tội danh bầu Kiên bị truy tố là Kinh doanh trái phép theo quy định của điều 159 Bộ Luật Hình sự, kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh. 

Tại sao Bầu Kiên bị truy tố về tội kinh doanh trái phép?

Theo Kết luận điều tra và áo trạng, bầu Kiên đã thông qua 6 công ty để kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng trạng thái trái phép. Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng gồm các hành vi: Mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng, góp vốn, mua cổ phần của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp.

Kết luận điều tra, cáo trạng nêu các công ty này không có chức năng kinh doanh tài chính nên việc mua trái phiếu chuyển đổi, góp vốn, mua cổ phần là trái pháp luật.

Góp vốn, mua cổ phần có cần đăng ký kinh doanh?

Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề trong Đăng ký kinh doanh. Riêng  việc thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp được quy định tại điều 13 của Luật Doanh nghiệp. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp, mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, chỉ loại trừ các trường hợp như cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, công chức…

Luật Doanh nghiệp đã tách bạch 2 loại hoạt động: kinh doanh của doanh nghiệp theo đăng ký kinh doanh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần là quyền của doanh nghiệp, thực hiện theo các trình tự luật định, không cần đăng ký kinh doanh.

Theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam (sử dụng để đăng ký kinh doanh) theo quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính Phủ không hề có ngành nghề kinh doanh góp vốn, mua cổ phần.

Việc góp vốn, mua cổ phần trên thực tế

Trên thực tế, qua các trường hợp đã tìm hiểu, tác giả bài viết thấy các doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần đều không có đăng ký kinh doanh với ngành nghề này. Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không yêu cầu các doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi doanh nghiệp này góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp khác. 

Ngay cơ quan Nhà nước cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cũng không yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi  góp vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không yêu cầu các doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần khi các doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp các giấy phép liên quan để các doanh nghiệp tham gia góp vốn, mua cổ phần, quản lý các ngân hàng.

Ngay chính các ngân hàng, doanh nghiệp các công ty của bầu Kiên đã góp vốn, mua cổ phần cũng có nhiều doanh nghiệp khác góp vốn, mua cổ phần mà không hề có đăng ký kinh doanh với ngành nghề này.

Quan điểm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Trước và sau vụ án Bầu Kiên, đã có nhiều trường hợp muốn đăng ký kinh doanh ngành nghề đầu tư tài chính, cụ thể là góp vốn, mua cổ phần để “chắc ăn”, để tránh hậu quả “kinh doanh trái phép”, nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh không chấp nhận.

Sau khi Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, trên website của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã trả lời “riêng đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu là quyền tự chủ của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, không phải là ngành nghề kinh doanh”.

Trong văn bản trả lời doanh nghiệp vào năm 2012, Phòng đăng ký kinh doanh TP.HCM nêu: đầu tư tài chính là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp, không phải là ngành nghề kinh doanh. Do đó, chưa có cơ sở để cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Mới đây nhất, người viết bài này đã làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp với ngành nghề được đăng ký là “đầu tư góp vốn, đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”. Ngày 21/3/2014, Phòng Đăng ký kinh doanh TP.HCM đã có công văn số 01777/ĐKKD-TNXL trả lời hiện Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa quy định về đăng ký hoạt động này; Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đang có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để có hướng dẫn trả lời doanh nghiệp.

Cũng với ngành nghề kinh doanh “đầu tư góp vốn, đầu tư tài chính: góp vốn, mua cổ phần”, khi nộp hồ sơ tại Hà Nội, người viết bài này cũng được Phòng đăng ký kinh doanh trả lời bằng công văn số 24/ĐKKD01 ngày 18/3/2014 với nội dung: Luật doanh nghiệp quy định tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh theo quy định của luật này.

Như vậy, cả lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn đều cho thấy việc góp vốn, mua cổ phần không phải là ngành nghề kinh doanh, mà là quyền của doanh nghiệp, không cần và không thể đăng ký kinh doanh.

Với diễn biến của vụ án Bầu Kiên, với quan điểm của các cơ quan tố tụng đến thời điểm này về việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều lý do để lo lắng về các trường hợp đã, đang và sẽ góp vốn, mua cổ phần tương tự.



http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/xet-xu-vu-bau-kien-ban-ve-chuyen-kinh-doanh-trai-phep-3031554?p/p26

Theo Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm